Mỹ đang tính toán chiến thuật thế nào trong vấn đề Iran?
VOV.VN - Theo giới phân tích, việc Mỹ vẫn duy trì việc tạm ngưng các lệnh trừng phạt Iran bước đi có tính toán chiến thuật của chính quyền Tổng thống Trump.
Trong một tuyên bố được xem là câu trả lời rõ ràng nhất cho tối hậu thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chính phủ Iran ngày 13/1 một lần nữa khẳng định, nước này bác bỏ mọi sửa đổi đối với thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc phương Tây năm 2015.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: huffingtonpost.
Lập trường này cũng nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên tham gia thoả thuận, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không thực hiện bất kỳ bước đi nào vượt ra khỏi những cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân, đồng thời nhắc lại, nước này từ chối đàm phán lại văn kiện, kể cả trong thời điểm hiện nay và trong tương lai, cũng như tuyệt đối không cho phép gắn thỏa thuận hạt nhân với bất kỳ vấn đề nào khác.
Đặc biệt, trong thông cáo của mình, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố sẽ trả đũa lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Bộ trưởng Tư pháp Sadegh Larijani. Theo Bộ Ngoại giao Iran, thái độ thù địch của Mỹ đối với ông Larijani đã vượt qua tất cả các giới hạn đỏ về cách hành xử trong cộng đồng quốc tế, vi phạm luật pháp quốc tế và "chắc chắn sẽ bị Iran đáp trả bằng biện pháp thích đáng”.
Trước đó, hôm 12/1, ngay sau tối hậu thư của người đứng đầu nước Mỹ, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cáo buộc Tổng thống Trump đang tìm cách “trong vô vọng” để phá hoại thỏa thuận hạt nhân.
Lập trường của Iran nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên tham gia đàm phán gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, ngoại trừ Mỹ. Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, Federica Mogherini, Liên minh châu Âu vẫn cam kết ủng hộ việc thực thi đầy đủ và toàn diện văn kiện.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì và bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như sự cần thiết tất cả các bên phải tôn trọng cam kết của mình. Tối hậu thư nhằm vào Iran - Thách thức ngoại giao của Tổng thống Mỹ
Đây được xem là câu trả lời cho tối hậu thư của của Tổng thống Trump dành cho các đồng minh châu Âu, đó là nếu không muốn Mỹ rút khỏi hoàn toàn, thì châu Âu phải hợp tác để thắt chặt các điều khoản trong văn kiện.
Các nhà phân tích cho rằng, khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ là chuyện “một sớm một chiều”. Tối hậu thư mới đây, hay việc nước này tới nay vẫn duy trì việc tạm ngưng các lệnh trừng phạt chỉ là một bước đi chiến thuật để không làm mất đi hình ảnh nước Mỹ, cũng như nhằm đá quả bóng sang sân Iran.
Ông Reza Marashi, một chuyên gia phân tích về quan hệ Mỹ- Iran cho biết: “Lý do duy nhất khiến chính quyền Tổng thống Trump vẫn ở lại thỏa thuận hạt nhân vì ngoại trừ Israel và Saudi Arabia ủng hộ, nếu rút khỏi văn kiện, thì ông ấy sẽ bị cô lập trong vấn đề này. Vì thế, lãnh đạo Mỹ đang cố gắng duy trì thỏa thuận trong một thời gian đủ dài, mà vẫn đảm bảo Iran không được hưởng các lợi ích kinh tế, để có thể đổ lỗi cho Iran về sự thất bại của thỏa thuận, chứ không phải là Mỹ”.
Tại cuộc họp ở Brussels hôm 11/1, tức là chỉ 1 ngày trước khi Tổng thống Mỹ Trump ra tuyên bố về vấn đề hạt nhân Iran, các nước châu Âu đã tái khẳng định sự đoàn kết quanh thỏa thuận tại Vienna (Áo), kêu gọi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế thường xuyên xác nhận sự tôn trọng cam kết của Iran.
Trong khi đó, Nga, một đồng minh của Iran cho rằng, nếu rút ra khỏi thỏa thuận lịch sử này, thì đây sẽ là một “một tính toán rất sai lầm” của Mỹ./. Tối hậu thư của Mỹ - Cái cớ buộc Iran tự xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân?