Liệu Donald Trump và Kim Jong-un có làm nên lịch sử?
VOV.VN - Bán đảo Triều Tiên năm 2018 không thể phủ nhận là đã có sự thay đổi tích cực, nhưng vẫn chưa đạt được điểm mấu chốt. Liệu nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có làm nên lịch sử?
Đối với hầu hết người dân trên Bán đảo Triều Tiên, năm 2018 rõ ràng tốt hơn nhiều so với 2017.
Triều Tiên tuyên bố hoàn thành sức mạnh răn đe hạt nhân đối với Mỹ sau vụ thử hạt nhân thứ 6 vào tháng 9/2017 và vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào tháng 11 cùng năm. Tuy nhiên sau đó, trong thông điệp năm mới 2018, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi về bước chuyển mới trong quan hệ liên Triều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN |
Phái đoàn vận động viên và quan chức Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông ở PyeongChang, và đội hockey nữ liên Triều đã biến kỳ thế vận hội này thành Kỳ thế vận hội hòa bình. Kết quả là, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc thăm Bình Nhưỡng, và các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Mỹ-Triều diễn ra sau đó.
Thực tế, ngoại giao thượng đỉnh trên Bán đảo Triều Tiên không hề được kỳ vọng trong năm 2017. Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thường nói ông sẽ “gây sức ép tối đa” đối với Triều Tiên trong một loạt báo cáo chiến lược quốc gia và trong cả thông điệp liên bang của ông đầu năm 2018.
Tuy nhiên sự thay đổi của Triều Tiên đầu năm 2018 được ghi nhận. Chính phủ Hàn Quốc phản hồi tích cực. Chính quyền Trump cũng thể hiện sự thay đổi chính sách mới, bằng cách chấp nhận cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử.
Chưa hoàn thiện khái niệm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có 3 cuộc gặp thượng đỉnh trong năm nay vào 27/4, 26/5 và 18-20/9. Tuyên bố Bàn Môn Điếm (27/4) và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9 đều có đề cập tới phi hạt nhân hóa, giải trừ quân bị, tuyên bố kết thúc chiến tranh và hiệp ước hòa bình – những điều không có trong các cuộc gặp thượng đỉnh năm 2000 và 2007.
Đây có thể coi là bước tiến cực lớn trong quan hệ liên Triều, đặc biệt là khi Triều Tiên trước đây không sẵn lòng thảo luận vấn đề hạt nhân với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tuyên bố Bàn Môn Điếm và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng cũng để lại một số vướng mắc liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa. Mặc dù hai bên đề cập tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, nhưng vẫn chưa rõ liệu sự khác biệt trong khái niệm giữa hai miền Triều Tiên có được giải quyết hay không.
Thực tế, đàm phán về “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” vẫn chưa hoàn tất. Do tính chất nhạy cảm và liên quan đến vấn đề chuyên môn, hai bên vẫn chưa thống nhất được về CVID (phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược) hay FFVD (phi hạt nhân hóa có thể xác minh đầy dủ và sau cùng). Tuyên bố Bàn Môn Điếm và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng cũng không nói chi tiết về lộ trình hay cách thức phi hạt nhân hóa.
Tới nay, vẫn chưa rõ khái niệm “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” và “Bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân” có nghĩa là gì. Nhiều nhà phê bình bảo thủ ở Hàn Quốc nói rằng, “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” có thể bao gồm phi hạt nhân hóa chiếc ô hạt nhân của Mỹ và các tài sản chiến lược của Mỹ xung quanh Bán đảo Triều Tiên. Nhưng liệu Mỹ có điều chỉnh quan điểm hạt nhân ở Đông Bắc Á vì Triều Tiên?
Trump đang đối phó Triều Tiên hay Bán đảo Triều Tiên?
Ở Singapore, ông Trump đã cân nhắc về lá bài đàm phán không chỉ về Triều Tiên mà còn cả Hàn Quốc. Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6/2018, ông Trump đã ám chỉ khả năng về sự thay đổi trong liên minh Mỹ-Hàn với sự “suy yếu” cam kết an ninh của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.
Như Tổng thống Trump đã nhấn mạnh trong chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, Mỹ nhiều khả năng sẽ bố trí lại quân đội Mỹ và các nguồn lực Mỹ ở nước ngoài. Nó không chỉ liên quan đến sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, mà còn cả khả năng Hàn Quốc sẽ phải đóng góp tài chính nhiều hơn cho Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).
Mỹ sẽ tiết kiệm bao nhiêu khi ngừng tập trận chung với Hàn Quốc?
Trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, ông Trump nói Mỹ có thể sẽ không giảm lực lượng ở Hàn Quốc và nếu có cũng không phải ngay lập tức, nhưng sẽ dừng “trò chơi chiến tranh” (các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc). Ông cũng đã nêu ra vấn đề sự đóng góp của Hàn Quốc đối với USFK khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Mỹ hồi tháng 9 để thảo luận về Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và vấn đề phi hạt nhân hóa.
Mặt khác, sự đối đầu nước lớn có thể sẽ khơi lại giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Bắc Á trong khi ông Trump đối phó với vấn đề Triều Tiên. Và chắc chắn, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động sâu tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Khi nói về các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, ông Trump bất ngờ đề cập tới sự bất bình đẳng thương mại với Trung Quốc và tuyên bố Mỹ đang bị Trung Quốc lợi dụng. Ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh này, ngày 15/6, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc và mức thuế có thể lên tới 25%.
