Lý do phương Tây cho rằng Nga đang cạn vũ khí cho chiến dịch ở Ukraine
VOV.VN - Theo các nước phương Tây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang cạn kiệt kho vũ khí trong bối cảnh chiến dịch quân sự ở Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng. Tuy nhiên, Nga phủ nhận điều này.
Những chuyến tàu bí ấn từ Iran đến Nga
Ngày càng có nhiều đoàn tàu bí ẩn từ Iran đến Nga. Trong vài tháng gần đây, những con tàu này đã cố gắng tránh bị phát hiện bằng cách tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS).
AIS của một con tàu được các lực lượng hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu khác, cũng như các công ty tình báo hàng hải giám sát. Những con tàu tắt AIS trong hành trình từ Iran đến Nga có thể là dấu hiệu cho thấy Iran ủng hộ nỗ lực của Nga ở Ukraine và là dấu hiệu cho thấy nguồn dự trữ của Nga đang cạn kiệt.
Sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo hồi tháng 7 rằng Iran đang lên kế hoạch cung cấp cho Nga “hàng trăm” máy bay không người lái (UAV), các nhà phân tích tại Lloyd's List Intelligence, một công ty dịch vụ dữ liệu hàng hải, bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong tuyến đường di chuyển từ Biển Azov, qua sông Volga và sông Don, tới Biển Caspi. Các nhà phân tích cũng theo dõi thấy trong tháng 9 có 50 tàu đi từ Iran đến Nga, trong khi con số này trong tháng 8 chỉ là 30 tàu.
Trong tháng 8, trong số các tàu đi qua Biển Caspi, các nhà phân tích đã ghi nhận 278 khoảng trống AIS – khoảng thời gian mà các tàu tắt hệ thống theo dõi tự động của chúng – từ 30 giờ trở lên. Trong tháng 9, con số này tăng lên 440, cao nhất kể từ tháng 5/2021.
Dọc sông Volga và sông Don, có 522 khoảng trống AIS được ghi nhận trong tháng 9 và 454 trong tháng 10. Con số trung bình từ tháng 1 đến tháng 9 là 147. Trong tháng 9, các nhà phân tích ghi nhận 60 “cuộc cập cảng trong bóng tối” - tức là các tàu cập cảng khi đã tắt AIS – tại các cảng của Nga và Iran; con số này trong tháng 8 là 48.
Các khoảng trống AIS ở Biển Caspi, nơi các tàu của Iran tránh sự giám sát của phương Tây, có thể là dấu hiệu cho thấy việc vận chuyển dầu mỏ của Iran vi phạm lệnh các trừng phạt. Nhưng sự gia tăng đột biến các khoảng trống AIS gần đây, cùng sự gia tăng số lượng tàu đi từ Iran đến Nga, khiến người ta nghĩ tới vũ khí.
Ông Bridget Diakun, nhà phân tích dữ liệu vận chuyển tại Lloyd's List Intelligence, cho biết: “Rõ ràng họ đang làm điều đó để che giấu các chuyến hàng giữa Iran và Nga”.
Các khoảng trống AIS không phải là điều bất thường trong ngành vận tải biển do vùng phủ sóng tín hiệu kém hoặc thời tiết xấu. Nhưng các tàu liên tục tắt AIS trong thời gian dài cho thấy chúng có điều gì đó cần che giấu.
“Khi một con tàu tắt AIS, thường có điều gì đó bất hợp pháp đang xảy ra”, ông Pekka Toveri, Thiếu tướng về hưu, cựu Giám đốc Tình báo Quân đội Phần Lan, cho biết.
Mặc dù Iran phủ nhận việc gửi vũ khí cho Nga để Moscow sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng Tehran đã bắt đầu giao UAV cảm tử (UAV kamikaze) cho Nga vào mùa hè năm nay. Những lần giao hàng đó trùng khớp với sự gia tăng đột biến số khoảng trống AIS. Vào tháng 10, Ukraine lần đầu tiên báo cáo về các cuộc tấn công bằng UAV do Iran sản xuất.
Hợp tác quân sự giữa Nga và Iran
Giữa tháng10, hãng tin Reuters cho biết Iran và Nga đã thống nhất một thỏa thuận bán tên lửa, UAV cho Nga. Thỏa thuận được đưa ra hôm 6/10 khi Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber, hai quan chức cấp cao Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và một quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao đến thăm Moscow để đàm phán với Nga về việc chuyển giao vũ khí.
Một trong số các quan chức Iran nêu trên cho biết: “Nga đã yêu cầu thêm UAV và tên lửa đạn đạo đã nâng độ chính xác từ Iran, đặc biệt là dòng tên lửa Fateh và Zolfaghar”.
Một quan chức phương Tây được báo cáo tóm tắt về vấn đề này đã xác nhận thông tin trên, cho biết đã có một thỏa thuận giữa Iran và Nga về vấn đề cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn đất đối đất.
Quan chức Iran cũng bác bỏ tuyên bố của phương Tây rằng việc chuyển giao vũ khí cho Nga là vi phạm nghị quyết năm 2015 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông này nói: “Vũ khí được sử dụng ở đâu không phải là vấn đề của người bán. Chúng tôi không đứng về bên nào trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng thông qua các biện pháp ngoại giao”.
Tuy nhiên, khả năng Iran hỗ trợ Nga cũng tương đối hạn chế. Nga sẽ cần nguồn cung cấp UAV ổn định, do đặc trưng dễ bị bắn hạ của loại phương tiện này. Iran cũng phải duy trì kho dự trữ riêng cho mình, đặc biệt là với năng lực sản xuất hạn chế.
Khả năng Nga mua vũ khí từ Triều Tiên, Belarus
Ngoài những chuyến tàu bí ẩn từ Iran tới Nga, theo trang oilprice.com, cơ sở để phương Tây nhận định Nga thiếu đạn dược, vũ khí là dựa trên các phân tích về khả năng Nga mua đạn pháo từ Triều Tiên, động thái Belarus chuyển vũ khí cho Nga…
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài, không có gì ngạc nhiên khi Moscow tìm kiếm các nguồn cung cấp vũ khí bổ sung. Đầu tháng 11/2022, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng Mỹ có thông tin cho thấy Triều Tiên đang bí mật cung cấp cho Nga một số lượng đáng kể đạn pháo. Ông Kirby nói Triều Tiên đang tìm cách che giấu số vũ khí này bằng cách chuyển chúng qua các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi. Mỹ đang theo dõi để xem liệu các lô hàng có được phía Nga nhận hay không.
Phía Triều Tiên nói rằng những cáo buộc này là tin đồn và khẳng định Bình Nhưỡng chưa bao giờ có giao dịch mua bán vũ khí với Nga.
Hồi tháng 6, tờ Ukrainska Prava từng đưa tin Belarus cung cấp đạn dược để Nga dùng ở Ukraine và lô hàng mới nhất gồm 20 toa tàu chở vũ khí được gửi từ Belarus đến Nga.
Quân đội Ukraine đã dự đoán rằng Belarus có thể cung cấp cho Nga các thiết bị quân sự và đạn dược và Nga có thể triển khai các vũ khí và thiết bị đó để tăng cường cho các đơn vị quân đội trên mặt trận Donetsk hoặc Kherson.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết ông đã nhiều lần bắt gặp tuyên bố của các nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga sẽ sớm cạn kiệt trang thiết bị quân sự và vũ khí. Ông nhắn nhủ phương Tây không nên hy vọng về điều đó.
“Các đối thủ đang thống kê cẩn thận các bệ phóng và kho dự trữ của chúng tôi. Họ lẽ ra có đủ khôn ngoan để không hy vọng rằng các nguồn lực của chúng tôi sẽ cạn kiệt”, ông Medvedev cho hay trên Telegram ngày 23/11, đồng thời khẳng định chiến dịch quân sự sẽ “tiếp tục” và Nga “có đủ vũ khí” cho tất cả binh lính./.