Liên minh không phải lựa chọn tốt nhất của Nga và Trung Quốc để đối đầu Mỹ
VOV.VN - Nga và Trung Quốc đều muốn thúc đẩy hợp tác và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, nhưng việc xây dựng một liên minh không phải là lựa chọn tốt nhất. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng là một mối đe dọa đối với Nga.
Nga và Trung Quốc đã đặt ra một mặt trận thống nhất trong việc chống lại các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm vào cả 2 nước này, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng, có nhiều hạn chế khiến 2 nước láng giềng này khó có thể bắt tay một cách quá thân mật.
“Có một điều chắc chắn là Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau vì những áp lực từ Mỹ, nhưng giữa 2 nước có nhiều khác biệt hơn là điểm chung. Việc xây dựng một liên minh không phải là lựa chọn tốt nhất”, ông Cheng Yijun, một chuyên gia về quan hệ Nga-Trung tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.
Mặt trận thống nhất chống các lệnh trừng phạt
Tại một cuộc gặp ở thành phố Quý Lâm miền nam Trung Quốc hồi tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đều bày tỏ phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào 2 nước này và sẽ tìm cách để chống lại các lệnh trừng phạt đó.
Cả Trung Quốc và Nga đều phải đối mặt với nhiều thách thức trong tham vọng ở châu Âu thời gian gần đây.
Trong chuyến thăm tới Brussels để gặp ngoại trưởng các nước NATO, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với người đồng cấp Đức rằng các công ty liên quan tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2 – dự án vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức – có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Ông Blinken nhấn mạnh, Nga và Trung Quốc là các mối đe dọa lớn nhất của NATO, đồng thời kêu gọi các đồng minh của Mỹ “chống lại các hành động gây hấn và bắt nạt của Trung Quốc”.
Kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thắt chặt quan hệ với châu Âu cũng gặp trở ngại khi nghị viện châu Âu hủy cuộc họp nhằm thảo luận về thỏa thuận đầu tư mới mà Trung Quốc và EU ký kết hồi tháng 1/2021. Hai bên bị kẹt trong một cuộc tranh cãi “ăn miếng trả miếng” sau khi EU trừng phạt Trung Quốc về các cáo buộc lạm dụng nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Tại họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Lavrov, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng các lệnh trừng phạt đơn phương là không dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Nga Lavrov noi rằng: “Chúng tôi bác bỏ các trò chơi địa chính trị có tổng bằng không, đồng thời bác bỏ các lệnh trừng phạt bất hợp pháp và đơn phương mà các nước phương Tây đang áp dụng ngày càng thường xuyên”.
Trước cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc và để 2 bên có thể giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch thương mại, đồng thời bù đắp lại tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Yang Jin, một chuyên gia về quan hệ Nga-Trung tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh nói rằng, ý tưởng của ông Lavrov chắc chắn sẽ được phía Trung Quốc đón nhận.
“Cả hai bên đều nhận thấy sự rủi ro lớn từ việc quá phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống thanh toán do phương Tây kiểm soát”, ông nói, đề cập tới những hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và chương trình nới lỏng định lượng gần đây của Mỹ.
“Việc sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch thương mại là xu hướng đối với các nền kinh tế trên khắp thế giới. Khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các thành viên cốt lõi của EU đã xem xét thành lập một hệ thống thanh toán khác, không sử dụng hệ thống SWIFT do Mỹ kiểm soát”, ông Yang Jin cho biết thêm.
Theo ông Feng Shaolei, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga tại Thượng Hải, mặt trận thống nhất chống lại các lệnh trừng phạt là một phản ứng không thể tránh khỏi đối với sức ép của Mỹ.
“Với sự thay đổi trong chính sách của Mỹ với cả Nga và Trung Quốc, sẽ là phi thực tế nếu cả 2 nước này không đoàn kết để chống lại các sức ép”, ông nói.
Liên minh không phải là lựa chọn tốt nhất
Tuy nhiên, trong khi Nga và Mỹ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD bằng cách tăng cường sử dụng đồng NDT và đồng rouble cho các giao dịch thương mại, theo ông Cheng, hai bên sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn loại bỏ Mỹ khỏi vị trí hàng đầu trong hệ thống thanh toán toàn cầu.
“Trung Quốc và Nga luôn nhấn mạnh sự độc lập về tài chính, nhưng độc lập hoàn toàn là bất khả thi. Xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế là một quá trình lâu dài”, ông nói.
Nga và Trung Quốc có thể sử dụng đồng NDT và rouble cho một số giao dịch, nhưng sẽ là bất khả thi khi áp dụng với mọi giao dịch thương mại giữa 2 nước. Dù vậy, có một số lĩnh vực, như công nghệ và năng lượng, mà hai bên có thể tăng cường hợp tác.
“Nếu dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bị chặn, như một tác động gián tiếp, Nga sẽ chuyển hướng sang phía Đông và các nước như Trung Quốc để tìm kiếm hợp tác về năng lượng”, ông Cheng nói.
An ninh năng lượng là vấn đề lớn với Bắc Kinh do nước này theo đuổi mục tiêu đến năm 2060 đưa khi thải carbon về 0 và dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nga-Trung – dự kiến hoàn thành vào năm 2025 – đã được đề cập trong kế hoạch 5 năm mới nhất.
Bất chấp sự hào hứng đối với việc mở rộng hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, giới quan sát cho rằng 2 nước sẽ khó có thể thành lập một liên minh thực sự.
“Sẽ không có lợi cho Trung Quốc khi liên minh với Nga, dựa trên quan điểm lịch sử”, ông Cheng nhận định, đề cập thất bại của liên minh Trung Quốc-Liên Xô trước đây.
Hệ thống chính trị và các giá trị của Nga giờ đây tương đồng với phương Tây hơn là với Trung Quốc.
“Trong bối cảnh khó khăn, hai nước có thể bắt tay một cách nồng ầm, nhưng dẫu sao, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng là một mối đe dọa đối với Nga. Nếu hai nước thành lập một liên minh, thì ai sẽ đứng đầu?”, ông Cheng đặt câu hỏi./.