Liệu có xẩy ra cuộc chiến ở eo biển Hormuz?
VOV.VN - Những dấu hiệu “bất thường” về an ninh quân sự ở khu vực Trung Đông đã dần hé lộ, với sự “nóng lên” trong quan hệ Iran –Mỹ.
Từ đe dọa…
Sự “tăng nhiệt” trong quan hệ giữa Mỹ và các nước liên tục diễn ra trong thời gian gần đây. Từ quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, NATO, Venezuela... nhưng gay gắt và trực tiếp nhất là với Iran.
Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận quốc tế về vấn đề hạt nhân Iran (JCPOA - 2015) từ năm 2018 và khôi phục lệnh cấm vận nhằm vào Teheran, đặc biệt là vấn đề dầu mỏ. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức liệt kê Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố nước ngoài. Iran cũng đáp trả bằng việc liệt kê Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách miền Trung (CENTCOM) là tổ chức khủng bố nước ngoài.
Lực lượng Iran trên eo biển Hormuz ngày 30/4/2019. Ảnh: Getty. |
Ngày 8/5, Iran đã thông báo về quyết định ngừng thực hiện một số cam kết trong văn kiện JCPOA với 5 nước còn lại, và có 60 ngày để thực hiện cam kết bảo vệ ngành dầu mỏ và tài chính của Iran trước lệnh cấm vận của Mỹ. Nếu không, Iran sẽ “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết, để tăng mức độ làm giàu uranium.
Ngày 7/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du bất ngờ đến Iraq, nơi có khoảng 5.000 binh sỹ Mỹ đồn trú. Trước đó, ông Pompeo đã hủy kế hoạch thăm Đức với lý do ưu tiên xử lý “vấn đề an ninh cấp bách”. Theo giới phân tích, đây có thể là một chuyến đi nhằm chuẩn bị cho kế hoạch động binh của Mỹ nhằm vào Iran.
Ngày 10/5, chuẩn tướng Yadollah Javani, phó tư lệnh phụ trách các vấn đề chính trị của IRGC Iran tuyên bố sẽ không đàm phán với Mỹ, rằng: “Chúng tôi sẽ không tổ chức cuộc đối thoại nào với Mỹ và người Mỹ sẽ không dám triển khai hành động quân sự nhằm vào chúng tôi”.
Ông Yadollah Javani nhấn mạnh: “Dân tộc chúng tôi (tức Iran) xem Mỹ là quốc gia không đáng tin cậy”, trong khi ông Donald Trump nói, ông không loại trừ giải pháp quân sự trong bối cảnh căng thẳng tăng cao giữa hai quốc gia.
Đến động binh…
Đồng thời với những tuyên bố cứng rắn, Mỹ đã cho triển khai lực lượng quân sự đến khu vực xung quanh Iran, để ứng phó “những dấu hiệu đáng lo ngại”. Theo Reuters, hiện nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang trên đường đến Trung Đông, còn không quân Mỹ thông báo triển khai một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress tới vùng Vịnh để bảo vệ những lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Phía Iran, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và nhiều tên lửa cũng đang được điều động đến khu vực bờ biển hướng ra eo biển Hormuz. Theo trang Axios, Israel cung cấp thông tin tình báo nói Iran “đang âm mưu tấn công” nhắm vào lực lượng Mỹ và đồng minh tại vùng Vịnh.
Một quan chức Mỹ ngày 7/5 dựa trên thông tin tình báo cho biết, Iran đã di chuyển các tên lửa tầm ngắn bằng xuồng ra vùng biển ngoài khơi nước này. Phía Mỹ cáo buộc Iran là đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ trong khu vực.
Washington Post cũng đưa tin, Iran dường như đang di chuyển các tên lửa đạn đạo lên tàu quân sự ở Vùng Vịnh và sẵn sàng cho các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh ở Saudi Arabia, Bahrain và Qatar. Mỹ cũng không loại trừ khả năng Iran sẽ tấn công các vị trí của quân đội Mỹ ở Iraq và Syria.
Trước đó, Iran đã cảnh báo sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, để trả đũa các động thái thù địch của Mỹ. Iran sẽ liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga… chống trừng phạt của Mỹ, thông qua một cơ chế tương tự như cơ chế INSTEX của châu Âu nhằm tránh trừng phạt của Mỹ.
Và phản ứng của dư luận...
Ngày 9/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, ông luôn coi “JCPOA” là một thành công lớn trong nỗ lực ngoại giao nhằm ngưng phổ biến hạt nhân và đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới. Vì thế, ông Guterres rất hy vọng vào khả năng sẽ cứu vãn được thỏa thuận này.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly nhận định: “Hiện không có gì tồi tệ hơn việc Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân”. Cả Pháp, Anh, Đức và các nước ký JCPOA, đang nỗ lực hết sức để có thể duy trì thỏa thuận hạt nhân bằng cách đề ra các sáng kiến hỗ trợ nền kinh tế Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trung Quốc cho rằng, duy trì và thực thi thỏa thuận hạt nhân toàn diện 2015 là trách nhiệm của tất cả các bên. Bắc Kinh cũng “cực lực phản đối” các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Teheran.
Ngay sau khi Mỹ đưa IRGC vào danh sách khủng bố, Bộ Ngoại giao Pháp đã ra tuyên bố lên án quyết định của Mỹ. Pháp kêu gọi Mỹ tránh làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh phản đối tất cả các hành vi chính trị hóa quyền lực và “bắt nạt” các quốc gia khác. Trung Quốc hy vọng các bên liên quan có thể làm nhiều hơn nữa cho hòa bình và sự ổn định của khu vực Trung Đông.
Thủ tướng Iraq, Adel Abdul Mahdi nói: “Những quyết đinh như vậy sẽ dẫn tới tác động ngược, tiêu cực cả ở Iraq và khu vực…. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định ở khu vực, duy trì quan hệ tốt với cả Iran, Mỹ và các nước khác”.
Như vậy, với những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran hiện nay, có thể vượt tầm kiểm soát của hai bên, họ không chỉ đe dọa lẫn nhau mà còn có những động thái nguy hiểm là động binh nhằm vào khu vực eo biển Hormuz. Điều này có thể dẫn đến đối đầu quân sự, thậm chí xung đột vũ trang tại khu vực.
Vì thế, giới chuyên gia cho rằng Liên hợp quốc cần sớm có các quyết sách nhằm hóa giải nguy cơ có thể xẩy ra cuộc chiến tại khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh toàn cầu./.
Căng thẳng Mỹ-Iran nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự