Một năm cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu

Thời hạn 2 năm cho việc giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestine được cho là một mục tiêu không dễ dàng thực hiện, nhất là khi Israel vẫn được điều hành bởi một chính phủ thiên hữu với người đứng đầu là Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Trở thành Thủ tướng Israel bắt đầu từ ngày 31/3/2009, tính đến nay, ông Benjamin Netanyahu đã có một năm điều hành đất nước. Cũng như sự quan tâm dành cho các đời thủ tướng Israel trước đây, dư luận khu vực Trung Đông hiện tập trung vào đánh giá trong một năm qua, ông Netanyahu đã làm được gì cho tiến trình hoà bình Trung Đông.

Thủ tướng Netanyahu lên nắm quyền sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại Israel. Ngay từ trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, dư luận khu vực đã bày tỏ lo ngại cho tiến trình hoà bình Trung Đông nếu như ông Netanyahu giành thắng lợi. Và quả đúng như vậy, Chính phủ mới tại Israel với sự liên minh của đa phần các đảng phái cánh hữu đã cho thấy quan điểm và hành động cứng rắn của họ trong việc giải quyết các vấn đề cơ bản của cuộc xung đột Israel - Palestine.

Sau khi trở thành Thủ tướng Iseael, ông Netanyahu và Nội các đã cho phép xây dựng các khu định cư người Do Thái tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Lý giải trước phản ứng của dư luận quốc tế cho hành động của Israel, ông Netanyahu cho rằng, đó là sự mở rộng các khu định cư theo cách tự nhiên, có nghĩa là mở rộng thêm tại các căn hộ có sự tăng lên tự nhiên về dân số.

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng khu định cư tại Bờ Tây hay vùng phụ cận, Israel còn quyết tâm mở rộng các khu định cư tại Đông Jerusalem - nơi vốn được quốc tế thừa nhận là thủ đô của nhà nước Palestine nếu được thành lập trong tương lai. Đông Jerusalem là mảnh đất có giá trị đặc biệt với người Palestine vì đây không chỉ là vấn đề chủ quyền mà còn là vấn đề tôn giáo, là giá trị tinh thần linh thiêng của người Ả rập Hồi giáo.

Chính vì vậy, dư luận khu vực và người Palestine cho rằng, mặc dù tuyên bố ủng hộ đàm phán hoà bình nhưng Chính phủ Israel không có thái độ nghiêm túc với hoà bình. Suy nghĩ như vậy không phải là không hợp lý khi Palestine cho rằng ngừng hoàn toàn việc xây dựng khu định cư là điều kiện tiên quyết cho đàm phán hoà bình.

Dư luận tưởng rằng Thủ tướng Netanyahu đã xuống nước trước yêu cầu ngừng xây dựng hoàn toàn khu định cư của Tổng thống Mỹ Obama khi đưa ra tuyên bố tạm ngừng trong thời hạn 10 tháng. Nhưng khi người Palestine dưới sức ép của Mỹ và được sự đồng ý của Liên đoàn các nước Ả rập chấp nhận tham gia đàm phán hoà bình gián tiếp thì Israel lại tuyên bố xây dựng thêm 1.600 căn hộ mới tại Jerusalem.

Sự nghiêm trọng của vấn đề còn ở chỗ tuyên bố này được đưa ra ngay khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có mặt tại Israel cũng với một sứ mệnh là thúc đẩy tái khởi động tiến trình hoà bình Trung Đông.

Sau một năm cầm quyền, Thủ tướng Israel mới sang thăm chính thức nước Mỹ, đồng minh chiến lược thân cận nhất. Chuyến đi này được cho là để giải toả mối quan hệ căng thẳng giữa Israel với Mỹ. Cũng không có gì ngạc nhiên, khi ngay từ lúc lên nhậm chức, quan hệ giữa ông Netanyahu với ông Obama vốn không mặn mà gì. Thậm chí, thái độ cứng rắn của Thủ tướng Netanyahu đối với tiến trình hoà bình Trung Đông đã đôi phen làm Mỹ rơi vào tình thế khó xử. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có phải người Mỹ đã bất lực trước Israel do đã quá được nuông chiều.

Rất khó để dự đoán về tiến trình đàm phán hoà bình Trung Đông vào lúc này. Mỹ đã cố gắng tái khởi động tiến trình này bằng đàm phán gián tiếp với vai trò trung gian của mình, nhưng cuộc đàm phán này đã bị chấm dứt ngay từ khi chưa bắt đầu. Hội nghị do Nhóm Bộ tứ Trung Đông (gồm Liên Hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga) họp ngày 19/3 vừa qua đưa ra thời hạn 2 năm cho việc giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Tuy nhiên, theo dư luận khu vực, đây là một mục tiêu không dễ dàng thực hiện, nhất là khi Israel vẫn được điều hành bởi một chính phủ thiên hữu với người đứng đầu là Thủ tướng Benjamin Netanyahu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên