Mối quan hệ đặc biệt giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức
VOV.VN -Hai nhà lãnh đạo hai nước hàng đầu EU đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác khăng khít, tốt đẹp và thân thiện trong nhiều năm qua.
Đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ không tham gia tái tranh cử nhiệm kỳ 2. Tuyên bố của ông Hollande sẽ không chỉ có những tác động đối với nước Pháp mà cả đối với châu Âu, đặc biệt là nước Đức, bởi mối quan hệ hợp tác chiến lược mà Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã vun đắp trong nhiều năm qua.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: Reuters |
Vào tháng 10, Tổng thống Pháp Hollande cho ra mắt một cuốn sách mới với nội dung đã khiến nhiều người Pháp vừa bất ngờ, vừa cảm thấy thú vị: Các thẩm phán, người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy và bạn gái của chính ông, tất cả đều không thích hợp với nhiệm vụ được giao, trừ một người. Đảng viên Đảng Xã hội Pháp đã dành những lời ấm áp khi nói về Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông nói rằng đối tác chính trị của ông tại Berlin "không phải là người độc đoán, kiêu ngạo hay xa cách” mà bà "là người nghiêm túc, thông minh và luôn bận tâm để đạt được sự cân bằng”. Cũng không ai điềm tĩnh và bản lĩnh vượt qua sóng gió dư luận giỏi hơn bà Merkel.
Bà Merkel đã từng ủng hộ cựu Tổng thống Pháp Sarkozy
Ông Francois Hollande nhậm chức Tổng thống Pháp vào tháng 5/2012. Khi đó, là người theo Đảng Bảo thủ, bà Angela Merkel đã 6 năm giữ cương vị Thủ tướng Đức và cầm quyền cùng với Đảng Dân chủ Tự do (FDP). Một điều bí mật thú vị tại Berlin được hé lộ là bà Merkel đã từng hy vọng người tiền nhiệm của ông Hollande, đảng viên Đảng Bảo thủ Pháp Nicolas Sarkozy tái đắc cử bốn năm về trước.
Tổng thống Pháp Hollande cũng đã tìm cách để đảo ngược "chính sách khắc khổ” mà người Đức thúc ép trên toàn châu Âu theo một con đường hoàn toàn khác. Ông muốn tạo ít sức ép đối với các nước EU nghèo hơn, chủ yếu ở phía Nam EU nhằm cứu và tái thiết nền kinh tế của các nước này và tăng cường các chương trình đầu tư của chính phủ. Trên thực tế, bà Merkel và ông Hollande đã phối hợp nhịp nhàng, ví dụ trong việc đàm phán với chính phủ Hy Lạp và thúc đẩy một tiến trình cải cách cứng rắn.
Hai vấn đề trọng tâm: Ukraine và các cuộc tấn công khủng bố
Hai vấn đề chính đã đưa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của EU xích lại gần nhau, đó là vai trò của Đức và Pháp trong việc giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraina và phản ứng đối với các cuộc tấn công khủng bố đã diễn ra tại nước Pháp.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ rõ ý định để cho người châu Âu tìm ra một giải pháp có thể cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã đề ra sáng kiến tiếp tục các nỗ lực chính trị và ngoại giao để tái lập hoà bình tại miền Đông Ukraine theo mô hình với tên gọi "Normandy format” với sự tham gia của bốn nước: Đức, Pháp, Nga và Ukraine.
Các cuộc đàm phán giữa bốn nước đã diễn ra trong lần kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của quân Đồng minh tại bãi biển Normandy vào mùa hè năm 2014. Sau đó, Paris và Berlin tiếp tục duy trì mô hình Normandy. Vào tháng 2/2015, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã tìm cách đạt được thoả thuận ngừng bắn (Minsk II). Tuy hoà bình chưa đạt được, song Ngoại trưởng bốn nước vẫn tiếp tục hiểu rõ tầm quan trọng và duy trì kênh thông tin, liên lạc này.
Một hình ảnh có sức lan toả khắp thế giới
Vào tháng 2/2015, một hình ảnh đã được truyền đi khắp toàn cầu: Thủ tướng Đức Merkel có mặt ở Paris và bà ngả đầu vào vai Tổng thống Pháp Hollande để cùng chia sẻ niềm thương tiếc về sự thiệt mạng của các nạn nhân trong các cuộc tấn công khủng bố tại thủ đô Paris vào tháng Giêng năm đó. Trong cuốn sách mới xuất bản của mình, ông Hollande đã chia sẻ sự cảm kích của mình như sau: "Đó là một cử chỉ rất nữ tính và riêng tư song cũng rất rủi ro và có thể dễ dàng bị hiểu nhầm”.
Những bất đồng nhỏ
Sự hợp tác giữa bà Merkel và ông Hollande về cuộc khủng hoảng người nhập cư ít khăng khít hơn. Trong khi Tổng thống Pháp "lắc đầu” với làn sóng người nhập cư, thì Thủ tướng Đức đã có một phát ngôn nổi tiếng "We can do this” (Chúng ta có thể làm được) và tiếp nhận gần một triệu người nhập cư vào Đức trong năm qua.
Tuy nhiên, sự thống nhất giữa hai nhà lãnh đạo quan trọng của EU đã quay trở lại khi cần phải tháo gỡ cuộc khủng hoảng này. Cả hai nhà lãnh đạo tuyên bố châu Âu cần phải hành động như một thể thống nhất thậm chí khi hai tác nhân lớn nhất thúc đẩy chính sách của EU chưa đạt được thành công trong nỗ lực này cho đến nay. Tổng thống Pháp Hollande đã ủng hộ thoả thuận di trú EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Và đồng quan điểm với Thủ tướng Đức Merkel, ông phản đối việc nước Anh rời bỏ EU.
Sử dụng lối xưng hô thân mật
Mối quan hệ hợp tác giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế chủ chốt ở EU đã phát triển tới mức cả hai nhanh chóng thay đổi cách xưng hô bằng thứ tiếng mẹ của mình. Tại một bữa tiệc tối ở Gendarmenmarkt, Berlin vào tháng 1/2015, bà Merkel đã đề nghị ông Hollande gọi mình một cách thân mật là "bà” thay vì gọi một cách trịnh trọng hơn là "Quý bà”. Điều này thực sự không phải là điều đáng ngạc nhiên. Quảng trường Gendarmenmarkt ở thủ đô Berlin vốn nổi tiếng với hai nhà thờ vốn năm đối diện nhau: một nhà thờ Pháp và Neue Kirche, một nhà thờ đặc trưng kiểu Đức. Cho đến nay, bà Merkel và ông Hollande tiếp tục cách xưng hô thân mật này./.