Mô hình số hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe và bài học từ chương trình tiêm chủng của Israel
VOV.VN - Dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy việc số hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe ở châu Á và các nước hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm của Israel.
Mỗi nước châu Á đều hiểu tầm quan trọng của việc số hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nó làm giảm chi phí, cải thiện việc chẩn đoán, giúp chính phủ các nước sắp xếp các chiến dịch y tế cộng đồng, cho phép các nhà nghiên cứu phát triển các loại thuốc mới và cũng giúp các bệnh nhân hiểu rõ hơn về sức khỏe của mình.
Tuy nhiên, vẫn có khoảng cách đáng kể giữa tham vọng của các nước với thực tế trong nhiều năm qua, ngay cả những nơi có cơ sở hạ tầng y tế tốt như Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore.
Dù vậy, đây lại không phải là vấn đề với Israel, nơi mà việc số hóa đã trở thành nền tảng của toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Mô hình số hóa giúp Israel hưởng lợi trong đại dịch Covid-19
Trong đại dịch Covid-19, Israel đã được hưởng lợi từ việc số hóa hệ thống y tế theo 2 cách rất quan trọng. Thứ nhất, chương trình tiêm chủng vaccine của Israel là điều khiến cả thế giới “ghen tị”. Tính đến ngày 14/3, đã có 59,7% trong số 9,3 triệu dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech.
Thứ hai, sự thành công của chương trình chủng ngừa Covid-19 giúp Israel có đủ tự tin bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Những người đã tiêm đủ 2 liều, hoặc những người đã khỏi bệnh Covid-19, đủ điều kiện tải một ứng dụng do Bộ Y tế nước này phát triển. Những người này sẽ được nhận một mã QR độc nhất, có thời hạn 6 tháng. Khi quét mã QR này, họ có thể tới phòng gym, nhà hát, nhà hàng, quán bar. Điều này cũng giúp khuyến khích người dân đi tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.
Ở châu Á, chương trình tiêm chủng vaccine mới chỉ bắt đầu vì nhiều lý do. Tuy nhiên, những gì được thực hiện cũng chỉ dựa trên giấy tờ.
Ở Singapore, người cao tuổi sẽ nhận được một lá thư có đường link trang web đăng ký vaccine. Sau khi đăng ký, họ sẽ nhận được một tin nhắn dịch vụ có chứa đường link đặt trước duy nhất. Ở Nhật Bản, chính phủ lên kế hoạch phát phiếu tiêm chủng và sẽ gửi qua đường bưu điện từ giữa tháng 3.
Trong khi đó, ở Israel, người dân nhận được thông báo tiêm chủng qua tin nhắn. Tin nhắn sẽ có đường link tới một ứng dụng để đặt trước mũi tiêm thứ nhất và thứ hai. Nếu người nhận không phản hồi tin nhắn thứ nhất, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn thứ 2, và sau đó sẽ là một cuộc điện thoại. Những người cao tuổi không thành thạo công nghệ có thể nhờ tới tổng đài.
Quá trình tiêm chủng cũng được số hóa. Các y tá sẽ nhập thông tin bệnh nhân vào một ứng dụng sử dụng điện thoại thông minh của họ, với quy trình xác thực 2 bước để ngăn chặn khả năng rò rỉ thông tin. Khi trở về nhà, người dân Israel nhận được một tin nhắn khác có đường link dẫn tới khảo sát về các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Việc số hóa hệ thống y tế khá phổ biến ở Israel. Mọi công dân Israel phải tham gia vào 1 trong 4 nhà cung cấp bảo hiểm hàng đầu của nước này. Cả 4 nhà cung cấp cũng sẽ cạnh tranh để thu hút bệnh nhân và việc số hóa sẽ giúp đem lại lợi thế cho họ.
Các công dân sử dụng ứng dụng do các nhà cung cấp bảo hiểm y tế của mình cung cấp để đặt lịch thăm khám, gửi tin nhắn cho bác sỹ, đặt hàng thuốc kê đơn, nhận kết quả xét nghiệm và xem hồ sơ y tế của mình. Các dữ liệu được sử dụng chung ở cấp quốc gia để bất cứ nhà cung cấp dịch vụ y tế nào cũng có thể truy cập hồ sơ y tế điện tử của bệnh nhân. Không có giấy tờ cũng đồng nghĩa với việc không có rác thải.
Cơ hội tăng tốc số hóa hệ thống y tế ở châu Á
Các nước châu Á hiện nay chưa làm được như Israel. Singapore đã rất tích cực triển khai hệ thống hồ sơ y tế điện tử quốc gia từ năm 2011. Tuy nhiên, mới chỉ có 27% các bác sỹ được cấp giấy phép tư nhân sử dụng hệ thống này.
Ở Hong Kong (Trung Quốc) cũng tương tự. Tính đến cuối tháng 2/2021, 1,387 triệu người trong số 7,5 triệu dân ở đặc khu này đang ký Hệ thống Chia sẻ hồ sơ y tế. Các nghiên cứu cho thấy nếu các bác sỹ càng nhiều tuổi thì họ càng ngại sử dụng hệ thống này. Họ không mấy thành thạo công nghệ và cũng lo ngại nhiều hơn về gánh nặng quản lý liên quan tới việc chuyển dữ liệu sang một hệ thống mới.
Tương tác dữ liệu cũng là một vấn đề. Đây là điều mà các nước có nền kinh tế tiên tiến đang gặp phải. Các nước như Nhật Bản và Ấn Độ đang ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa nhưng lại có tham vọng về việc nhảy cóc công nghệ.
Chính phủ Nhật Bản muốn mở rộng việc số hóa bằng cách bổ sung thêm các dịch vụ vào hệ thống nhận dạng My Number, một hệ thống ID được cá nhân hóa bao gồm thông tin thuế và an sinh xã hội. Bảo hiểm y tế cũng sẽ được bổ sung vào hệ thống này từ tháng 3 và chính phủ Nhật Bản hy vọng nó sẽ cải thiện tỷ lệ người tham gia hệ thống nay.
Ấn Độ đã triển khai Nhiệm vụ Y tế số quốc gia từ năm 2020. Mỗi người dân Ấn Độ sẽ được cấp một ID y tế cá nhân, cho phép bệnh nhân và những người hành nghề y truy cập dữ liệu thông qua một ứng dụng.
Việc số hóa dữ liệu đem lại lợi ích lớn cả về kinh tế và y tế. Israel tới nay đã có hơn 20 năm chuyển đổi số và điều này giúp chính phủ xây dựng các chương trình y tế có trọng tâm dựa trên độ tuổi, giới tính và hồ sơ bệnh lý.
Trong đại dịch hiện nay, Israel đã nhanh chóng phát triển ứng dụng Covid-19 chỉ trong vài tháng. Trong khi đó, các ứng dụng theo dõi và truy vết vẫn chưa phổ biến trên toàn cầu vì những người dùng cuối không muốn phải cách ly.
Nhiều nước cũng đã bỏ lỡ việc tạo ra các ứng dụng liên quan đến vaccine ngay từ đầu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khả năng để xây dựng cơ chế hộ chiếu [vaccine] điện tử, vì người dân muốn cuộc sống trở lại bình thường. Những ứng dụng như vậy có thể là tấm đệm bật để giúp tốc số hóa. Khủng hoảng tạo ra cơ hội và không có cơ hội nào lớn hơn đại dịch Covid-19 hiện nay./.