Mâu thuẫn nội bộ Anh vì Brexit
VOV.VN - Thăm dò dư luận cho thấy, 48% dân chúng Anh muốn ở lại EU, 33% muốn ra khỏi và 19% vẫn đang lưỡng lự
Bản thỏa thuận này được xem là một thắng lợi của Thủ tướng Anh David Cameroon khi hầu hết những yêu cầu cải cách mà Anh đưa ra trước đó được chấp thuận, nhất là “vị thế đặc biệt” dành cho Anh liên quan đến vấn đề nhập cư, bảo vệ khu vực tài chính London và miễn trừ cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về “một liên minh gần gũi hơn”.
Bản thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) được xem là một thắng lợi của Thủ tướng Anh David Cameroon. (ảnh: telegraph.co.uk). |
Thủ tướng Anh hứa sẽ vận động “với cả trái tim và tinh thần”
Sau khi trở về Anh với một thỏa thuận được coi là thắng lợi, ông David Cameron đã có bài phát biểu trước Nghị viện Anh để nói về hướng đi sắp tới của nước Anh.
Trong bài phát biểu này, ông Cameron đã bảo vệ mạnh mẽ việc nước Anh cần ở lại trong EU khi tuyên bố là với thỏa thuận vừa đạt được ở Brussels về việc giành cho nước Anh “quy chế đặc biệt”, nước Anh đang có những gì tốt nhất ở cả hai phía.
Ở phía châu Âu là đó là việc tham gia vào thị trường chung lớn nhất thế giới, là việc được có tiếng nói trong tất cả các quyết định lớn liên quan đến nước Anh và việc được hoàn toàn chủ động trong các chính sách về an ninh, tiền tệ hay kiểm soát biên giới.
Ông Cameron cũng lớn tiếng chỉ trích các đối thủ chính trị trong nước đang ủng hộ Brexit khi cho rằng những đối thủ này đang hành xử một cách đầy nghịch lý.
Trong thời gian tới, dự kiến chính phủ Anh của Thủ tướng David Cameron sẽ còn phải đưa ra những cải cách cụ thể hơn nhằm hiện thực hóa các cam kết với cử tri Anh khi vận động họ ủng hộ kế hoạch nước Anh ở lại EU.
Nước Anh chia hai phe: Đi và ở
Đây chính là điều mà bản thân ông David Cameron và những người không muốn nước Anh ra khỏi EU lo ngại nhất. Sự chia rẽ này không chỉ đến trong xã hội Anh mà nguy hiểm nhất là đến từ chính nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.
Nước Anh chia hai phe: Đi và ở lại EU. (ảnh minh họa: telegraph.co.uk). |
Những ngày gần đây, sự kiện nổi bật trên chính trường Anh là sự nổi lên của ông Boris Johnson, Thị trưởng London và cũng là thành viên đảng Bảo thủ. Ông Johnson là người ủng hộ Brexit và đang tập hợp lực lượng rất nhanh và lớn mạnh để thách thức Thủ tướng David Cameron.
Theo nhiều nhà phân tích chính trị thì mục đích thực sự của ông Boris Johnson là nhằm thách thức vai trò lãnh đạo của ông Cameron trong đảng Bảo thủ và bản thân ông Boris Johnson từ lâu nay vẫn được coi là nhân vật nhiều khả năng sẽ kế nhiệm vai trò lãnh đạo của ông Cameron cả trong nội bộ đảng Bảo thủ lẫn trên chính trường Anh.
Vì thế, ông Johnson đã lợi dụng vấn đề Brexit để thách thức ông Cameron và đẩy nhanh quá trình thâu tóm quyền lực. Tập hợp quanh ông Boris Johnson là nhiều chính trị gia, đáng chú ý là có đến 5 Bộ trưởng trong chính phủ của ông Cameron như các Bộ trưởng Tài chính Michael Gove và Bộ trưởng lao động Priti Patel.
