Maldives 'thoát Ấn' hay cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn ở Nam Á
VOV.VN - Trong một động thái đáng chú ý ở khu vực Nam Á, Maldives yêu cầu Ấn Độ rút binh sĩ đang đồn trú tại nước này trước ngày 15/3.
Maldives là quốc đảo nhỏ ở khu vực Nam Á, vốn phụ thuộc đáng kể vào nước láng giềng Ấn Độ về nguồn cung lương thực, xây dựng hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên mối quan hệ này gần đây xuất hiện dấu hiệu căng thẳng.
Trong khi đó, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tuần trước của Tổng thống Maldives, hai bên nhất trí nâng cấp lên “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Các nhà phân tích cho rằng động thái của Maldives phản ánh phần nào sự chuyển hướng chính sách của một số quốc gia ở Nam Á trước cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn.
Maldives yêu cầu Ấn Độ rút binh sĩ
Mối quan hệ láng giềng truyền thống giữa hai nước Nam Á Ấn Độ và Maldives đã kéo dài qua nhiều thập kỷ, vượt qua các thăng trầm của lịch sử và quan trọng nhất là xây dựng được nền tảng hiểu biết trong người dân hai bên qua các thế hệ. Trước hết, Ấn Độ và Maldives chia sẻ các mối liên kết dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và thương mại từ xa xưa trong lịch sử. Mối quan hệ ngày càng gần gũi, thân ái và đa chiều. Ấn Độ là trong số những nước đầu tiên công nhận Maldives sau khi quốc đảo này giành được độc lập vào năm 1965 và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Maldives luôn có một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại “Láng giềng trước tiên” của Ấn Độ vốn nhằm mang lại ổn định và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương. Ngược lại, Maldives coi Ấn Độ là đối tác đảm bảo an ninh chính của mình tại khu vực. Ngoài ra, cả hai quốc gia đều đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì an toàn và an ninh của Ấn Độ Dương, góp phần vào Tầm nhìn An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả mọi người trong Khu vực (SAGAR) do Ấn Độ nắm vai trò lãnh đạo.
Tuy nhiên, mối quan hệ này đang có các dấu hiệu "xuống dốc" với những khác biệt về lợi ích, bất đồng về quan điểm trong một số trường hợp nhất định. Khác biệt lớn nhất là việc chính quyền mới ở Maldives liên tục hối thúc Ấn Độ rút 70 binh sỹ quân đội đồn trú tại quần đảo này cùng các thiết bị quốc phòng về nước trước thời hạn ngày 15/3. Số lượng binh sỹ này tuy không lớn, cơ sở đồn trú dù không có nhiều giá trị về mặt quân sự nhưng việc chấm dứt sự hiện diện của quân đội Ấn Độ sẽ mang tính biểu tượng lớn với nước láng giềng.
Maldives cho thấy quyết tâm thực thi một chính sách đối ngoại và an ninh độc lập hơn, và chắc hẳn là sẽ đi kèm với những lợi ích mới. Có thể nói, người ta đang chứng kiến quá trình chuyển dịch ra khỏi "vùng ảnh hưởng" của Ấn Độ, quốc gia kề cận về mặt địa lý với Maldives một cách kiên quyết. Dĩ nhiên, điều này cũng sẽ kéo theo những hệ lụy như sự chững lại, thậm chí là đi lùi của mối quan hệ song phương. Và thời gian sẽ cho chúng ta thấy xu hướng này sẽ diễn tiến ra sao và để lại kết quả gì.
Chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu
Lựa chọn điểm đến trong các chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi lên nhậm chức luôn là một thông điệp với bất cứ nguyên thủ quốc gia nào. Và với tân Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu, đây không chỉ là một thông điệp mà còn là lời khẳng định. Hôm 13/1, khi vừa xuống sân bay ở thủ đô Male sau chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày, Tổng thống Maldives tuyên bố trước truyền thông rằng Maldives có thể là một quốc đảo nhỏ, nhưng nước này sẽ không cho phép những nước khác ‘bắt nạt’. Ông còn nói trước công chúng rằng Ấn Độ Dương “không thuộc về bất cứ quốc gia nào cả” và Maldives “không phải sân sau của bất kỳ ai”.
Nhận xét của ông Muizzu, dường như ám chỉ đến Ấn Độ, được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Male và New Delhi. Quan hệ song phương Maldives-Ấn Độ đi vào “quỹ đạo xấu” kể từ cuộc bầu cử đưa ông Muizzu lên chiếc ghế Tổng thống, để rồi ông yêu cầu quân đội Ấn Độ nhanh chóng rút khỏi Maldives.
