Kịch bản chấm dứt xung đột Nga - Ukraine dưới thời ông Trump sẽ ra sao?
VOV.VN - Sau sự trở lại của ông Trump, một trong những kịch bản chấm dứt xung đột Nga-Ukraine đang được thảo luận nhiều nhất là kịch bản châu Âu sẽ gửi một lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine. Tuy nhiên, kịch bản này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Trong bối cảnh Nga dường như đang chiếm ưu thế trước Ukraine và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên trì với ý định buộc hai bên tham chiến phải ngồi vào bàn đàm phán, Kiev và một số đồng minh châu Âu đang thảo luận về một phương án tối ưu nhất để đảm bảo lợi ích cũng như an ninh lâu dài cho nước này. Một trong phương án nhận được nhiều sự chú ý nhất hiện nay là triển khai hàng nghìn quân châu Âu tới Ukraine nhằm mục đích giám sát quá trình thực thi lệnh ngừng bắn.
Nhiều quan chức Kiev đã ra tín hiệu sẵn sàng xem xét các điều khoản ngừng bắn nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn chần chừ. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, các cam kết an ninh từ các đồng minh sẽ là chìa khóa cho một nền hòa bình công bằng, bởi nếu không có chúng, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi một cuộc xung đột khác giữa Nga và Ukraine bùng phát. Chính quyền Kiev cho biết các thỏa thuận trước đây với Điện Kremlin là vô giá trị, chỉ ra các hiệp ước an ninh năm 2014 và 2015 đã mất hiệu lực khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào đầu năm 2022.
Người ta vẫn phải chờ xem liệu Nga có muốn chấm dứt xung đột khi lực lượng nước này dường như đang ở thế chủ động hay không. Nhưng phần còn lại của châu Âu đang phải chấp nhận rằng thất bại của Ukraine sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh của họ.
“Đây không chỉ là vấn đề chủ quyền của Ukraine. Bởi vì nếu Nga thành công trong cuộc xung đột này, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trong một thời gian rất dài sau đó", Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu trong chuyến thăm gần đây tới Kiev.
Những kế hoạch ngừng bắn nào đã được thảo luận?
Sự trở lại của ông Trump cùng lời đe dọa ngừng viện trợ cho Ukraine đã buộc Liên minh châu Âu (EU) phải hành động. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc xây dựng các đảm bảo an ninh cho Ukraine là trách nhiệm chính của các quốc gia EU, trong khi Thủ tướng Keir Starmer cho biết London sẽ tham gia nghiêm túc vào bất kỳ nỗ lực gìn giữ hòa bình nào. Ukraine coi NATO là lực lượng răn đe mạnh mẽ nhất đối với Nga nhưng ông Trump và một số nhà lãnh đạo cấp cao phương Tây đã dập tắt ý tưởng về sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine.
Một trong những ý tưởng chưa được chấp nhận là khả năng các đồng minh sẽ đầu tư ồ ạt để trang bị vũ khí cho Ukraine nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga trong tương lai. Điều này gần như chắc chắn sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ lớn từ phía Mỹ - kịch bản không khả thi dưới thời Tổng thống Trump.
Một ý tưởng khác, do Ukraine đề xuất, sẽ để các đồng minh của Ukraine bảo vệ nước này khỏi các cuộc không kích quy mô lớn của Nga, tương tự như cách Mỹ giúp bảo vệ Israel khỏi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Iran vào năm ngoái. Các chuyên gia cho biết một nhược điểm có thể xảy ra đối với cách tiếp cận này là nó sẽ phơi bày công nghệ phòng thủ tinh vi của phương Tây trước khả năng học hỏi nhanh của quân đội Nga.
Ý tưởng thứ ba đã được Tổng thống Macron đưa ra gần một năm trước, được xây dựng dựa theo hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953. Theo đó, quân đội phương Tây sẽ đồn trú tại Ukraine như một lực lượng răn đe và phản ứng nhanh trước bất kỳ khả năng Moscow và Kiev xảy ra xung đột trong tương lai.
Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng này, Tổng thống Zelensky cho biết cần phải có đủ quân đồng minh đồn trú tại Ukraine để giúp Kiev vượt qua lợi thế về nhân lực của Nga. Cụ thể, trong tuần này, nhà lãnh đạo Kiev đã yêu cầu ít nhất 200.000 quân châu Âu tham gia giữ gìn hòa bình ở Ukraine. Ông Zelensky cũng kêu gọi các nước đồng minh tăng cường viện trợ vũ khí cho nước này, bao gồm vũ khí tầm xa có khả năng tấn công các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Moscow nằm sâu gần 1.000km bên trong lãnh thổ Nga. Trước đó, ông Trump đã phản đối ý tưởng này.
