Lý do Ukraine lực bất tòng tâm trong kế hoạch tìm diệt tiêm kích Su-34 của Nga
VOV.VN - Ưu tiên hàng đầu của quân đội Ukraine là ngăn chặn chiến dịch ném bom lượn của Nga bằng cách phá hủy máy bay ném bom Su-34. Nhưng đây là thách thức lớn đối với Kiev.
Su-34 – yếu tố chính trong chiến dịch ném bom lượn của Nga
Trong nhiều tháng qua, giới chức Ukraine đã kêu gọi các nước bảo trợ phương Tây cho phép sử dụng những vũ khí tốt nhất mà họ cung cấp, đặc biệt là tên lửa đạn đạo để tấn công máy bay chiến đấu đang đỗ tại các sân bay bên trong lãnh thổ Nga, phòng trường hợp Nga sử dụng các máy bay này tập kích các thành phố của Ukraine.
Tuy vậy, Mỹ và nhiều nước NATO đã phản đối, viện dẫn nguy cơ xung đột leo thang và vượt ra ngoài biên giới Ukraine khi cuộc chiến bước sang tháng thứ 29. Không được sự chấp thuận của phương Tây, Ukraine đã tăng cường tấn công vào những sân bay dễ bị tổn thương nhất của Nga bằng các loại vũ khí do chính nước này sản xuất. Cuối tuần qua, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công căn cứ không quân Morozovsk ở miền Nam nước Nga, cách tiền tuyến ở miền Đông Ukraine 321km.
Theo lực lượng tình báo Ukraine, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái này đã phá hủy một máy bay ném bom Su-34 của không quân Nga, làm hư hại 2 chiếc Su-34 khác và đốt cháy 1 kho chứa đạn dược. Cơ quan tình báo Ukraine công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy “một khu vực rộng lớn bị thiêu rụi” do đạn dược phát nổ sau vụ tấn công.
Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine tập kích sân bay Morozovsk, nhưng là đợt tập kích dữ dội nhất. Giới phân tích cho rằng, các cuộc tấn công tương tự trong thời gian tới sẽ trở nên khó khăn hơn khi Nga tái triển khai máy bay chiến đấu đến các căn cứ kiên cố, được bảo vệ nghiêm ngặt hơn.
Theo các chuyên gia quân sự, bằng cách nhắm mục tiêu vào sân bay Morozovsk và các sân bay khác gần biên giới Nga-Ukraine, Kiev hy vọng sẽ phá hủy các nhân tố chính hỗ trợ chiến dịch ném bom lượn của Nga, gồm máy bay chiến đấu mang bom và các quả bom lượn. Bom lượn là những quả bom từ thời Liên Xô, được trang bị mô đun UMPK gồm cánh lái và hệ thống dẫn đường để bay quãng đường dài với độ chính xác nhất định, cho phép các máy bay chiến đấu Nga thả chúng cách xa tầm với của hệ thống phòng không của Ukraine
Thời gian qua, Nga đã tăng cường sử dụng bom lượn tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine. Nhờ mô đun UMPK, những quả bom lượn “KAB” có tầm hoạt động khoảng 40km hoặc xa hơn, tùy thuộc vào từng phiên bản, cho phép máy bay Su-34 tấn công các căn cứ hoặc nơi tập kết binh sỹ Ukraine dễ dàng hơn, trong khi nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không tốt nhất mà Kiev đang sở hữu.
Nhóm phân tích Frontelligence Insight của Ukraine cho biết, mỗi ngày, Nga thả tới 100 quả bom lượn KAB, trong đó có nhiều quả nặng hơn 3 tấn. “Trong môi trường đô thị, việc sử dụng bom lượn với số lượng lớn và thường xuyên đã mang lại hiệu quả cao”, Frontelligence Insight lưu ý.
“Mặc dù chúng thiếu độ chính xác cao, nhưng với trọng lượng lớn, chúng có thể phá hủy hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tòa nhà, ngay cả khi không trực tiếp nhắm trúng mục tiêu. Khi các tòa nhà sụp đổ, hoạt động cứu hộ sẽ trở nên bất khả thi, đặc biệt khi Nga tiến hành 2 hoặc 3 cuộc tấn công liên tiếp”.
Là vũ khí lợi hại trong các khu vực đô thị, KAB đã trở thành yếu tố quyết định trong hầu hết hoạt động tấn công của Nga trên toàn bộ tuyến đầu dài hơn 1.000km.
“Trước đây, pháo binh Nga mất nhiều ngày phá hủy các tòa nhà để buộc lực lượng phòng thủ của Ukraine phải rút lui, chẳng hạn như trong trận chiến giành Bakhmut vào năm 2023. Nhưng bây giờ, toàn bộ các tòa nhà có thể sụp đổ trong vòng vài giây, khiến chúng trở nên vô dụng khi sử dụng cho mục đích phòng thủ”, báo cáo của Frontelligence Insight cho biết.
Ukraine “bất lực” trước tiêm kích Su-34
Hiện, ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ukraine là ngăn chặn chiến dịch ném bom lượn của Nga bằng cách phá hủy máy bay ném bom và bom lượn.
Hồi đầu mùa hè năm nay, Ukraine đã nhận thấy cơ hội hiếm hoi để giáng đòn mạnh vào cơ sở hạ tầng chứa bom lượn của Nga, khi Trung đoàn ném bom số 47 của không quân Nga đỗ hàng chục chiếc Su-34 tại căn cứ không quân Voronezh Malshevo ở miền Nam nước này, cách biên giới Ukraine hơn 160km. Voronezh Malshevo là một căn cứ được bảo vệ khá tốt vì vậy Ukraine đã hối thúc phương Tây cho phép sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS do Mỹ sản xuất, vốn rất khó đánh chặn, để tấn công căn cứ này. Nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không đồng ý.
“Chính sách của chúng tôi luôn nhất quán và không thay đổi”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố trong một cuộc họp báo vào tháng 7/2024.
Và như vậy, Ukraine vẫn chỉ được phép bắn tên lửa ATACMS vào các mục tiêu mà Nga kiểm soát ở nước này.
Sau khi quan sát được những động thái ngoại giao tích cực của Ukraine liên quan đến tên lửa ATACMS, Nga đã đưa ra quyết định hiếm hoi là rút máy bay chiến đấu Su-34 ra khỏi sân bay Voronezh Malshevo và các sân bay khác ở vùng biên giới.
“Trong khoảng nửa cuối tháng 6 và giữa tháng 7, các lực lượng Nga đã di dời phần lớn khí tài quân sự có giá trị khỏi khu vực biên giới với Ukraine,” Frontelligence Insight lưu ý. Việc rút Su-34 khỏi Voronezh Malshevo là một trong những “động thái đáng chú ý nhất”.
Hiện tại, Nga đang đặt nhiều máy bay Su-34 ở các căn cứ cách biên giới hàng trăm km. Chúng được đảm bảo an toàn trước hầu hết các cuộc tấn công của UAV cũng như tên lửa ATACMS của Ukraine. Nếu bây giờ Nhà Trắng cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng ATACMS vào căn cứ của Nga để phá hủy Su-34 thì điều này có thể đã quá muộn, vì loại tên lửa mạnh nhất của ATACMS chỉ có tầm hoạt động khoảng 300km, trong khi các mục tiêu đã ở quá xa.
Để ngăn chặn chiến dịch ném bom lượn của Nga, Ukraine cần phải phá hủy hàng chục chiếc Su-34. Nhưng các đợt triển khai máy bay chiến đấu theo chiến lược mới của Nga đang khiến điều này trở nên khó khăn hơn.