Lịch sử kỳ thị và bạo lực đối với người gốc Á ở Mỹ
VOV.VN - Số lượng tội ác hận thù chống người châu Á ở Mỹ đã tăng 150% kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đầu năm 2020.
Một tay súng đã sát hại 8 người ở thành phố Atlanta thuộc bang Georgia của Mỹ đêm ngày 16/03. Điều đáng chú ý là 6 trong số nạn nhân là người gốc Á và sự việc đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng kỳ thị và bạo lực đối với người gốc Á ở Mỹ. Số lượng tội ác hận thù chống người châu Á ở Mỹ đã tăng 150% kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đầu năm 2020.
Người dân gốc Á đã sống ở Mỹ hơn 160 năm và đã từ lâu trở thành mục tiêu của sự kỳ thị. Dưới đây là những sự kiện lớn liên quan tới bạo lực và sự kỳ thị mà người nhập cư châu Á và người Mỹ gốc Á phải đối mặt kể từ trước nội chiến.
Phán quyết People v. Hall
Người nhập cư Trung Quốc bắt đầu tới Mỹ với số lượng lớn trong những năm 1850, chủ yếu là tới California và các bang miền Tây để làm việc trong các mỏ kim loại và xây dựng các tuyến đường sắt, các công việc nguy hiểm và được trả lương thấp mặc dù có nhu cầu tuyển lao động cao. Hầu như ngay lập tức đã xuất hiện định kiến mang tính sắc tộc rằng “Người châu Á tới để đánh cắp công việc của người da trắng”. Năm 1854, Tòa án Tối cao California đã gia tăng sự kỳ thị đối với người nhập cư châu Á trong phán quyết với tên gọi “People v. Hall” cho rằng người gốc Á không được làm chứng chống lại người da trắng trước tòa nhằm đảm bảo rằng người da trắng có thể thoát tội liên quan tới bạo lực chống lại người gốc Á. Trong trường hợp này, đó là tội giết người: George Hall bắn chết Ling Sing, một người nhập cư Trung Quốc và các lời khai của nhân chứng đều bị bác bỏ bởi họ cũng là người châu Á.
Cuộc thảm sát người Trung Quốc năm 1871
Ngày 24/10/1871, sau khi một người da trắng bị sát hại trong vụ xô xát giữa các nhóm người Trung Quốc, hơn 500 người da trắng và châu Mỹ Latinh đã làm loạn và bao vây cộng đồng nhỏ người Trung Quốc ở Los Angeles ở quận đèn đỏ có tên gọi Negro Alley. Ít nhất 17 đàn ông và trẻ em Trung Quốc bao gồm 1 bác sỹ địa phương nổi tiếng đã bị đám đông hành hình. Những người này bị treo cổ ở nhiều địa điểm trong thị trấn, bất kỳ chỗ nào mà đám đông tìm được chỗ để treo dây. 8 trong số những kẻ làm loạn cuối cùng đã bị buộc tội giết người nhưng cáo trạng sau đó đã bị đảo ngược. Không ai sau đó bị trừng phạt.
Đạo luật loại trừ người Trung Quốc năm 1882
Khó khăn kinh tế những năm 1870 đã khiến tình trạng kỳ thị và vu oan cho người gốc Á gia tăng. Năm 1882, quốc hội thống nhất thông qua Đạo luật loại trừ người Trung Quốc nhằm cấm người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ trong vòng 20 năm. Tổng thống Chester A. Arthur đã phủ quyết dự luật này nhưng sau đó lại ký một phiên bản khác với lệnh cấm trong vòng 10 năm. Đây là đạo luật hạn chế nhập cư đầu tiên ở Mỹ và đã kéo dài suốt hơn 60 năm trước khi bị thu hồi năm 1943.
Vụ thảm sát Rock Springs năm 1885
Tại Rock Springs, lãnh thổ Wyoming, các hoạt động gây hấn với các thợ mỏ Trung Quốc đã bùng nổ vào tháng 9/1885 khi từ 100 cho tới 150 người bao vây và tấn công các thợ mỏ Trung Quốc khiến 28 người thiệt mạng và 79 ngôi nhà bị đốt cháy. Hàng trăm thợ mỏ Trung Quốc đã chạy tới một thị trấn gần đó và sau đó bị lừa lên một chuyến tàu hỏa khi tin rằng họ sẽ được đưa tới San Francisco an toàn. Tuy nhiên, chuyến tàu này đã đưa họ tới Rock Springs nơi họ bị buộc phải quay trở lại khu hầm mỏ. Quân đội liên bang đã phải ở đó trong vòng 13 năm để thiết lập trật tự.
