Loại USD khỏi giao dịch quân sự, Nga và Ấn Độ quyết “chơi tay đôi” với Mỹ
VOV.VN - Việc Nga và Ấn Độ loại bỏ đồng USD trong thương vụ mua bán tổ hợp S-400, được xem là cảnh báo cứng rắn tới ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 giữa Nga và Ấn Độ trị giá hơn 5 tỷ USD đã đạt được một bước tiến mới trong tuần này khi giới chức Nga cho biết, hợp đồng sẽ được giao dịch bằng đồng ruble - tiền tệ quốc gia của Nga.
Nga và Ấn Độ loại bỏ đồng USD trong thương vụ mua bán S-400. Ảnh: Reuters. |
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Moscow tăng cường nỗ lực nhằm loại bỏ sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào đồng USD và coi đây là một trong những trụ cột chính trong chính sách của Nga. Theo các chuyên gia, quyết định của Nga và Ấn Độ được coi là cảnh báo cứng rắn tới ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Thông điệp cứng rắn tới Washington
Ngày 31/11, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov thông báo, hợp đồng cung cấp hệ thống S-400 của nước này cho Ấn Độ sẽ được thanh toán bằng đồng ruble, trở thành thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên không giao dịch bằng USD mà Nga ký kết kể từ năm 1991. Ấn Độ sẽ phải trả gần 330 tỷ ruble để nhận về 5 hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 (mỗi hệ thống bao gồm 8 bệ phóng, 112 tên lửa cùng với các phương tiện hỗ trợ và thiết bị chỉ huy).
Hệ thống S-400 Triumf do Nga chế tạo là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa. Nó được cho là hoạt động hiệu quả hơn Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. S-400 Triumf là hệ thống di động có thể triển khai trong vòng 5 phút, và có khả năng bắn ba loại tên lửa để tạo ra một lớp bảo vệ. Nó có thể theo dõi đồng thời 100 mục tiêu trên không, trong đó có những loại siêu tiêm kích như F-35 và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.
Phát biểu với hãng tin Sputnik, ông Boris Rozhin, chuyên gia quân sự cho biết, đây là thông điệp cứng rắn gửi tới Washington.
“Đối với Ấn Độ, quyết định nêu trên cho thấy quốc gia Châu Á này không phụ thuộc vào Mỹ trong nhiều vấn đề chủ chốt liên quan đến chính sách đối ngoại. Các nhà lãnh đạo tại Ấn Độ nhiều lần khẳng định quan điểm rằng, nước này sẽ mua vũ khí của bất quốc gia nào và vào bất cứ thời điểm nào họ muốn”.
Theo ông Boris Rozhin, thương vụ mua bán S-400 giữa Nga và Ấn Độ, đặc biệt với điều khoản thanh toán bằng đồng ruble, thực sự là thông điệp cứng rắn gửi tới Mỹ. Mỹ từng mạnh miệng phản đối Ấn Độ mua vũ khí của Nga bất chấp cảnh báo mà Nhà Trắng cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra. Như vậy, bằng cách làm trái lại yêu cầu của Mỹ, Ấn Độ muốn chứng minh rằng họ là một nước lớn và không dễ bị đối xử như một “con rối” hay một nước “chư hầu”.
Trước đó, khi Nga và Ấn Độ đang trong giai đoạn cuối cùng đàm phán về hợp đồng S-400, Washington đã đe dọa áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), tương tự như biện pháp mà nước này áp đặt với Trung Quốc vào tháng 9/2018 do Bắc Kinh mua tổ hợp S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Cuối tuần qua, người phát ngôn Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Donald Trump có thể hoãn chuyến thăm Ấn Độ với tư cách khách mời danh dự Ngày Cộng hoà vào ngày 26/1/2019. Thông tin về việc ông Trump từ chối thăm Ấn Độ xuất hiện trong bối cảnh Mỹ và Ấn Độ đang bất đồng về một số vấn đề, trong đó có việc Washington ép New Delhi ngừng mua dầu của Iran, cũng như Mỹ phản đối thương vụ Ấn Độ mua S-400 của Nga.
Ấn Độ được biết đến là khách hàng mua vũ khí trung thành của Nga. Ước tính, các hợp đồng mua vũ khí với Nga chiếm 1/4 các giao dịch nước ngoài của Ấn Độ trong những năm gần đây. Trong hai năm tới, khi tiếp nhận tổ hợp S-400 đầu tiên, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 5 sở hữu hệ thống vũ khí này, sau Nga, Belarus, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tẩy chay đồng USD
Theo ý kiến của chuyên gia Rozhin, quyết định thanh toán hợp đồng mua bán tổ hợp S-400 bằng đồng ruble giữa Nga và Ấn Độ đóng vai trò như một “bước tiến nhằm loại bỏ sự phụ thuộc của hai quốc gia này vào đồng USD. Và ngày càng có nhiều các biện pháp như vậy được thực hiện trong các lĩnh vực như vũ khí, năng lượng …”
Số liệu của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế cho biết, khoảng 40% giao dịch trên thế giới đang được thực hiện bằng đồng USD, và sự đơn giản hóa thương mại qua việc thanh toán các hợp đồng bằng USD đã khiến đồng tiền nảy nổi lên như một loại tiền tệ “thống trị” thị trường thế giới. Trong những năm gần đây, các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan đang nỗ lực tìm cách vượt qua sự ảnh hưởng của đồng USD.
Ông Andrei Frolov, Tổng biên tập tạp chí Xuất khẩu vũ khí cho biết, việc thanh toán thỏa thuận mua S-400 bằng đồng ruble là một thắng lợi lớn cho Tập đoàn xuất khẩu vũ khí và kỹ thuật quân sự Nga (Rosoboronexport) cùng Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự - hai tổ chức lớn của Nga mà trước đó đã công khai tuyên bố từ bỏ đồng USD trong những tháng gần đây.
“Không có khó khăn nghiêm trọng nào về mặt kỹ thuật xảy ra khi từ chối giao dịch bằng đồng USD. Nói về hợp đồng với Ấn Độ, nhiều khả năng New Delhi sẽ mua đồng ruble trên sàn giao dịch để trả cho Moscow. Cần phải nhắc lại rằng, trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga cũng từng tránh thực hiện những giao dịch tương tự bằng USD với Ấn Độ, thay vào đó, sử dụng đồng ruble như một hình thức trao đổi đặc biệt”, ông Andrei Frolov nói.
Ông Frolov cho rằng, việc thanh toán những hợp đồng không bằng USD đòi hỏi các bên cẩn trọng hơn khi đàm phán về giá cả, vì phải xét đến những rủi ro về kinh tế như biến động tiền tệ hay lạm phát. “Phải thừa nhận rằng các hợp đồng không giao dịch bằng USD sẽ ít thuận tiện đối với khách hàng. Song điều này phần lớn phụ thuộc vào ý chí chính trị. Ấn Độ lựa chọn giao dịch bằng đồng ruble vì lo ngại Washington có thể gây cản trở việc thanh toán hợp đồng. Về cơ bản, với chính sách trừng phạt của mình, Mỹ đang khiến Ấn Độ, Trung Quốc và Nga từ bỏ đồng USD”.
Việc Ấn Độ lựa chọn mua hệ thống phòng không S-400 thay vì hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 của Mỹ đã cho thấy chiến thắng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga trước các đối thủ cạnh tranh. Đây là bước đi đầu tiên nhằm chống lại cơ chế trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ với những quốc gia không theo chính sách đối ngoại đơn cực của Washington. Nhìn một cách tổng thể, thỏa thuận mua bán S-400 giữa Nga và Ấn Độ có thể coi là hình mẫu cho các thương vụ mua bán vũ khí không phụ thuộc vào USD của Nga trong tương lai./.