Mặc dù Tổng thống Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải vật lộn với những câu hỏi về mức độ hỗ trợ quân sự và tài chính mà họ có thể cung cấp cho Kiev cũng như mức độ rủi ro chính trị mà họ sẽ gặp phải nếu đồng ý gửi quân đến Ukraine.
Khả năng châu Âu gửi quân đến Ukraine
Các cuộc thảo luận có thể vô ích. Moscow đang nắm nhiều lợi thế trên chiến trường và không có nhiều khả năng ông Putin sẽ chấp nhận đề xuất đưa quân đội phương Tây vào Ukraine, dù lực lượng này chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình.
Ông Boris Bondarev, một cựu nhà ngoại giao Nga nhận định: "Tổng thống Putin sẽ không bao giờ đồng ý với điều này", đồng thời nhận định rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ rất khó thuyết phục ông chủ Điện Kremlin thay đổi lập trường.
Bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga mới đây cũng cho biết quân đội NATO ở Ukraine sẽ "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và gây ra "sự leo thang không kiểm soát". Còn theo bà Camille Grand, cựu quan chức NATO hiện làm việc tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, nếu các quốc gia châu Âu đồng ý gửi quân tới Ukraine, điều này sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới Nga rằng châu Âu có ý định tham gia vào cuộc chiến này.
Tuy nhiên, một cố vấn giấu tên của chính phủ Ukraine cho biết Kiev vẫn đang đơn phương thuyết phục EU thực hiện kịch bản này và suy đoán rằng Moscow có thể chấp nhận kịch bản như vậy tùy thuộc vào những nhượng bộ mà Ukraine sẵn sàng thực hiện.
Nhưng ngay cả khi liên minh châu Âu đồng ý với yêu cầu của Ukraine, vẫn còn những câu hỏi xung quanh năng lực sản xuất quân sự, nhân lực và gánh nặng tài chính đè nặng lên các quốc gia thành viên nếu ông Trump ngừng viện trợ cho Ukraine. Hiện 40% hỗ trợ quân sự từ nước ngoài dành cho Kiev đều đến từ Mỹ.
Hoạt động sản xuất quốc phòng của châu Âu bị phân mảnh theo từng quốc gia và rơi vào tình trạng thiếu vốn suốt nhiều tháng. Đó là chưa kể, một số quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức đang đối mặt với khủng hoảng chính trị - xã hội, buộc các chính phủ nước này phải tạm gác lại vấn đề Ukraine qua một bên để ưu tiên xử lý công việc nội bộ
Rủi ro đang rình rập
Bà Marie Dumoulin, giám đốc chương trình Wider Europe tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết có nhiều khía cạnh trong đề xuất của ông Macron cần phải được giải quyết. Cụ thể, các lực lượng đồng minh sẽ được triển khai ở đâu tại Ukraine, những quốc gia nào sẽ gửi quân và họ sẽ đảm nhiệm vai trò gì trong quá trình giám sát thỏa thuận hòa bình.
Các quan chức Ukraine giấu tên mô tả lực lượng quân đồng minh này đóng vai trò là lực lượng gìn giữ hòa bình nhưng cũng là lực lượng giăng bẫy và họ sẽ cam kết phản công trong trường hợp bị Nga tấn công.
“Có những điểm chưa rõ khi mọi người mô tả đây là hoạt động gìn giữ hòa bình tiềm năng”, bà Dumoulin nói. Một quan chức cấp cao của Ukraine và hai quan chức phương Tây giấu tên đều đồng tình với ý kiến này.
Một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình truyền thống đòi hỏi phải có phiếu bầu của Liên Hợp Quốc, một phiếu bầu mà Nga có thể dễ dàng phủ quyết nhờ vị trí thường trực trong Hội đồng Bảo an. Nhiệm vụ này sẽ không bao gồm phản ứng quân sự trong trường hợp Nga tấn công Ukraine - một trong những bảo đảm an ninh mà Kiev đang tìm kiếm.
Tổng thống Ukraine cho biết ông đã thảo luận về đề xuất xây dựng một lực lượng gìn giữ hòa bình bao gồm quân đội Anh, Pháp, Ba Lan và các quốc gia Baltic nhưng thực tế là, đề xuất này sẽ gặp phải sự phản đối dữ dội từ Tổng thống Putin. Bà Dumoulin cũng không loại trừ khả năng Điện Kremlin sẽ coi phương Tây là một bên tham chiến trực tiếp nếu ý tưởng triển khai quân tới Ukraine thành hiện thực.