Bùng phát dịch hạch ở San Francisco
Năm 1990, bệnh dịch hạch bùng phát ở San Francisco. Dịch bệnh được cho là bắt nguồn từ một con tàu từ Australia, tuy nhiên, khi bệnh nhân đầu tiên trên toàn bang California là một người nhập cư Trung Quốc, toàn bộ cộng đồng người Trung Quốc đã bị đổ lỗi vì dịch bệnh. Ngay trong đêm, cảnh sát thành phố San Francisco đã bao vây khu phố Trung Quốc và cấm mọi người dân trừ người da trắng ra, vào nơi này. Các cư dân Trung Quốc phải đối mặt với việc bị khám xét nhà và phá hoại tài sản bằng vũ lực. Đây chính là khởi điểm của sự kỳ thị nhắm tới người Mỹ gốc Á trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19 mà Tổng thống Donald Trump thường gọi là “virus Trung Quốc”, “virus Vũ Hán” và “Cúm Kung” ám chỉ tới một loạt võ thuật của Trung Quốc.
Các trại tập trung người Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến thứ 2
Vào những năm 1940, hàng chục nghìn người nhập cư Nhật Bản và người Mỹ gốc Nhật đã xây dựng cuộc sống ở Mỹ. Sau khi Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng và Mỹ tham gia Thế chiến thứ Hai, chính phủ Mỹ đã buộc toàn bộ những người này tới các trại tập trung trong thời gian diễn ra chiến tranh do nghi ngờ họ có thể trợ giúp kẻ thù. Điều kiện trong các trại tập trung này rất khắc nghiệt, cực nóng vào mùa Hè và cực lạnh vào mùa Đông. Không có gián điệp nào cuối cùng được tìm thấy. Khi những người này được thả, nhiều người đã trở về tìm lại nhà cửa và công việc kinh doanh của mình vốn đã bị phá hoại hoặc tịch thu. Năm 1988, những người sống sót đã nhận được sự xin lỗi của tổng thống và 20.000 USD đền bù.
Những người đánh bắt tôm Việt Nam và giáo phái KKK
Vào thời điểm cuối cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã tái định cư nhiều người Việt chạy sang Mỹ. Ở Texas, nhiều người di cư Việt Nam đã bắt đầu công việc đánh bắt tôm. Những người này đã làm việc chăm chỉ và bắt đầu thống trị ngành nghề này và đây cũng là lúc định kiến về việc người châu Á lấy mất công việc của người da trắng xuất hiện trở lại. Lãnh đạo giáo phái Ku Klux Klan Louis Beam đã huấn luyện các thành viên trong các cuộc tấn công theo phong cách đặc công, tuần tra các vùng biển và đốt các tàu của người Việt Nam.
Vụ sát hại Vincent Chin
Vincent Chin là một thanh niên người Mỹ gốc Trung Quốc, 27 tuổi và chuẩn bị lập gia đình. Vào ngày 19/06/1982, khi Vincent Chin đang ăn mừng cùng những người bạn ở Detroit, hai người đàn ông da trắng đã đánh nhau trong một quán bar và đổ lỗi cho Chin về việc người Nhật lấy mất các công việc trong lĩnh vực sản xuất ô tô của họ. Ở ngoài quán bar, những người này đã đánh Chin với một chiếc gậy bóng chày. Chin đã tử vong nhiều ngày sau đó. Với cáo buộc giết người, những kẻ tấn công Chin có thể bị buộc tội 15 năm tù giam, tuy nhiên, họ chỉ bị án treo và bị phạt 3.000 USD. Phán quyết này đã gây bức xúc trong cộng đồng người Mỹ gốc Á và giúp họ đoàn kết trong mỗi sắc tộc cũng như cùng đấu tranh cho các quyền dân sự.
Bạo loạn ở Los Angeles
Căng thẳng đã gia tăng giữa cộng đồng người Mỹ da đen và gốc Hàn tại Los Angeles trong nhiều năm. Ngày 29/04/1992, các sỹ quan cảnh sát trong vụ đánh Rodney King đã được tha bổng. Bạo loạn đã diễn ra trên khắp thành phố và các cửa hàng của người Mỹ gốc Hàn đã trở thành mục tiêu tấn công. Hàng nghìn cửa hàng đã bị phá hoại trong vụ bạo loạn.
Hận thù gia tăng sau vụ tấn công khủng bố 11/09
Sau vụ tấn công khủng bố 11/09/2001, tội ác hận thù đã gia tăng trước những người theo đạo Hồi hoặc được cho là theo đạo Hồi bao gồm người dân có nguồn gốc từ Nam Á. Chỉ 4 ngày sau vụ tấn công 11/09, thợ sửa máy bay Frank Silva Roque đã sát hại Balbir Singh Sodhi, chủ một cửa hàng xăng là người gốc Ấn Độ, người mà thủ phạm cho là người Hồi giáo. Thời điểm hậu 11/09 là lúc các cộng đồng Nam và Tây Á gia tăng nhận thức và vận động phòng tránh các vụ việc tương tự./.