Mốc son 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản: Cơ hội vàng, tình bạn vàng
VOV.VN - Hội nghị cấp cao ASEAN Nhật Bản- ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ hợp tác diễn ra tại thủ đô Tokyo từ ngày 15 đến ngày 17/12. Nhân dịp này.
Phóng viên Đài TNVN theo dõi khu vực ASEAN phỏng vấn Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Kiya Masahiko về mốc son 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản cũng như những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên trong thời gian tới.
PV: Xin Đại sứ cho biết những trụ cột chính trong quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản thời gian gần đây?
ASEAN và Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác lâu đời và Nhật Bản hiện trở thành quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN trong nhiều lĩnh vực. Thứ nhất đó là hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản về Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương ( AOIP). Theo đó, AOIP chia sẻ các nguyên tắc cơ bản về tính công khai, minh bạch, toàn diện và tôn trọng luật pháp quốc tế, với cách tiếp cận của Nhật Bản với một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tự do và rộng mở (FOIP). Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên sớm thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Indonesia- Nước chủ tịch ASEAN năm nay cũng thúc đẩy việc thông qua và thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, do đó Nhật Bản ủng hộ lập trường này. Theo đó, Nhật Bản thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể phù hợp với 4 mục tiêu ưu tiên các lĩnh vực của AOIP, cụ thể là hợp tác hàng hải, kết nối, phát triển bền vững, và kinh tế cũng như các lĩnh vực hợp tác khác; Hỗ trợ các chức năng của Ban Thư ký ASEAN trong việc thúc đẩy và lồng ghép AOIP; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho cán bộ chính phủ trẻ ở các nước ASEAN, tập trung vào AOIP.
Kênh hợp tác thứ 2 đó là Nhật Bản thành lập Quỹ hội nhập Nhật Bản-ASEAN năm 2006, đã và đang triển khai nhiều dự án khác nhau. Quỹ giúp thúc đẩy việc phát triển và xây dựng cộng đồng ASEAN, giảm sự chênh lệch trong khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản, với mức đóng góp tích lũy lên tới khoảng 769 triệu USD và thực hiện khoảng 560 dự án. Điều này thể hiện cam kết của Nhật Bản thúc đẩy quan hệ chặt chẽ với ASEAN.
PV: Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hai bên. Xin Đại sứ cho biết những nội dung chính tại hội nghị lần này và các kết quả dự kiến?
Trước hết các nước sẽ cùng nhau đặt ra tầm nhìn để tạo dựng kỷ nguyên mới. Nhiều nhà lãnh đạo ASEAN cũng bày tỏ hy vọng Hội nghị sẽ đặt ra tầm nhìn mới cho mối quan hệ và tăng cường hơn nữa quan hệ song phương. Hội nghị cũng một lần nữa khẳng định tinh thần “Cơ hội vàng, Tình bạn vàng” với hi vọng rằng thế hệ sau sẽ ghi nhận năm nay là “Cơ hội vàng” để truyền lại “Tình bạn vàng” lâu đời giữa Nhật Bản và ASEAN cho thế hệ sau. Mục tiêu thứ 3 là cùng tạo dựng tương lai thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm giải quyết các thách thức, hiện thực hóa một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tự do và rộng mở. ASEAN có một nền kinh tế đang phát triển và dân số đông, trong khi Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm, và công nghệ. Với sự hợp trác giữa hai bên có thể giúp thể giải quyết được các thách thức kinh tế đang nổi lên cũng như nhiều lĩnh vực khác. Hai bên đều cam kết và có thiện chí hợp tác để thúc đẩy quan hệ song phương với những kết quả cụ thể mang lại lợi ích cho thế hệ mai sau.
PV: Xin Đại sứ cho biết vai trò của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản cũng như các lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong thời gian tới?
ASEAN có vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Trước hết, ASEAN nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng, với sự gần gũi về mặt địa lý. Có tầm quan trọng chiến lược đối với Nhật Bản với tư cách là một quốc gia hàng hải. ASEAN cũng có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Thứ 2, ASEAN là một khu vực kinh tế đang phát triển, bao gồm Việt Nam, là cơ sở cho các công ty sản xuất Nhật Bản. ASEAN cũng là thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn và đang phát triển với dân số 670 triệu người. Thứ 3, ASEAN là trung tâm của các khuôn khổ hợp tác khu vực như cơ chế ASEAN+1, ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Hội nghị cấp cao Đông Á, ADMM+, ARF… Các cơ chế này chứng minh được tính hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức khu vực. Vì vậy đây là một khu vực quan trọng không chỉ với Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia lớn khác như Mỹ, Trung Quốc… Đó là lý do mà Nhật Bản cam kết thúc đẩy hợp tác với ASEAN vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trong khu vực.