Trung Quốc tất nhiên chỉ trích mạnh mẽ chiến lược an ninh toàn cầu của chính quyền Trump và quan điểm của ông Trump về Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng, ông Trump có tư tưởng chiến tranh lạnh và chính sách “Nước Mỹ trước tiên” có nghĩa là Mỹ sẽ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sau cuộc gặp thứ 2 giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump đã không giấu giếm sự khó chịu về sự can thiệp của Trung Quốc. Những cải thiện trong quan hệ Mỹ-Triều không nhất thiết là tin tốt đối với Trung Quốc. Do đó, nếu quan hệ Mỹ-Triều cải thiện trong tương lai, thì khi đó sẽ có khả năng sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực sẽ ngày càng xấu thêm.
Một điều nữa, việc ông Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh toàn cầu của Mỹ có thể sẽ làm dấy lên cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Á. Báo cáo tình hình hạt nhân (NPR) của Mỹ công bố đầu năm nay coi Nga và Trung Quốc là mối đe dọa an ninh cấp bách nhất, và rằng sự cân bằng hạt nhân của Mỹ có thể sẽ thay đổi.
Nếu tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa của Triều Tiên diễn ra, thì có khả năng Triều Tiên sẽ nêu vấn đề hạt nhân của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, quan điểm hạt nhân của Mỹ sẽ không thay đổi trong tương lai, đặc biệt là về Trung Quốc và Nga. Chiếc ô hạt nhân của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên có thể thay đổi, nhưng chiến lược hạt nhân đối với Trung Quốc và Nga sẽ ít có khả năng thay đổi. Kết quả là, cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên có thể kết thúc, nhưng cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân có thể trỗi dậy ở Đông Á.
Đàm phán hạt nhân Triều Tiên: Hàn Quốc sốt sắng, Mỹ dè chừng
Tiến thoái lưỡng nan giữa phi hạt nhân hóa và đảm bảo chế độ
Kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên tháng 10/2006, Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ thử tên lửa tầm xa. Thêm vào đó, sau khi Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa Hwasong-15, được đánh giá là ICBM, ngày 29/11/2017, Triều Tiên đã tuyên bố hoàn thành răn đe hạt nhân đối với Mỹ.
Thực tế, sự thay đổi chính sách của Triều Tiên trong năm 2018 là kết quả từ sự tự tin về sức mạnh của vũ khí hạt nhân của nước này chứ không phải từ ý chí muốn phi hạt nhân hóa. Ngày 20/4/2018, một tuần trước Thượng đỉnh Moon-Kim, Triều Tiên tuyên bố chiến lược mới trong phiên họp toàn thể của Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên, nhằm vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội dựa trên năng lực hạt nhân. Tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là đã có sự điều chỉnh quan trọng đối với chính sách “song hành” (Byungjin) được tuyên bố tháng 3/2013, theo đó tìm kiếm sự phát triển đồng thời năng lực hạt nhân và kinh tế. Trong cuộc họp, ông Kim Jong-un tuyên bố rằng, nhiệm vụ lịch sử của chính sách Song hành đã đạt được và chiến lược mới là tập trung mọi nỗ lực để xây dựng nền kinh tế xã hội.
Triều Tiên đàm phán với Mỹ giữa phi hạt nhân hóa và sự đảm bảo chế độ. Trong khi Mỹ yêu cầu CVID hay FFVD về phi hạt nhân hóa, thì Triều Tiên đòi hỏi FFVG (sự đảm bảo có thể xác minh đầy đủ và sau cùng).
Có sự tiến thoái lưỡng nan giữa phi hạt nhân hóa và sự đảm bảo chế độ: điều nào sẽ diễn ra trước? Triều Tiên khẳng định tuyên bố của Chủ tịch Kim Nhật Thành rằng, Mỹ đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên bằng việc triển khai vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Điều này chính là lý do vì sao Triều Tiên lâu nay luôn khẳng định một Hiệp ước hòa bình nên được thiết lập trước bất cứ biện pháp nào về phi hạt nhân hóa.
Mỹ và Hàn Quốc cho rằng một hiệp ước hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là vô nghĩa nếu Triều Tiên không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Theo quan điểm của Mỹ và Hàn Quốc, việc thiết lập cơ chế hòa bình có thể bao gồm phi hạt nhân hóa Triều Tiên, vì thế, hòa bình sẽ không thực tế nếu không giải quyết được vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Còn quan điểm của Triều Tiên, việc giải quyết vấn đề hạt nhân sẽ chỉ khả thi khi đạt được cấp độ nhất định về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc cũng liên quan khá nhiều trong các vấn đề Bán đảo Triều Tiên và tiếp tục tìm kiếm ảnh hưởng và sự can dự của mình.
Vì cả vấn đề trong và ngoài Bán đảo Triều Tiên đã thay đổi rất nhiều suốt hàng chục năm qua, Hiệp định đình chiến 1953 không thể đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực nữa. Mỹ và Hàn Quốc không chấp nhận phiên bản Hiệp ước hòa bình của Triều Tiên nếu nó có ý định làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn. Vì thế, cần phải đi đến một khái niệm mới về cơ chế hòa bình có thể giải quyết được những vấn đề tiến thoái lưỡng nan.
Mỹ và Hàn Quốc sẽ không thể đạt được bất cứ tiến bộ nào trong vấn đề phi hạt nhân hóa nếu thiếu một kế hoạch thực tế về cơ chế hòa bình. Nếu không có kế hoạch thực tế về phi hóa nhân hóa, tất nhiên, Triều Tiên cũng không thể đạt được bước tiến nào trong tiến trình đảm bảo chế độ.
Phi hạt nhân hóa và chế độ hòa bình không thể diễn ra đơn lẻ. Để có thể mang hòa bình trở lại Bán đảo Triều Tiên, điều khẩn thiết là phải giải quyết sự tiến thoái lưỡng nan giữa phi hạt nhân hóa và cơ chế hòa bình. Làm được điều này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể làm nên lịch sử./.