Tháng 12/2023, Nội các của ông đã quyết định không gia hạn sáng kiến khảo sát thủy văn chung với Ấn Độ. Và mới đầu tháng này thôi, 3 quan chức cấp cao trong Chính phủ của ông lại có những phát ngôn trên mạng xã hội khiến nước láng giềng tức giận. Những người này đã nói xấu, chỉ trích Thủ tướng Narendra Modi và người Ấn Độ nhân chuyến thăm gần đây của ông Modi tới quần đảo Lakshadweep – vùng lãnh thổ của Ấn Độ nằm gần Maldives. Để đáp trả, người dùng mạng xã hội ở Ấn Độ đã phát động chiến dịch “Tẩy chay Maldives” – hành động có nguy cơ ảnh hưởng đến ngành du lịch – ngành kinh tế quan trọng của quần đảo Ấn Độ Dương.
Chính phủ Maldives đã nhanh chóng đình chỉ ba quan chức này và cố gắng hạ nhiệt dư luận Ấn Độ. Nhưng có vẻ đây là sự cố báo hiệu mối quan hệ truyền thống này đã không còn như xưa. Và với tuyên bố của mình, Tân Tổng thống Maldives cũng đã không còn che dấu ý định “cài đặt lại” quan hệ với nước láng giềng.
Thực tế, chính quyền Maldives đã có những bước đi chuẩn bị cho quá trình ‘Thoát Ấn’ của mình. Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Muizzu kêu gọi du khách Trung Quốc hãy tới Maldives du lịch; với kỳ vọng họ sẽ vượt qua Ấn Độ để trở thành thị trường gửi khách nhiều nhất tới nước này. Bên cạnh đó, ông Muizzu còn chứng kiến việc ký kết 20 Biên bản ghi nhớ giữa hai nước, bao gồm cả việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, cùng cam kết hỗ trợ thêm cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ông Muizzu cũng cho biết Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu đàm phán về khả năng trì hoãn hoặc nới lỏng các điều khoản trả nợ đối với các khoản vay của nước này cho Maldives.
Sự thay đổi về chính sách đối ngoại
Nhân tố Trung Quốc ngày càng được nhắc tới nhiều hơn tại khu vực Nam Á như một thành phần đang làm thay đổi sân khấu chính trị và cục diện chiến lược tại đây. Cái tên Trung Quốc được nhắc tới với những công trình hạ tầng lớn, quan trọng của các quốc gia tại đây; các khoản vay khổng lồ cùng những điều chỉnh về chính sách của các chính quyền trong khu vực.
Không thiếu những ví dụ cụ thể để cho thấy sự dịch chuyển hữu hình và vô hình tại đây. Ví dụ cây cầu Sinamale do Trung Quốc xây dựng tại Maldives được cho là đã chuyển đổi cả quốc đảo này. Một công trình hạ tầng quan trọng khác – cầu Padma tại Bangladesh cũng do Trung Quốc hỗ trợ khánh thành năm 2022 đã kết nối phần lãnh thổ Tây Nam Bangladesh với thủ đô Dhaka, được dự báo sẽ trở thành hạ tầng thiết yếu của Bangladesh.
Ở Sri Lanka, sự hiện diện của Trung Quốc thậm chí còn đáng kể hơn với việc sở hữu sân bay Hambantota theo hợp đồng dài hạn cùng với việc tham gia phát triển phần lớn cảng Colombo. Còn tại Pakistan, Hành lang Kinh tế Trung Quốc Pakistan với một loạt dự án hạ tầng được khởi công từ năm 2013 đã biến Pakistan trở thành ‘bạn bè bất kể thời tiết’ của Trung Quốc tại Nam Á. Khái niệm “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc đang dần thành hình với việc đặt chân tại hầu hết các quốc gia trong khu vực bằng nhiều hình thức khác nhau. Và chắc chắn mục tiêu là để gia tăng ảnh hưởng và lôi kéo lực lượng tại Nam Á, kiềm chế cường quốc khu vực là Ấn Độ.
Những thay đổi về chính sách đối ngoại tại các nước này đã bắt đầu xuất hiện, theo hướng thân thiện hơn, bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc và lấn át ảnh hưởng của các cường quốc khác. Ví dụ như tại Pakistan, Nepal hay giờ đây là Maldives. Có thể chắc chắn một điều, theo sau những lợi ích đan xen về kinh tế là các liên kết về quân sự, an ninh. Đó chính là các nguy cơ gây bất ổn tại khu vực.