Lý do Trung Quốc chi tiền xây căn cứ ở Tajikistan
VOV.VN - Đường biên giới dài của Tajikistan với Afghanistan là một mối lo ngại an ninh đáng kể đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Tajikistan cũng là một yếu tố quan trọng trong các kế hoạch cơ sở hạ tầng, thương mại và năng lượng của Trung Quốc ở Trung Á.
Tajikistan, một quốc gia Trung Á nằm sâu trong đất liền và không có biển, tháng trước cho biết Trung Quốc sẽ cung cấp 8,5 triệu USD để xây dựng một căn cứ gần biên giới nước này với Afghanistan, nhưng sẽ không có binh sỹ Trung Quốc đóng tại đó.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hiện diện của Bắc Kinh ở Trung Á đang tiếp tục gia tăng. Lý do chính là các mối lo ngại an ninh và các động cơ kinh tế khi Trung Quốc muốn mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Vì sao lại là Tajikistan?
Tajikistan – thuộc liên bang Xô viết trước đây - là quốc gia nghèo nhất Trung Á, có đường biên giới chung 1.357km với Afghanistan và đường biên giới 447km với khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc, phần lớn đều chạy qua địa hình đồi núi.
Đặc điểm địa hình này là một lo ngại an ninh đáng kể đối với Bắc Kinh. Trung Quốc lo ngại các nhóm cực đoan hoạt động ở Afghanistan và Syria – trong đó có cả các chiến binh Duy Ngô Nhĩ – có thể tận dụng đặc điểm địa hình ở Tajikistan và các nước Trung Á khác như một lộ trình để vào Trung Quốc.
Sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, hơn 1.000 binh sỹ Afghanistan đã chạy sang Tajikistan.
“Đối với Trung Quốc, an ninh ở biên giới là điều rất quan trọng và nằm trong lợi ích cốt lõi của nước này ở Trung Á. Mở rộng sự hiện diện là công cụ hiệu quả nhất mà Trung Quốc sở hữu trong trường hợp này. Tajikistan là quốc gia duy nhất tiếp giáp Afghanistan và là nơi Trung Quốc có vai trò ảnh hưởng nhất trong khu vực”, theo ông Temur Umarov, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie Moscow.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Tajikistan, chiếm 37% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2018.
Theo Bộ tài chính Tajikistan, Trung Quốc cũng là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của nước này, Ngân hàng xuất-nhập khẩu Trung Quốc nắm giữ hơn 1,1 tỷ USD trong tổng số 3,2 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm 2020.
Cách tiếp cận đối với an ninh và chủ nghĩa cực đoan
Cả Trung Quốc và Tajikistan đều có cách tiếp cận cứng rắn trong việc ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan. Trung Quốc đã triển khai các chiến dịch chống khủng bố và cực đoan ở Tân Cương hơn 1 thập kỷ qua sau một loạt cuộc tấn công mà Bắc Kinh cho là có liên quan đến các thành phần ly khai Duy Ngô Nhĩ.
Năm 2016, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Tajikistan thiết lập cơ chế chống khủng bố để chia sẻ thông tin tình báo và tiến hành huấn luyện chung cho lực lượng vũ trang các bên. Dù vậy, tương lai của cơ chế này bị đặt câu hỏi sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan.
Ông Shih Chien-yu, nhà nghiên cứu liên kết tại Viện nghiên cứu an ninh quốc phòng tại Đài Loan nói rằng, sau năm 2016, bắt đầu xuất hiện các thông tin về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Tajikistan, với một căn cứ ở phía Đông, gần biên giới với Trung Quốc và Afghanistan.
Theo ông Shin, Trung Quốc đã “mở rộng tầm với ra nước ngoài, đáng chú ý nhất là ở Djibouti, căn cứ đầu tiên ở nước ngoài của Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu Umaraov cho biết, căn cứ được đề xuất tại Tajikistan sẽ có sự hiện diện của Lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân [Trung Quốc] - một nhánh bán quân sự của lực lượng vũ trang “chịu trách nhiệm duy trì trật tự công cộng và chống khủng bố trong thời bình”.
Mối quan hệ kinh tế
Dù an ninh là ưu tiên hàng đầu, nhưng việc phát triển Tajikistan - quốc gia có địa hình đồi núi và cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém khiến chi phí thương mại bị tăng cao, cũng nằm trong lợi ích của Dushanbe và Bắc Kinh.
Tất cả các dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường đang được thực hiện và được đề xuất ở Tajikistan có thể giúp cắt giảm chi phí thương mại của thêm 4,5-5.6% và giảm thời gian vận chuyển hàng hóa tới 4 ngày, theo Ngân hàng Thế giới.
Một phần của dự án đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan-Trung Quốc dự kiến được xây dựng ở Tajikistan và Trung Quốc muốn xây dựng đường bộ kết nối với Iran đi qua Tajikistan, theo Ngân hàng Thế giới (WB).
Hiện, các công ty khai thác mỏ Trung Quốc đã đảm bảo quyền khai thác ở Tajikistan - quốc gia giàu khoáng sản như bạc, chì, kẽm và urani. Tuy nhiên, theo cựu nhà ngoại giao Mỹ Susan Thornton, dù các dự án và sự hiện diện của Trung Quốc ở Tajikistan là nhằm mua lại sự bình yên ở khu vực biên giới, nhưng Bắc Kinh cũng sẽ gặp phải sự phản đối của người dân địa phương, đặc biệt là nếu họ cảm thấy bị ảnh hưởng đến kế sinh nhai do những dự án của Trung Quốc gây ra./.