Mạng xã hội tác động cuộc chạy đua vào Nhà Trắng như thế nào?
VOV.VN - Trong cuộc chạy đua năm 2016, đội ngũ tranh cử cho bà Clinton và ông Trump tận dụng triệt để độ lan tỏa của mạng xã hội nhằm lôi kéo các cử tri.
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng to lớn của mạng xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống hiện đại. Mạng xã hội giờ đây không chỉ được sử dụng cho các nhu cầu kết nối, giải trí của con người mà còn được xem như là công cụ kiếm tiền, thậm chí là cho mục đích chính trị.
Cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là một ví dụ điển hình cho thấy điều đó. Những ngày này, khi việc tranh cử đang gấp rút bước sang giai đoạn cuối, mạng xã hội cũng “nóng” lên theo từng sự kiện.
Tỷ phú Trump và bà Clinton tươi cười trong buổi tranh luận đầu tiên. (Ảnh: Reuters) |
Những con số ấn tượng
Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đầu tiên giữa 2 ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ - tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kết thúc vào tối 26/9 vừa qua (theo giờ Mỹ).
Trong suốt 90 phút tranh luận về 3 vấn đề chính (bao gồm: hướng đi tương lai của nước Mỹ, làm thế nào để đạt được sự thịnh vượng và bảo đảm an ninh cho đất nước) dưới sự dẫn dắt của nhà báo kỳ cựu Lester Holt, 2 ứng cử viên đã mang đến những giây phút đối đầu đầy “kịch tính”.
Sức “nóng” của cuộc tranh luận không chỉ diễn ra ngay tại hội trường Đại học Hofstra, New York mà còn lan tỏa qua mạng xã hội với những dòng trạng thái cập nhật liên tục qua Twitter hay các lời bình luận (comments), các đoạn video trên Facebook.
Theo BBC, 90 phút tranh luận đầu tiên giữa tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thu hút gần 5 triệu dòng đăng tải trạng thái trên Twitter có sử dụng các từ khóa như #DebateNight (Đêm tranh luận) hay #Debates2016 (Những cuộc tranh luận năm 2016) ngay trong đêm 26/9.
Con số này gấp 20 lần so với con số trong cuộc Tổng tuyển cử ở nước Anh vào năm 2015- một sự kiện chính trị quan trọng vào thời điểm lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn thua xa so với cuộc tranh luận đầu tiên của bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 với con số là 10 triệu dòng trạng thái trên Twitter, USA Today cho biết.
Ông Trump được nhắc tên nhiều hơn bà Clinton trên mạng xã hội. (Ảnh: AP) |
Còn với Facebook, theo trang The Daily Caller, 19 triệu tài khoản đã đề cập đến cuộc tranh luận đầu tiên vào tối 26/9.
Trang The Daily Caller cũng dẫn thông tin từ đại diện của Facebook nhấn mạnh, cuộc tranh luận của 2 ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ đã thu hút tổng cộng 73,8 triệu lượt thích, lượt chia sẻ, ý kiến và bài viết đăng trên mạng xã hội này.
BBC cho biết thêm, người được nhắc tên nhiều nhất trên mạng xã hội năm nay là ông Donald Trump với con số 62% dòng trạng thái trên Twitter, 72% dòng trạng thái trên Facebook dành riêng cho ứng cử viên “bạo miệng” này.
Trong khi đó, bà Clinton chỉ chiếm 21% dòng trạng thái trên Facebook và 38% trên Twitter.
Với kết quả này, có nhà quan sát còn hóm hỉnh cho rằng, cho dù trên thực tế bà Clinton có “chiếm ưu thế” hơn một chút sau cuộc tranh luận đầu tiên, nhưng rõ ràng, ông Trump đã “đánh bại” bà trên “mặt trận" mạng xã hội.
Được biết, 3 vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trên Twitter là: ông Trump nói rằng mình giữ bình tĩnh tốt, ông Trump nói gì về việc “ngăn chặn và lục soát” đối với các đối tượng khả nghi, bà Clinton và ông Trump trao đổi về kế hoạch đánh bại Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo BBC.
Còn các vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trên Facebook là: thuế, IS, vấn đề phân biệt chủng tộc và nền kinh tế nước Mỹ, The Daily Caller thông tin.
“Chiếc áo mới” cho cuộc bầu cử
Với những tiện ích mà mạng xã hội đem lại, người dùng Facebook và Twitter (cũng như các mạng xã hội khác) đang gia tăng một cách nhanh chóng. Đặc biệt, Facebook đã trở thành mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay khi có hơn 1 tỉ người sử dụng trên toàn thế giới.
Đương nhiên, đội ngũ tranh cử của bà Clinton và ông Trump không thể bỏ qua “mảnh đất màu mỡ” này. Trang Facebook cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton có hơn 6 triệu người “thích” và gần 8.000 người “theo dõi”. Trong khi đó, trang Facebook cho chiến dịch tranh cử của ông Trump vượt trội hơn với gần 11 triệu người “thích” và hơn 7.000 người “theo dõi”. Báo Nga: Tranh luận Trump-Clinton là “màn kịch” của bầu cử Mỹ
Hai đội ngũ tranh cử liên tục cập nhật hình ảnh, video, cũng như những thông tin về bà Clinton và ông Trump trên cả Facebook và Twitter.
Mỗi bài đăng trên Facebook của 2 ứng cử viên nói trên nhận được hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn lượt “yêu thích”, “bày tỏ cảm xúc” hoặc “chia sẻ”.
Giờ đây, những người ủng hộ bà Clinton hay ông Trump đều có thể theo dõi “nhà lãnh đạo tương lai” của họ hàng ngày, thậm chí là hàng giờ mà không cần phải chờ đợi những bản tin trên báo hay trên tivi.
Tối 26/9 (theo giờ Mỹ), Facebook đã trở thành công cụ quảng bá miễn phí nhưng rất hữu hiệu cho cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 ra khắp thế giới.
Không cần phải có mặt ở thành phố New York, người dân khắp thế giới chỉ cần có thiết bị nối mạng internet đã có thể theo dõi “cuộc tranh luận đầu tiên” giữa bà Clinton và ông Trump thông qua chức năng “live stream” của Facebook.
Theo Variety, trang Facebook của hãng ABC News đã thu hút đến 8 triệu lượt xem đối với đoạn video “live stream” cho cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và bà Clinton. Con số này ở tài khoản Facebook của AJ+ là 5,7 triệu lượt xem và tài khoản Facebook của hãng tin Washington Post là 2,4 triệu lượt xem.
Bên cạnh đó, mạng xã hội không chỉ là nơi cung cấp thông tin thông thường mà còn là “chiến trường” thực thụ, nơi những người ủng hộ 2 ứng cử viên này có thể thoải mái bày tỏ quan điểm của mình theo cách “gần gũi hơn” so với những mẩu tin chính thống trên báo chí.
Đặc biệt, những trang Twitter cá nhân của giới chính trị gia hay các nhân vật có tiếng tăm và có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội luôn nhận được sự chú ý lớn từ phía công chúng Mỹ.
Có thể nói, cuộc "so găng" trên mạng xã hội “nóng” không kém cuộc "so găng" giữa ông Trump và bà Clinton trên truyền hình tối 26/9.
Trước khi cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra, chính trị gia Đảng Cộng hòa Ted Cruz đã kêu gọi ủng hộ ông Trump trên Twitter của mình: “Chúng ta cần phải đoàn kết lại vì sự tự do và khôi phục lại Hiến pháp”.
Còn đối với cựu chính trị gia Jerry Springer - người dẫn chương trình nổi tiếng với 2 talkshow Jerry Springer Show và The Moment of Truth (Thời khắc của sự thật) - đã nhẹ nhàng “đùa vui” trên Twitter rằng: “Hillary Clinton thuộc về Nhà Trắng, còn ông Donald Trump phù hợp với những chương trình của tôi”.
Cựu Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, Machado - người từng bị ông Trump mỉa mai là “Hoa hậu Lợn” - cũng đăng tải ý kiến bằng tiếng Tây Ban Nha ủng hộ mạnh mẽ bà Clinton: "Cảm ơn bà Hillary Clinton vì sự trân trọng của bà đối với phụ nữ! Chúng tôi luôn bên bà”. Thất thế trong tranh luận, Trump quay sang công kích Clinton
Con dao 2 lưỡi
Brian Solis, chuyên gia phân tích tại Công ty Altimeter, cho biết mạng xã hội cho phép người dùng bất cứ thông tin gì họ thích, nghĩa là những người dùng thiếu hiểu biết cũng có thể đưa ra những thông tin lệch lạc.
Giữa hàng loạt các thông tin khác nhau về cuộc bầu cử Mỹ, người xem nếu không tỉnh táo có thể sẽ có những quyết định sai lầm về lá phiếu của mình, chuyên gia Solis nhấn mạnh.
“Chúng ta đang sử dụng mạng xã hội như một phương tiện để áp đặt quan điểm của chúng ta lên người khác và gây ra sự chia rẽ không cần thiết”, ông Solis nói.
Ông Solis phân tích thêm, mặt tối của mạng xã hội trong cuộc bầu cử Mỹ đấy chính là người dùng có thể thoải mái bày tỏ quan điểm mà không thèm bận tâm đến những tác động mà quan điểm đó gây ra trên thực tế.
Ông nhận định, những người dùng mạng xã hội một cách “vô tư” và “vô trách nhiệm” như trên là những người “chưa trưởng thành”.
Chuyên gia Solis đồng thời kêu gọi các cử tri Mỹ cần thận trọng hơn khi bỏ phiếu vì tương lai của nước Mỹ./.