Lối đánh giúp Không quân Nga bẻ gãy năng lực phản công của Ukraine
VOV.VN - Kể từ khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công lớn vào tháng 6/2023, nhiều chuyên gia cho rằng sức mạnh của lực lượng không quân Nga đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn đối với lực lượng mặt đất của Ukraine.
Ở giai đoạn đầu xung đột, lực lượng không quân Nga - dù vượt trội về số lượng và chất lượng so với không quân Ukraine, nhưng vẫn chưa giành được quyền kiểm soát hoàn toàn không phận, một mặt là do Nga chưa triển khai hết sức mạnh không quân, mặt khác do Ukraine đã thiết lập hệ thống phòng không rộng khắp trên mặt đất.
Trên thực tế, Nga khó có thể ngăn cản Ukraine tiến thêm một số km trong cuộc phản công dọc theo các trục chính. Thời gian gần đây, Kiev đã đạt được một số thành công nhỏ ở Klischivka, Staromaiorske, Robotyne, Kozachi Laheri và Urozhaine. Nhưng tên lửa chống tăng và bom lượn do máy bay Nga phóng, kết hợp với các bãi mìn dày đặc và công sự dã chiến đã khiến Ukraine phải trả giá đắt cho mỗi bước tiến.
Tận dụng sức mạnh không quân
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, Nga có thể dựa vào sức mạnh không quân để đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine. Moscow có thể tăng cường hoặc tái phân bổ máy bay chiến đấu nhanh chóng trên khắp tuyến đầu để ứng phó với những mối đe dọa bất ngờ. Các phi đội này sẽ đóng vai trò giống như “Lữ đoàn cứu hỏa”, đưa ra phản ứng đầu tiên để giải cứu các lực lượng mặt đất đang gặp nguy hiểm.
Trong cuộc phản công bất ngờ của Ukraine tại Kharkov vào tháng 9/2022, máy bay chiến đấu của Nga đã hỗ trợ cho các lực lượng Nga rút quân, giúp họ ít chịu rủi ro hoặc tổn thất hơn. Các phi đội đã che chắn cho tuyến đường rút lui của các binh sỹ, đồng thời “câu giờ” để lực lượng mặt đất thiết lập một tuyến phòng thủ mới xung quanh Svatove.
Còn thất bại của cuộc tấn công bằng thiết giáp quy mô lớn mà Lữ đoàn cơ giới số 47 và 33 của Ukraine thực hiện vào đầu tháng 6 tại Mala Tokmachka nêu bật một vấn đề khác, đó là những địa điểm tập kết phương tiện thiết giáp dọc theo các tuyến đường hoặc những cánh đồng trống trải rất dễ lộ diện trước trực thăng hoặc máy bay tấn công mặt đất, dù các máy bay có người lái thường gặp khó khăn khi nhận diện mục tiêu được che chắn nếu không có sự hỗ trợ của UAV hoặc binh sỹ chỉ điểm.
Không quân của Nga sử dụng nhiều vũ khí tầm xa
Điểm khác biệt cơ bản giữa sức mạnh không quân của Nga và NATO nằm ở chỗ NATO chủ yếu sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa còn Nga chủ yếu sử dụng tên lửa và bom không điều khiển.
Ở giai đoạn đầu xung đột, các máy bay chiến đấu Nga chủ yếu được sử dụng như “hệ thống phóng tên lửa phản ứng nhanh”, xuất hiện trong thời gian ngắn, ở độ cao thấp để phóng tên lửa S-8 hoặc S-13 không dẫn đường theo quỹ đạo hình vòng cung nhằm tránh tiếp xúc trực diện với hệ thống phòng không tầm ngắn của Ukraine. Việc phóng những loạt tên lửa rải rác như vậy có thể làm gián đoạn hoạt động của lực lượng tiến công của Ukraine, nhưng không thể gây tổn thất đáng kể cho đối phương.
