Mỹ củng cố nền tảng quan hệ với Ai Cập: Tại sao lại vào lúc này?
VOV.VN- Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, quan hệ song phương Mỹ- Ai Cập đang trở lại “nền tảng vững mạnh”.
Tuyên bố của ông Kerry cho thấy vai trò của Ai Cập đối với Mỹ trong cấu trúc bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry phát biểu tại Ai Cập (Ảnh AFP) |
Quan hệ Mỹ và Ai Cập trở nên nguội lạnh sau khi cựu Tổng thống dân cử đầu tiên của nước này Mohamed Morsi bị quân đội truất quyền 2 năm trước.
Kể từ đó, Mỹ liên tiếp bày tỏ sự không hài lòng với việc cựu Thống chế Abdel Fatah al-Sisi, nay là Tổng thống Ai Cập, thúc đẩy xét xử chóng vánh hàng loạt thành viên Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận Ai Cập vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực nên chính quyền của Tổng thống Barack Obama luôn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Trong tình cảnh bất ổn bủa vây Trung Đông và Bắc Phi khi xung đột leo thang ở Syria, Iraq, Yemen và Libya như hiện nay, Mỹ càng phải củng cố “nền tảng vững mạnh” của mình ở Ai Cập như tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry đưa ra trong cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên giữa 2 nước kể từ năm 2009 đến nay. Nền tảng đó có lẽ dựa trên 2 trụ cột chính là thương mại và hợp tác chống khủng bố.
Về kinh tế, Ngoại trưởng Mỹ Kerry hoan nghênh những biện pháp mà Tổng thống al-Sisi đã tiến hành để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư và ổn định tài chính cũng như cải thiện môi trường kinh doanh.
Bộ ngoại giao Mỹ ước tính, các doanh nghiệp nước này chiếm đến 1/5 tổng đầu tư nước ngoài vào Ai Cập trong năm ngoái, đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry cho rằng, Ai Cập còn rất nhiều việc phải làm, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng giúp đỡ và tin tưởng quốc gia rộng lớn nhất trong thế giới Arab có thể khôi phục được tốc độ phát triển 7% một năm như trước khi bất ổn bùng phát năm 2011.
Về cuộc chiến chống khủng bố, Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ Tổng thống al-Sisi trong cuộc chiến chống lại các nhóm cực đoan đã tiến hành các vụ tấn công trên khắp đất nước này những tháng gần đây, trong đó có các tay súng tuyên bố là chân rết của phiến quân IS trên bán đảo Sinai.
Hồi đầu năm nay, Mỹ đã dỡ bỏ phong tỏa vũ khí đối với Ai Cập và tuần trước, chính quyền của Tổng thống Obama đã chuyển giao cho Ai-cập 8 máy bay chiến đấu F-16.
Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết rằng, chống khủng bố đòi hỏi chiến lược dài hạn. An ninh biên giới và các hành động thực thi pháp luật là một phần của phương trình này nhưng điều cấp bách hơn là phải thuyết phục và ngăn chặn những người trẻ tuổi trở thành khủng bố. Nếu không, dù chúng ta xét xử bao nhiêu tên khủng bố đi chăng nữa thì những tổ chức đó vẫn phát triển và chúng ta sẽ không được an toàn”.
Đây được coi là lời “nhắc khéo” Ai Cập không nên tiếp tục mạnh tay với Tổ chức Anh em Hồi giáo bị chính quyền của Tổng thống al-Sisi coi là một nhóm khủng bố kể từ năm 2013.
Mỹ cho rằng, hành động của chính phủ Ai Cập chỉ khiến tổ chức Anh em Hồi giáo vốn có lịch sử lâu đời tại quốc gia Bắc Phi này bị dồn đến đường cùng và trở nên cực đoan. Bên cạnh đó, Ông Kerry cũng không quên đề cập tiến trình chuyển giao dân chủ của quốc gia Bắc Phi này.
“Ông Shukri (Ngoại trưởng Ai Cập) và tôi đã nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội “tự do, công bằng và minh bạch” vào cuối năm nay sau một thời gian dài bị trì hoãn. Theo như tôi được biết, Ai Cập đang chọn một ngày thích hợp vào đầu mùa thu này. Chúng tôi rất mong chờ điều đó vì đây là một phần của lộ trình hướng tới dân chủ và chúng tôi chắc chắn rằng nó sẽ mở cánh cửa cho tất cả những chính trị gia yêu hòa bình”, ông Kerry tuyên bố.
Những lời nhắc nhở đó cho thấy, những căng thẳng và bất đồng sâu sắc khó che dấu giữa Mỹ và Ai Cập liên quan đến vai trò chính trị của cộng đồng người Hồi giáo ở quốc gia rộng lớn nhất thế giới Arab.
Ngay trong buổi họp báo chung với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukri đã thẳng thắn tuyên bố, nước này sẽ không chấm dứt chiến dịch truy quét khủng bố, cụ thể là tổ chức Anh em Hồi giáo.
Ông Shukri cũng nhắc nhở ngược lại Ngoại trưởng Mỹ rằng:“Chúng tôi tin rằng chính phủ Mỹ cũng ý thức được vai trò của Ai Cập như là một cường quốc trong thế giới Arab, nước đóng vai trò chiến lược ở châu Phi và đối với các nước Hồi giáo xung quanh. Tình hình chính trị hiện nay ở Trung Đông chứng tỏ rằng Ai Cập tiếp tục đóng vai trò then chốt trong duy trì ổn định ở khu vực và không có nước nào có thể thay thế”.
Kết thúc chuyến thăm Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ Kerry ngày 3/8 đã gặp những người đồng cấp từ các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh để trấn an các đồng minh trong thế giới Arab về thỏa thuận hạt nhân lâu dài giữa Iran và nhóm P5 +1 hồi tháng trước cũng như thảo luận về cuộc chiến chống phiến quân IS.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Kerry cũng có cuộc gặp 3 bên với 2 người đồng cấp Nga và Saudi Arabia tối cùng ngày. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang có chuyến thăm Qatar để thảo luận về quan hệ song phương cũng như hòa bình cho Syria, Yemen, Libya, cuộc chiến chống phiến quân IS tự xưng và ổn định của khu vực vịnh Persia./.