Kinh tế Mỹ: Suy thoái liệu đã qua?
Sức mạnh Mỹ vẫn đang bị đe doạ bởi một nền kinh tế phục hồi quá mong manh. Đó là lý do khiến thông tin thoát khỏi suy thoái được Washington trì hoãn công bố.
Ngày 20/9, Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ cho biết cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu từ hồi tháng 12/2007 đã chấm dứt từ tháng 6/2009. Kéo dài tổng cộng 18 tháng, đây là cuộc suy thoái dài nhất và cũng là lún sâu nhất của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Điều khiến dư luận lấy làm “lạ” là tại sao trong khi thế giới đã khẳng định suy thoái qua từ cách đây khá lâu, thì mãi cho đến lúc này Washington mới chính thức lên tiếng thừa nhận? Và câu hỏi được báo chí Mỹ liên tiếp đặt ra là: Suy thoái liệu đã thực sự qua đi? khi mà kinh tế Mỹ còn quá nhiều vấn đề.
Không biết nên gọi là “lỗi thời” hay “quá thận trọng” khi Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ chờ tới tận lúc này mới công bố rằng suy thoái đối với nước Mỹ đã chấm dứt từ ... 15 tháng trước. Lập luận của cơ quan này là muốn đợi số liệu thu nhập quốc gia điều chỉnh được công bố cuối tháng 8 vừa qua, mới chính thức khẳng định suy thoái đã qua - điều mà cách đây 5 tháng họ vẫn còn từ chối thừa nhận.
Thông thường, một nền kinh tế được coi là suy thoái khi hai quý liền tăng trưởng âm; cũng có nghĩa là 6 tháng tăng trưởng dương trở lại là có thể công bố ra khỏi một đợt suy thoái.
Xét như vậy, rõ ràng, nước Mỹ có vẻ hơi quá lo xa! Điều này khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên, bởi bấy lâu nay, Washington thường nôn nóng công bố các thắng lợi của họ, ví dụ điển hình là trong các cuộc chiến tranh chống khủng bố. Và xét về mặt lô gích, tin vui “ra khỏi suy thoái” của nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ làm nức lòng các nhà đầu tư, là cú hích lớn cho thị trường chứng khoán và đồng USD.
Vậy thì vì sao trong trường hợp này, Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ lại chần chừ? Câu trả lời nằm ở chính câu hỏi mà báo chí Mỹ đang đặt ra, rằng: Suy thoái liệu đã thực sự qua đi? Nếu nói là nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi suy thoái từ tháng 6 năm ngoái, điều đó cũng có nghĩa là đã có sự phục hồi từ 15 tháng qua.
Nhiều người Mỹ vẫn còn chờ việc |
Song thực tế, người dân Mỹ lại không cảm nhận được sự phục hồi đó. Minh chứng là tỷ lệ thất nghiệp, số người nghèo tại đất nước được coi là giàu có nhất thế giới vẫn còn rất cao.
Các sáng kiến kích thích kinh tế dù liên tiếp được Tổng thống Obama đưa ra cũng chưa thể thuyết phục các chuyên gia phân tích rằng chính quyền Mỹ đang áp dụng những chính sách đúng đắn, hay chưa thể làm an lòng người dân Mỹ rằng tương lai phía trước sẽ tươi sáng hơn.
Một vế khác trong thông tin mới được Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ đưa ra cũng gây nhiều sự chú ý. Đó là: Nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nữa, thì đó sẽ là một cuộc suy thoái mới, chứ không phải nối dài đợt suy thoái trước.
Rõ ràng nghi vấn về nguy cơ một cuộc suy thoái kép, hay suy thoái thứ hai vẫn đe doạ nước Mỹ.
Mới đây, trong phiên điều trần trước quốc hội giữa tháng này, chính Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã công khai bày tỏ lo ngại rằng: thâm hụt ngân sách tài khoá 2010 ở mức cao tới 1.300 tỷ USD là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ, làm suy yếu và hạn chế năng lực hành động của nước Mỹ.
Hay việc Washington lên kế hoạch gây sức ép nhiều hơn đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc thực chất phản ánh nỗi lo của Mỹ trước thâm hụt cán cân thương mại hiện vẫn đang ở mức nguy hiểm.
Sức mạnh Mỹ vẫn đang bị đe doạ bởi một nền kinh tế phục hồi quá mong manh. Đó là lý do khiến thông tin thoát khỏi suy thoái được Washington trì hoãn công bố. Và dù nhằm mục đích gì, tin vui đến muộn này chưa thể làm nức lòng người dân Mỹ./.