Theo thời gian, không quân Nga đã trang bị những loại vũ khí dẫn đường tầm xa. Chẳng hạn các tiêm kích ném bom và tấn công tiên tiến như Su-34 và Su-35S đã được trang bị bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh. Theo đó, Nga đã tích hợp cho những quả bom cũ, có giá thành tương đối rẻ chẳng hạn như FAB-500 M62 các mô đun Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK) để chúng có thể bung cánh lượn và bay tới mục tiêu.
Máy bay Nga có thể thả những quả bom này ở khoảng cách an toàn, cách xa lực lượng phòng không Ukraine ở tiền tuyến hoặc biên giới. Bom lượn của Nga có khả năng gây ra những vụ nổ lớn có bán kính rộng, có thể phá hủy các doanh trại hoặc sở chỉ huy ở biên giới Ukraine hoặc ngăn chặn lực lượng tấn công của đối phương.
Ở độ cao thấp, trực thăng Nga sử dụng tên lửa chống tăng đa năng hạng nhẹ Izdeliye 305 (còn có tên gọi khác LMUR). Tên lửa nặng 105kg được trang bị đầu đạn nổ phân mảnh nặng 25kg với hệ thống dẫn đường bằng hình ảnh nhiệt/vệ tinh quán tính, có thể bay với tốc độ 828km/h, sử dụng chế độ bắn và quên nhằm vào các mục tiêu ở khoảng cách xa.
Kể từ tháng 6/2022, Nga đã công bố hàng chục video cho thấy các trực thăng tấn công Ka-52 và Mi-28NM của nước này thử nghiệm tên lửa LMUR. Khoảng 80% các cuộc thử nghiệm nhằm vào những mục tiêu tĩnh như tòa nhà hoặc các cây cầu.
Ngoài việc sử dụng LMUR, máy bay trực thăng Nga sử dụng tên lửa 9M120 Ataka (AT-9 Spiral II) cũ hơn, dẫn đường bằng hệ thống điều khiển vô tuyến điện có tầm bắn gần 6.000m hoặc tên lửa dẫn đường bằng tia laser 9K121 Vikhr có tầm bắn tối đa 12.000m.
Để tấn công chính xác các mục tiêu sâu hơn như pháo binh và hệ thống phòng không, Nga đã tăng cường triển khai máy bay không người lái cảm tử, trong đó phải kể đến UAV Lancet-3.
Lancet-3 đã trở thành một trong những UAV lợi hại nhất của Nga, đồng thời là “cơn ác mộng” của Ukraine khi làm hư hại hàng chục hệ thống pháo cũng như hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp cho Kiev.
Tấn công vượt ra ngoài lá chắn phòng không của Ukraine
Khi tiến về phía phòng tuyến Nga, các lực lượng Ukraine chắc chắn sẽ phải rời xa lá chắn phòng không của chính mình. Những hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa đều là những mục tiêu có giá trị cao cả về mặt quân sự và tài chính. Vì thế cả Nga và Ukraine đều bố trí ở phía sau chiến tuyến, cách hàng km để hạn chế khả năng bị pháo binh và UAV tấn công.
Mặc dù các hệ thống phòng không tầm xa có thể phát hiện và bắn hạ những máy bay bay cao, cách xa hàng chục km, nhưng radar của chúng rất khó phát hiện những máy bay trực thăng hoặc máy bay chiến thuật bay thấp ở khoảng cách ngắn. Nhiều hệ thống trong số này như S-300PT của Liên Xô hay Patriot của Mỹ cần thời gian để tái triển khai.
Trong khoảng thời gian đó, chúng vừa dễ bị tấn công lại vừa không có khả năng bảo vệ lực lượng mặt đất. Ngoài ra, có những hệ thống không thể khai hỏa khi đang di chuyển và phải mất vài phút để kích hoạt lại. Như vậy, ngoại trừ những hệ thống tầm ngắn có khả năng cơ động, các hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao rất khó tiến về phía trước để bảo vệ các đơn vị tấn công.