Mưu đồ của phương Tây đối với Nga qua vụ gián điệp hai mang bị đầu độc
VOV.VN - Anh và EU quy kết trách nhiệm cho Nga liên quan đến vụ điệp viên hai mang bị đầu độc, trong khi đó Nga luôn lên tiếng phủ nhận và cảnh báo đáp trả.
Mỹ và EU cam kết đứng về phía Anh
Bất chấp những căng thẳng với Anh liên quan đến vấn đề Brexit, Liên minh Châu Âu (EU) ngày 13/3 khẳng định, khối này luôn ủng hộ quan điểm của Anh sau khi London cho rằng nhiều khả năng Nga đứng đàng sau vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Valdis Dombrovskis bày tỏ quan điểm ủng hộ Anh. Ảnh: Eppgroup. |
Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại về tình hình và những thông tin điều tra của Anh đến thời điểm hiện tại. Tất nhiên, Anh có thể trông cậy vào sự tương trợ của EU liên quan đến vấn đề này”.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May, lên án vụ tấn công. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffen Seibert cho rằng: “Nga cần có trách nhiệm đưa ra câu trả lời để làm rõ những nghi ngờ chính đáng của nước Anh. Đức cũng kêu gọi ngay lập tức báo cáo vấn đề sử dụng vũ khí hóa học lên Tổ chức Cấm vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc”.
Trong khi đó, Mỹ cũng bắt đầu nhảy vào cuộc, dẫu lời lẽ còn chừng mực nhưng cho thấy tín hiệu ủng hộ London. Nhà Trắng đưa tuyên bố nêu rõ “Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Theresa May nhất trí cho rằng chính phủ Nga phải giải thích về việc làm thế náo mà một loại vũ khí hóa học được phát triển tại Nga có thể được sử dụng ở Anh. Hai bên tái khẳng định, việc sử dụng vũ khí hóa học là vi phạm luật lệ quốc tế”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thì khẳng định, liên minh đang hợp tác với chính phủ Anh trong cuộc điều tra vụ đầu độc cha con Sergei Skripal. "Việc sử dụng bất cứ chất độc thần kinh nào đều khủng khiếp và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Anh là đồng minh đáng tin cậy và vụ việc gây quan ngại lớn với NATO. NATO đã liên hệ với giới chức Anh về vấn đề này", Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói thêm.
Trước đó hôm 12/3, Chính phủ Anh đặt ra thời hạn 2 ngày để Nga giải thích về cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh đối với cựu gián điệp Sergei Skripal. Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng "rất có thể" Nga là nước chịu trách nhiệm về vụ việc. Bà cáo buộc cuộc tấn công là một hành động “khiêu chiến” trực tiếp của Nga đối với Anh, hoặc chính phủ Nga đã bất lực trong việc kiểm soát chất độc thần kinh.
Nhà lãnh đạo Anh cũng nhấn mạnh, nếu Nga không có lời giải thích thỏa đáng đến cuối ngày 13/3, Anh sẽ kết luận vụ việc nói trên là một “vụ tấn công trái pháp luật gây ra bởi chính phủ Nga, nhằm chống lại Anh”.
Anh có thể áp dụng những biện pháp gì đối với Nga?
Anh có thể kêu gọi các đồng minh phương Tây phối hợp trong phản ứng đối với Nga, trong đó thuyết phục EU ban hành lệnh trừng phạt nặng nề hơn chống lại Nga. Những biện pháp đưa ra bao gồm đóng băng tài sản của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giới chức Nga, hạn chế việc họ tiếp cận trung tâm tài chính London, trục xuất các nhà ngoại giao Nga tại London về nước.
Bên cạnh đó, Anh cũng có thể cấm các nhà tài phiệt giàu có của Nga tiếp cận tài sản của họ ở London theo lời gợi ý của nghị sĩ Tom Tugendhat. Một kích bản nữa là tẩy chay sự kiện World Cup mà Nga tổ chức vào hè này hay tước giấy phép hoạt động của một số hãng tin lớn của Nga tại Anh, chẳng hạn như RT.
Anh đe dọa trừng phạt Nga liên quan cáo buộc đầu độc cựu điệp viên
Tuy nhiên, bất cứ biện pháp trừng phạt nào cũng có thể gây ra hiệu ứng ngược chiều, không chỉ ảnh hưởng đến Nga mà còn gây tổn hại lợi ích của Anh và EU. Điển hình là vụ việc xảy ra vào năm 2014, EU áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã trả đũa bằng cách thiết lập một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU, hiện vẫn đang có hiệu lực. Các biện pháp trừng phạt đáp trả lẫn nhau này đã khiến xuất khẩu của EU sang thị trường Nga giảm 10,7% tính đến năm 2016.
Nằm trong mưu đồ của Mỹ và phương Tây trước cuộc bầu cử Nga?
Theo giới quan sát, đến thời điểm hiện tại các nhà chính trị phương Tây rất bạo dạn kết tội Nga nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào, thậm chí cả một động cơ hợp lý để gán cho Nga cũng không có. Câu hỏi đặt ra là nếu Nga có lý do gì đó muốn ám sát tay điệp viên cũ của Anh này thì tại sao phải đợi đến giờ, ngay trước thềm bầu cử tổng thống Nga? Phải chăng điều này nằm trong toan tính mở màn cho một chiến dịch tuyên truyền mới chống lại Nga.
Cuộc bầu cử tổng thống Nga vào ngày 18/3/2018 đang tới gần là một trong những nút thắt cực kỳ nhạy cảm trong nền chính trị thế giới. Đây cũng là tâm điểm chú ý của dư luận từ nhiều tháng nay.
Theo hãng tin TASS, việc thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố nhiều khả năng Nga đứng sau vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh được người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Washington nhận định chẳng khác gì chuyện năm 2003 Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell cầm trong tay một chiếc lọ thủy tinh chứa chất bột trắng gì đó và giơ lên trước mặt các quan chức tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và khẳng định như đinh đóng cột rằng "đây là vũ khí hóa học của Iraq".
Các nhà phân tích cho rằng, vụ ám sát cựu điệp viên Sergei Skripal mà phương Tây đưa ra nhằm đánh lạc hướng dư luận và gây ảnh hưởng đến các nhà chính trị Nga. Tuy nhiên, cáo buộc mà không có chứng cứ xác thực giống như một màn kịch “vụng về” và “khó tin tưởng”.
Nga phản ứng quyết liệt
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh những cáo cuộc của Anh rằng Nga dính líu tới vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal bị đầu độc tại Anh mang tính chất khiêu khích và nhằm mục đích hủy hoại lòng tin vào Nga với tư cách là nước chủ nhà World Cup 2018.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ cáo buộc của Anh. Ảnh: Vestnik. |
Bộ này tuyên bố, Anh phải hiểu rằng việc đe dọa áp đặt trừng phạt đối với Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên Sergey Skripal bị đầu độc sẽ bị đáp trả thích đáng. Bên cạnh đó, Nga sẽ không cho phép bất cứ cơ quan truyền thông nào của Anh được phép hoạt động tại Nga nếu Anh đóng cửa hãng tin RT ở nước này liên quan đến vụ cựu điệp viên bị đầu độc.
Trong thông báo đăng tải trên trang mạng Twitter, Đại sứ quán Nga tại London cho biết, Nga lấy làm quan ngại về những tuyên bố của các nghị sỹ trong Quốc hội Anh về khả năng thực hiện cuộc tấn công mạng vào Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang bị đầu độc.
Đại sứ quán Nga yêu cầu lời giải thích chính thức từ Văn phòng Ngoại giao Anh. Nga lo ngại không chỉ bởi những cáo buộc vô căn cứ đối với Nga mà còn bởi những kế hoạch Anh đang chuẩn bị đưa ra đối phó với Nga. Chúng tôi một lần nữa đề nghị Anh xem xét hậu quả của những hành động “vô trách nhiệm” này”.
Tổng thống Putin đã có tuyên bố đáp trả các cáo buộc trên: "Hãy đi đến cùng vấn đề đó, rồi chúng ta sẽ thảo luận về nó". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói “Đây là một màn kịch tại quốc hội Anh. Kết luận đã rõ ràng: một chiến dịch thông tin-chính trị mới dựa trên sự khiêu khích".
Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng Anh sẽ vận động các đồng minh tẩy chay tập thể World Cup 2018 do các cáo buộc nói trên./.