Kịch bản xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah
VOV.VN - Ngay cả trước vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm của lực lượng Hezbollah ở Lebanon hôm 17/9, chiến tranh dường như đã rình rập biên giới Israel-Lebanon.
Hồi đầu tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết sẽ đưa 60.000 người ở phía Bắc đất nước phải đi sơ tán được trở về nhà. Sau vụ nổ máy nhắn tin, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tuyên bố xung đột Israel-Hezbollah đã bước vào một "giai đoạn mới".
Thiếu tướng Ori Gordin, người đứng đầu Bộ Chỉ huy phía Bắc của Israel cho biết, ông và quân đội của mình "quyết tâm thay đổi thực trạng an ninh càng sớm càng tốt".
Vậy liệu có xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn không? Và nếu có, nó sẽ diễn ra thế nào?
Vài ngày trước vụ nổ máy nhắn tin, Nội các Israel đã cập nhật các mục tiêu quan trọng, bao gồm việc đưa khoảng 60.000 cư dân trở về các khu vực phía Bắc Israel sau khi họ phải đi sơ tán vì hàng loạt cuộc tấn công của Hezbollah sau ngày 7/10/2023.
Hezbollah vẫn liên tục tấn công Israel đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ người Palestine cho đến khi chiến sự kết thúc tại Dải Gaza. Vì vậy, về mặt lý thuyết, nếu có một giải pháp ngoại giao: chấm dứt xung đột ở Gaza thì vấn đề sẽ tự động được giải quyết.
Rõ ràng đó là giải pháp mà các đồng minh chủ chốt của Israel, bao gồm Mỹ và Anh mong muốn. Họ đã thông qua cả con đường công khai và riêng tư để kêu gọi kiềm chế và cảnh báo không làm chệch hướng các cuộc đàm phán hòa bình.
Nhưng lời lẽ của ông Netanyahu và ông Gallant, các cuộc tấn công bằng máy nhắn tin, các cuộc không kích leo thang, việc tái triển khai quân đội từ Gaza về phía Bắc… cho thấy hành động của Israel ở Lebanon chỉ còn là vấn đề thời gian, chứ không phải có hay không.
Có ba lựa chọn mà các nhà hoạch định của Israel có thể cân nhắc: không kích; một cuộc tấn công lớn theo kiểu như ở Gaza; và một cuộc tấn công "có giới hạn" để thiết lập một "vùng đệm".
Không kích
Tất nhiên, lựa chọn đầu tiên là an toàn nhất. Với lựa chọn này, Israel không cần điều động quân đội trên bộ, tránh nguy cơ sa lầy và tránh bị phân tán nguồn lực trong khi xung đột ở Gaza vẫn đang diễn ra.
Vào sáng 20/9, Israel cho biết các cuộc không kích của họ đã phá hủy 100 bệ phóng tên lửa của Hezbollah. Tuy vậy, cuộc chiến kéo dài 11 tháng ở Gaza cho thấy, ngay cả các cuộc không kích hiện đại, không ngừng nghỉ không thể đảm bảo chiến thắng cho Israel. Cuối cùng, bộ binh vẫn phải giao chiến với lực lượng đối phương để chiếm và giữ đất.
"Không có kịch bản nào chúng ta có thể đưa người dân trở lại các thị trấn dọc biên giới, nếu Hezbollah còn ở biên giới", Chuẩn tướng Amir Avivi, cựu phó chỉ huy Sư đoàn Gaza của Lực lượng Phòng vệ Israel và là người sáng lập Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Israel cho biết.
Ông Avivi nói: “Điều này có nghĩa là nếu Hezbollah không tự nguyện rút lui, theo nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Israel không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành một cuộc tấn công trên bộ”.
Nhưng bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào cũng đầy rủi ro. Thiếu tá Moshiko Giat, một người lính đặc nhiệm của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) từng chiến đấu trong cuộc tấn công của Israel vào Lebanon năm 2006 cho biết: “Cơ sở hạ tầng ở Lebanon khá vững chắc và rất khó đột nhập. Đó là một trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan của chúng tôi, làm thế nào chúng tôi có thể tấn công cơ bản vào tất cả các cơ sở hạ tầng được xây dựng từ năm 1982 đến năm 2006”.
Theo đánh giá của Giat, Hezbollah hơn hẳn Hamas về cả số lượng và sức mạnh quân sự. Các nhà quan sát độc lập tin rằng Hezbollah có thể triển khai từ 20.000 đến 40.000 chiến binh. Nhóm này được cho là có kho vũ khí lên tới 150.000 tên lửa và rocket, nhiều trong số đó là các thiết kế tiên tiến của Iran có khả năng bắn sâu vào Israel.
Tấn công toàn diện
Một cuộc tấn công toàn diện giống như Israel đang thực hiện ở Dải Gaza, đột kích từng nhà và từng đường hầm để theo đuổi mục tiêu hủy diệt hoàn toàn lực lượng Hezbollah cùng kho vũ khí khổng lồ của nhóm này, rõ ràng là có sức thuyết phục về mặt cảm xúc đối với người Israel muốn bảo vệ biên giới phía Bắc một lần và mãi mãi.
Nhưng IDF vẫn chưa xóa sổ được kẻ thù kém đáng gờm hơn là Hamas sau 11 tháng tấn công vào vùng lãnh thổ nhỏ hơn nhiều là Gaza.
Cố gắng làm điều tương tự với Hezbollah có nghĩa là lặp lại cuộc tấn công đẫm máu năm 1982 vào Beirut. Thương vong quân sự sẽ cao, thương vong dân sự có thể cao hơn nhiều và sự kiên nhẫn của các đồng minh chủ chốt như Mỹ đã bị thử thách đến mức giới hạn.
Xung đột vũ trang với lực lượng Hamas bắt đầu từ ngày 7/10 năm ngoái đã là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Israel. Sức chịu đựng của nền kinh tế, tình cảm của công chúng và cộng đồng quốc tế có thể kéo dài thêm bao lâu nữa hiện đang là vấn đề cần cân nhắc nghiêm túc.
Vùng đệm
Nếu như lựa chọn thứ hai tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, thì vẫn còn phương án thứ ba cho Israel. Đó là thực hiện một cuộc xâm nhập “hạn chế” hơn để thiết lập vùng đệm. Ngay cả như vậy, đây vẫn sẽ là một chiến dịch lớn.
Assaf Orion, một chuẩn tướng đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy bộ phận chiến lược của Bộ tổng tham mưu IDF, cho biết sẽ cần “một số sư đoàn”, hoặc khoảng 30.000 quân, để “dọn sạch” miền Nam Lebanon.
Theo ông Orion, sau khi hoàn thành nhiệm vụ “dọn dẹp” miền Nam Lebanon, sẽ cần một hoặc hai sư đoàn – từ 10.000 đến 20.000 quân – để duy trì chiếm đóng sau đó. Không rõ chính xác vùng đệm sẽ sâu đến mức nào.
Thiếu tá Giat đánh giá, mục tiêu của bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào cũng sẽ là dọn sạch và giữ vùng đệm sâu từ 6 đến 12 dặm.
“Lebanon không đông dân như Gaza, các thị trấn và làng mạc ở miền Nam Lebanon khá vắng vẻ. Hoạt động này sẽ không phức tạp như những gì chúng ta thấy ở Gaza. Tôi nghĩ rằng có thể mất vài tuần vì sẽ rất, rất căng thẳng. Và cũng sẽ có áp lực rất lớn bên trong Lebanon buộc Hezbollah phải dừng lại, bởi vì rõ ràng là Lebanon sẽ phải trả giá đắt ở đây. Tôi cho rằng cuộc chiến sẽ không kéo dài”, Chuẩn tướng Avivi nhận định.
Phương án khác?
Giới quan sát đánh giá, có sự trái ngược khá rõ trong những tuyên bố của giới chức Israel. Một mặt là sự tự tin vào ưu thế của IDF trên chiến trường. Mặt khác là sự thừa nhận rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng và khó khăn hơn nhiều so với những đánh giá trên lý thuyết. Điểm mấu chốt, theo quan điểm của Israel, không có lựa chọn tấn công nào là tốt cả.
Bản thân Thủ tướng Netanyahu, với tất cả lời lẽ hùng hồn của mình, lại bị các nhà quan sát coi là một chính trị gia thận trọng và thậm chí là thiếu quyết đoán. Điều đó khiến một số người nhận định rằng chiến tranh không phải là điều không thể tránh khỏi.
Amos Yadlin, cựu giám đốc tình báo quân đội Israel, nói với The Telegraph: "Tôi không chắc bên nào muốn một cuộc chiến tranh toàn diện và có những cách khác để Israel gây tổn hại cho Hezbollah. Cho đến nay, chúng ta đã thấy điều đó".
Có những ý kiến cho rằng các cuộc tấn công đổ máu trong những ngày gần đây – vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm, các cuộc không kích ở biên giới và ở Beirut - nhằm mục đích đạt được điều gì đó khác.
Liệu viễn cảnh về một cuộc chiến tranh toàn diện có thể buộc Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah, phải hạ lệnh cho các chiến binh của mình giảm nhiệt bằng cách dừng các cuộc tấn công bằng tên lửa không? Liệu Nasrallah và những người hậu thuẫn có thể dựa vào Hamas để ký một lệnh ngừng bắn ở Gaza theo các điều khoản của Israel không?
Nếu đó là chiến lược của Israel, thì đó là một chiến lược có độ rủi ro cao và hiện vẫn chưa mang lại kết quả.