Lý lẽ của nhóm ủng hộ Brexit, như ông Boris Johnson tuyên bố đó là “việc nước Anh gắn với EU sẽ làm xói mòn nền dân chủ và ra khỏi EU là cách thức duy nhất giúp nước Anh có những thay đổi triệt để trong quan hệ với các nước láng giềng”.
Trong khi đó, phe phản đối Brexit do Thủ tướng David Cameron dẫn đầu thì cho rằng sau khi đã đạt được những nhượng bộ rất lớn từ Brussels, nước Anh giờ đây sẽ tiến hành những cải cách lớn để tận dụng tốt nhất những lợi thế mới. Nhóm phản đối cho rằng Brexit sẽ mang đến thiệt hại nặng nề cho cả Anh lẫn EU và nước Anh cũng không thể lớn mạnh nếu tách rời hoàn toàn khỏi EU
Tỷ lệ ủng hộ ở lại tăng vọt
Dân chúng Anh từ trước đến nay luôn có xu hướng tách mình ra khỏi châu Âu. Họ vẫn coi Anh quốc là một đảo quốc có những truyền thống và đặc trưng riêng, “không phải châu Âu”. Đó là lí do mà các đời chính quyền Anh luôn có những yêu cầu riêng trong hội nhập châu Âu.
Tuy nhiên, ở thời đại toàn cầu hóa và liên kết kinh tế chặt chẽ như hiện nay, người Anh hiểu rõ những hậu quả vô cùng nghiêm trọng về mặt kinh tế và chính trị một khi nước Anh rời khỏi châu Âu. Nếu Anh rời EU thì đó sẽ là cuộc chơi mà cả hai bên đều thua thiệt.
Vì vậy, sau khi đã đạt được những nhượng bộ lớn từ Brussels, dân chúng Anh có thể tương đối hài lòng vì thỏa thuận mới đạt được dành cho Anh một “quy chế đặc biệt”, nói cách khác là hoàn toàn chủ động trong việc tham gia vào châu Âu và vẫn giữ được quyền của riêng mình.
Sau khi đã đạt được những nhượng bộ lớn từ Brussels, dân chúng Anh có thể tương đối hài lòng vì thỏa thuận mới đạt được. (ảnh: blogs.spectator.co.uk). |
Để so sánh thì có thể thấy việc này cũng gần giống như sự kiện Scotland trưng cầu dân ý đòi ra khỏi Vương quốc Anh năm ngoái, tức là dù phong trào bài châu Âu hay bài Anh lên cao, đến cuối người dân cũng hiểu rằng nếu sự việc diễn ra như thế thì sẽ hại nhiều hơn thiệt.
Dân chúng Anh có lẽ hiểu rằng những đòi hỏi của họ đã được đáp ứng, thế là đủ, nếu vẫn tiếp tục làm căng thì sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường.
Dù mọi kịch bản đều có thể xảy ra nhưng sau bản thỏa thuận đạt được ở Brussels tuần trước, các nhà phân tích của các tập đoàn lớn như Citibank, Moody, Eurasia… dự đoán, nguy cơ Brexit diễn ra vào ngày 23/6 tới sẽ chỉ ở mức 20-30%, cao nhất cũng sẽ không vượt quá 40%. Các cuộc thăm dò dư luận gần nhất được thực hiện hôm 21/2 vừa rồi cho tờ Daily Mail cho thấy 48% dân chúng Anh muốn ở lại EU, 33% muốn ra khỏi và 19% vẫn đang lưỡng lự.
Con số này cho thấy bất chấp sự rầm rộ của phe ủng hộ Brexit của ông Boris Johnson, lợi thế vẫn đang nghiêng về phe của Thủ tướng David Cameron và lợi thế này sẽ còn rõ rệt hơn trong những tuần tới khi ông David Cameron chính thức bắt đầu chiến dịch vận động nhằm giữ nước Anh ở lại trong EU.
Khả năng phe của ông Boris Johnson đảo ngược được tình thế là không nhiều và sau những nhượng bộ ở Brussels, khó có nguy cơ nước Anh rời khỏi EU./.