Liệu có xảy ra “Turkexit” - Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ NATO?
VOV.VN - Nhiều chỉ dấu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang rời xa Liên minh châu Âu (EU) và khối quân sự NATO, bất mãn với sự can thiệp của phương Tây.
Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 25/1, Nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) đương quyền, đã chỉ trích nặng nề NATO và xem tổ chức quân sự này như một tổ chức khủng bố, với lý do NATO nhiều lần xâm hại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Phản ứng của Ankara là rất cứng rắn, khiến câu hỏi Liệu có xảy ra “Turkexit” (Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO) cũng được đặt ra.
Từ sự trừng phạt của EU
Theo giới quan sát, giới chức một số nước châu Âu như Áo, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ… đã cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị tại nước mình. Nguyên nhân được cho là do mối quan hệ nồng ấm ngày càng gia tăng giữa Moscow và Ankara.
Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik. |
Theo giới phân tích, “Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng đối với phương Tây vì là một thành viên của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ hàng đầu trong việc vận chuyển vũ khí và binh sĩ trong cuộc chiến tranh ở Syria. Nhưng giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ đang hàn gắn quan hệ với Nga, kẻ thù số một của NATO”.
Theo chuyên gia tích chính trị John Bosnitch, sự đối đầu giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ dường như bùng phát chỉ vài giờ sau khi Ankara và Moscow thông báo hai nước bình thường hóa quan hệ trong chuyến thăm Nga ngày 10/3 của Tổng thống Erdogan.
Ông John cho rằng chính phủ Hà Lan can thiệp là để “ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Nga”. Còn Glazebrook nhận định, việc châu Âu trục xuất các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhằm “trừng phạt” Ankara vì “sự lung lay trước các cam kết với phương Tây và chuyển hướng sang Moscow”.
Đến phản ứng của Ankara
Sau những động thái của một số nước châu Âu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã rất tức giận “Họ nhất định sẽ trả giá đắt và sẽ được dạy thế nào là ngoại giao. Chúng tôi sẽ dạy cho họ biết về nghệ thuật ngoại giao quốc tế”.
Nghị sỹ Samil Tayyar, khi trả lời phỏng vấn nhật báo Milat ngày 23/1 đã cho rằng, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1950, thì liên minh quân sự hùng mạnh này luôn có vai trò trong những hành động tiêu cực đối với lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.
“NATO đã luôn đạo diễn những hành động bẩn thỉu trong các sự kiện đẫm máu xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đảo chính quân sự năm 1960 được dàn dựng bởi người Anh, cuộc đảo chính năm 1971 được dàn dựng bởi CIA và cuộc đảo chính năm 1980 được dàn dựng bởi NATO. Còn trong tầm nhìn tương lai của NATO không có chỗ cho Tổng thống Erdogan và đảng AKP”- nghị sĩ Tayyar nói.
Theo ông Tayyar, dù NATO là đối tác, song đã trở thành mối đe dọa với Thổ Nhĩ Kỷ giống như các tổ chức khủng bố. Chính vì vậy ông cho rằng NATO phải được đối xử ngang hàng với các nhóm như tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, PKK, tổ chức Fethullahist, Hizmet của giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen.
Còn Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu cũng lên tiếng rằng: “Nhân dân ta hỏi tại sao họ được sử dụng các căn cứ không quân Incirlik? Chúng ta cho phép không chỉ Mỹ mà cả các nước khác được sử dụng Incirlik để tấn công IS. Song dường như mục đích của họ khi sử dụng Incirlik không hẳn hỗ trợ cho việc chống lại IS, mà còn liên quan đến các hoạt động nhạy cảm nhất đối với chúng ta”.
Nghị sĩ Samil Tayyar còn đặt câu hỏi: Đâu là giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ khi nằm trong NATO? Và ông Tayyar đã thốt lên rằng “NATO đã trở thành cấu trúc đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải bảo vệ quốc gia này với tư cách một thành viên”.
Và trước thềm “Turkexit”
Mâu thuẫn giữa NATO - Thổ vốn tồn tại đã lâu, mà chủ yếu là do Ankara bức xúc vì trách nhiệm của nước này quá lớn song quyền lợi thì lại rất nhỏ nhoi. Hồi cuối năm 2015 Ankara sử dụng vụ việc bắn rơi máy bay Nga để đo lường giá trị của mình trong cấu trúc an ninh NATO.
Tuy nhiên, nhiều tháng khủng hoảng sau “sự kiện 17 giây”, Ankara đã nhận rõ sự lép vế của mình, khi phải một mình gánh hậu quả bởi trừng phạt của Moscow, khiến Tổng thống Erdogan chủ động dàn hoà với Tổng thống Putin và nhanh chóng khôi phục, thúc đẩy quan hệ Nga – Thổ thân thiện như hiện nay.
Giới chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét, khi cuộc đảo chính quân sự nổ ra, các đồng minh thì chậm trễ, lưỡng lự còn “cựu thù” Putin lại là người liên hệ đầu tiên và luôn khẳng định đứng bên cạnh Erdogan trong lúc nguy cấp. Thực tế ấy được xem là giọt nước tràn ly trong mâu thuẫn giữa Ankara với đồng minh NATO.
Từ thực tế đó, trong giới phân tích có người cho rằng Ankara đã ngả về Moscow và Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành “chân gỗ” của Nga trong NATO, và dường như yếu tố Nga đã khiến cho quan hệ NATO – Thổ Nhĩ Kỳ có thêm nhiều trục trặc.
Tuy nhiên, khi các chính trị gia của đảng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng chỉ trích gay gắt tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên hơn 60 năm thì mới vỡ lẽ yếu tố Nga chỉ là phụ trong bối cảnh quan hệ NATO – Thổ Nhĩ Kỳ bị xuống cấp.
Căng thẳng ngoại giao qua lại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria
Việc Nghị sĩ Samil Tayyar cáo buộc NATO luôn đứng sau những trò “bẩn thỉu” trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ hơn 60 thập kỷ qua, đã cho thấy mâu thuẫn NATO – Thổ Nhĩ Kỳ đã có rất nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ xẩy ra “Turkexit”.
Điều đó, khiến dự luận liên tưởng tới tuyên bố của tân Tổng thổng Mỹ Donald Trump: “NATO lỗi thời” có thể là một trong những lý do hợp lý nhất cho việc Thổ Nhĩ Kỳ tạm xa NATO. Sự kiện Ankara - Moscow - Tehran đồng bảo trợ hoà đàm Astana, không có Mỹ và NATO, là khởi phát cho một Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh NATO hơn là một Thổ Nhĩ Kỳ ở trong NATO.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, nhận định của chuyên gia phân tích chính trị John Wight: “Căng thẳng mới đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hà Lan có lẽ là “chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài” của quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU” là có cơ sở. Tuy nhiên, mọi khả năng đều có thể, ở cạnh hay “Turkexit” trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - NATO, hiện vẫn còn đang ở phía trước./.