LHQ chỉ trích Mỹ cấm vận Cuba
Việc duy trì lệnh cấm vận làm cho chính nước Mỹ đánh mất rất nhiều cơ hội giao thương để cùng tăng trưởng với quốc đảo Caribe giàu tiềm năng này.
Ngày 25/10, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một Nghị quyết chỉ trích lệnh cấm vận mà Mỹ đã áp đặt chống Cuba trong suốt nửa thế kỷ qua. Điều đó một lần nữa cho thấy sự phi lý và lỗi thời của các biện pháp đơn phương từ phía Mỹ nhằm vào nhân dân Cuba, trong bối cảnh cả thế giới đang muốn bắt tay nhau để cùng hợp tác và phát triển.
Việc Mỹ tiếp tục bao vây cấm vận Cuba sẽ không mang lại lợi ích cho chính bản thân nước Mỹ |
Đã 20 năm nay, cứ “đến hẹn lại lên”, kỳ họp nào của Đại Hội đồng LHQ cũng thông qua một bản Nghị quyết chỉ trích lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt chống Cuba từ năm 1962. Năm nay cũng vậy, Nghị quyết này được thông qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo 186 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Đây có thể xem như Nghị quyết được thảo luận nhiều nhất và thành công nhất tại Đại Hội đồng LHQ khi mà sự nhất trí cao được khẳng định và số lượng các quốc gia ủng hộ Cuba ngày càng nhiều thêm.
Argentina và Trung Quốc cho rằng, lệnh cấm vận chống Cuba đã vi phạm những quy tắc nền tảng của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và nguyên tắc quan hệ hòa hảo giữa các quốc gia. Còn Nga thì tuyên bố, Mỹ đang thực thi chính sách 'bóp nghẹt kinh tế' và kêu gọi Washington "từ bỏ càng sớm càng tốt cách hành xử vô nghĩa chống Cuba”. Trong khi đó, Mỹ chỉ tìm kiếm được một đồng minh duy nhất luôn trung thành với sự “bảo thủ” của Mỹ, đó là Israel.
Đáng tiếc là Nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc, nên dù liên tục được thông qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo thì nó vẫn không khiến Washington buộc phải thay đổi chính sách với Cuba. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới mới, nếu không nhanh chóng thay đổi quan điểm thì chính quyền Mỹ cũng sẽ tự làm “khó mình” mà thôi.
Để biện minh cho việc duy trì các lệnh cấm vận khắc nghiệt, Washington tuyên bố rằng, hành động của họ là nhằm thúc đẩy một sự cải cách hơn nữa tại Cuba. Điều này thật nực cười khi mà cả thế giới đều công nhận những đổi thay vượt bậc trên đất nước Cuba, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi La Havana đang tiến hành cập nhật hóa mô hình kinh tế mới. Chỉ riêng Mỹ là vẫn sử dụng những luận điệu cũ nhằm làm theo ý mình.
Không thể không kể đến một điểm vô lý nữa, đó là chính quyền Mỹ duy trì cấm vận Cuba là đi ngược lại ý nguyện của chính người dân Mỹ. Hiện ngay trong lòng nước Mỹ và trong cộng đồng người Cuba di cư sang Mỹ, đang có một làn sóng ngày càng lan rộng mong muốn thay đổi chính sách đối với Cuba.
Theo các cuộc thăm dò, 71% công dân Mỹ hiện ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Vậy mà chính phủ Mỹ vẫn cố tình níu kéo di sản chính trị lỗi thời, rập khuôn theo những tư tưởng từ thời Chiến tranh Lạnh trong quan hệ với Cuba. Sẽ tới lúc, chính quyền Washington phải đối mặt với những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận trong nước.
Ngoài ra, việc duy trì lập trường cứng rắn với Cuba còn khiến cho Mỹ ngày càng “chậm chân” trong việc bắt tay với đối tác giàu tiềm năng ở khu vực Caribean này. Có thể thấy rằng, thời gian gần đây, các nước phương Tây ngày càng độc lập với quan điểm của Mỹ trong vấn đề Cuba. Châu Âu đã bình thường hóa quan hệ với Cuba và tăng cường đầu tư vào quốc gia này. Trung Quốc cũng vậy, các chuyến thăm cấp cao của nước này tới Cuba cách đây không lâu là nhằm thiết lập quan hệ vững chắc hơn với quốc đảo Caribe để thâm nhập vào khu vực này.
Mỹ áp đặt cấm vận khiến Cuba tổn thất hơn 975 tỷ USD trong vòng 50 năm qua, nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ hoàn toàn không thiệt hại gì. Mỹ thực sự đã đánh mất rất nhiều cơ hội giao thương để cùng tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Song có lẽ, sẽ chẳng thế lực nào ngăn cản được quy luật và nhu cầu tự nhiên khi có tới hơn 30.000 công dân Mỹ thăm Cuba trong nửa đầu năm nay, bất chấp việc Washington duy trì những quy định ngặt nghèo nhằm hạn chế công dân Mỹ đến quốc đảo Caribe này.
Trong một thế giới có nhiều biến đổi lớn, cái gì đã trở nên quá ư lạc hậu rồi tự thân nó sẽ bị phủ nhận./.