Liên minh Nhật – Mỹ- nền tảng trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ

Chính quyền mới của Obama sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao coi trọng liên minh Nhật – Mỹ, bởi Nhật Bản chính là đối tác khả thi nhất để Mỹ có thể hợp tác giải quyết mọi vấn đề quốc tế...

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đi thăm Nhật Bản vào ngày 16/2 tới trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến 4 nước Đông Á bao gồm Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Giới chuyên gia tại Nhật Bản đánh giá rằng không đơn giản tân Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chọn Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Á ngay sau khi nhậm chức chưa đầy 1 tháng. Bà Clinton xác định liên minh truyền thống Nhật – Mỹ là nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực này.

Dưới thời chính quyền Bush, liên minh Nhật – Mỹ diễn biến lặng lẽ nhưng có sự thay đổi quan trọng trong quan điểm của hầu hết người Nhật: Nó trở thành một liên minh toàn cầu thay vì liên minh khu vực hay song phương. Sự thay đổi này được thể hiện ở 2 khía cạnh: chiến lược và hệ tư tưởng. Khía cạnh chiến lược được thể hiện rõ qua vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Iraq và Ấn Độ Dương. Mặc dù không tham gia vào hoạt động quân sự tại các khu vực chiến sự nhưng vai trò của Nhật Bản không hề nhỏ đối với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.

Sự thay đổi quan trọng hơn trong liên minh này là về vấn đề tư tưởng. Nó đã được chia sẻ nhiều trong giai đoạn Bush – Koizumi và Abe, đặc biệt là câu nói “chia sẻ giá trị”. Những diễn biến và thay đổi nêu trên chủ yếu do cả Nhật Bản và Mỹ đều nhận thức rõ về những giá trị chiến lược của họ. Trong những năm gần đây không chỉ những lợi ích chung giữa Mỹ và Nhật Bản mà còn có sự gần gũi của hệ tư tưởng chính trị giữa các chính phủ bảo thủ của cả hai quốc gia này đã làm tăng thêm sức mạnh cho liên minh Nhật – Mỹ.

Xét từ góc độ chiến lược của Mỹ, Nhật Bản là một đối tác chính, một nhà cung cấp quan trọng về địa điểm và dịch vụ cho các căn cứ của Mỹ tại Viễn Đông, tạo ra khả năng cho Mỹ triển khai lực lượng quân đội trên toàn thế giới trong đó có Ấn Độ Dương. Nhật Bản cũng là một trong những đối tác liên minh quan trọng bên ngoài châu Âu, tham gia cùng với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Xét từ khía cạnh Nhật Bản, liên minh này cũng có tầm quan trọng chiến lược trong giải quyết mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên và sự trỗi dậy về sức mạnh kinh tế và quân sự chưa từng có của Trung Quốc.

Việc rút quân khỏi Iraq và chia sẻ đối thoại với CHDCND Triều Tiên, cùng với khả năng tái bố trí quân đội trên bán đảo Triều Tiên sẽ chắc chắn dẫn đến sự cân bằng chiến lược lợi ích của liên minh này. Chính sách của Obama về các vấn đề này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đối với Nhật Bản trong cân bằng giá trị liên minh Nhật – Mỹ .

Câu hỏi về việc liệu chính quyền Mỹ mới sẽ đặt ưu tiên cao hơn cho quan hệ với Nhật Bản hay với Trung Quốc không còn thích hợp mà điều dư luận quan tâm là biện pháp nào để Nhật Bản và Mỹ có thể hợp tác như những liên minh quan trọng nhằm lôi kéo Trung Quốc tham gia vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu. Chính vì vậy, một liên minh mạnh giữa Mỹ và Nhật Bản phụ thuộc vào tầm nhìn khả thi cho mối quan hệ này.

Trong chính sách ngoại giao mới của chính quyền Obama, Mỹ sẽ tìm kiếm hợp tác lớn hơn với các nước khác để giải quyết hàng loạt thách thức mà thế giới đang đối mặt, nhất là khủng hoảng kinh tế hiện nay, các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hủy diệt, thay đổi khí hậu, dịch bệnh lây lan và nạn đói nghèo ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, một vấn đề ngoại giao cấp bách nhất hiện nay của Mỹ ở châu Á là chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Chính quyền Obama có kế hoạch thúc đẩy tiến trình đối thoại nhằm đạt được bình thường hóa quan hệ với nước này.

Để giải quyết các vấn đề nan giải nêu trên, chính quyền mới của Obama sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao coi trọng liên minh Nhật – Mỹ, bởi Nhật Bản chính là đối tác khả thi nhất để Mỹ có thể hợp tác giải quyết mọi vấn đề quốc tế nêu trên. Và đó cũng là lý do lớn nhất để tân Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chọn Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm 4 nước châu Á lần này của bà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên