Mỹ giảm quân số đóng ở Okinawa: Vì sao?

Theo giới phân tích quốc tế, đây là động thái nhằm điều chỉnh thế bố trí chiến lược quân sự trong chiến lược quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.

Theo BBC News, mới đây, Liên Bộ Ngoại giao - Quốc phòng Nhật Bản và Mỹ đã công bố thỏa thuận điều chuyển quân Mỹ đóng ở căn cứ quân sự trên đảo Okinawa (Nhật Bản).

Theo đó, 9.000 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ rời khỏi Nhật Bản đến đồn trú tại đảo Guam, Hawaii, Australia hoặc Philippines… Quân số Mỹ tại đây chỉ còn lại khoảng 10.000 người.

Giảm áp lực cho chính phủ Nhật Bản

Căn cứ Futenma tại Okinawa (ảnh: Internet)

Theo thỏa thuận ký năm 2006, Nhật có trách nhiệm tìm địa điểm khác để thuyên chuyển căn cứ quân sự Mỹ đến nơi khác. Hai bên đang cân nhắc khả năng chuyển căn cứ này tới bên bờ Camp - Schwab, ở phía bắc đảo Nada.

Tháng 5/2010, Nhật và Mỹ đã thống nhất về việc di chuyên căn cứ Futenma từ gần thành phố Ginowan tới khu vực nghỉ mát Henoko (thưa dân cư hơn). Tuy nhiên, thỏa thuận chính thức vẫn chưa được hai bên ký kết.

Mỹ và Nhật thường xuyên thay đổi căn cứ không quân lớn đóng tại nước này. Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ định xây dựng một hòn đảo nhân tạo gần Okinawa để tái biên chế quân số, thuộc thành phố Nago, nhưng sau đó kế hoạch này lại được chuyển tới địa điểm gần đảo Tokunosima.

Lần này, quyết định rời chuyển quân đội Mỹ ở Okinawa đi nơi khác vừa được công bố, ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của các thành viên trong nội các Nhật Bản. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Koichiro Gemba nói: “Nội dung của thỏa thuận trên mang tính chiến lược nhằm đối phó với môi trường hòa bình và an ninh vốn đầy bất ổn và biến động hiện nay, đồng thời kế hoạch mới này giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân trên đảo Okinawa. Chúng tôi rất lạc quan về thỏa thuận này”.

Như vậy, Tokyo và Washington đã đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi kế hoạch tái bố trí lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản. Việc binh sĩ Mỹ đóng trên đảo Okinawa với số lượng lớn, vẫn khiến cư dân hòn đảo này phản đối rằng họ đã gây tiếng ồn, ô nhiễm, tội phạm và gây áp lực lên chính phủ Nhật Bản phải yêu cầu Mỹ chuyển số quân này đi nơi khác.

Tuy nhiên, cũng theo thỏa thuận vừa đạt được, Mỹ sẽ vẫn duy trì khoảng 10.000 lính thủy đánh bộ và một lực lượng không quân đáng kể tại Okinawa, cứ điểm quân sự trọng yếu đối với Washington tại khu vực Đông Bắc Á.

Điều chỉnh thế bố trí chiến lược quân sự

Giới phân tích quân sự cho rằng kế hoạch điều chuyển quân đội lần này còn thể hiện rõ mục đích điều chỉnh thế bố trí chiến lược quân sự mới của Mỹ. Đó là việc Washington muốn nâng cao năng lực tác chiến tại đảo Guam, với tham vọng biến nơi đây thành căn cứ chiến lược vững chắc của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đó, ngày 4/4, 200 lính đầu tiên trong số 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ cũng đã đổ xuống cảng Darwin (Australia), nhằm khẳng định quyết tâm của Washington có thêm sự hiện diện quân sự ở khu vực chiến lược nhạy cảm này.

Số lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ được triển khai theo kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng đã được hai nước thỏa thuận trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Australia hồi tháng 11/2011.

Darwin cách eo biển Malaca khoảng 3.000km, cách Hải Khẩu, Hải Nam (Trung Quốc) 4.200km, cách Indonesia chỉ vài trăm km. Từ đây có thể mở đường biển tiến thẳng tới Đông Á và Ấn Độ Dương, nếu hai khu vực này xảy ra biến cố, quân Mỹ có thể thực hiện can dự một cách nhanh chóng.

Trong tương lai gần khi quân đồn trú của Mỹ tại Darwin tăng từ 200 lên thành 2.500 quân, Darwin sẽ được nâng cấp lên thành căn cứ quân sự rất mạnh. Mặc dù so với số quân đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, số quân Mỹ đóng lại Australia là rất nhỏ, nhưng ý nghĩa lại rất lớn, vì đây là điểm nhấn khẳng định rõ vai trò cân bằng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các cường quốc trong khu vực.

Mặt khác, Darwin cũng cách biển Đông rất gần (2.500km), điểm đóng quân này sẽ giúp cho quân Mỹ rút ngắn thời gian can dự vào biển Đông. Nếu đặt Trung tâm chỉ huy tác chiến nhất thể hoá hải - không quân tại Darwin, thì máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ tại Darwin hoàn toàn có thể vươn tới biển Đông. Do đó toàn bộ Đông Nam Á sẽ có thể nằm trong phạm vi kiểm soát của Mỹ.

Tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực

Cùng với việc chuyển quân đến Australia và kế hoạch gửi tàu chiến đến đóng tại cảng Singapore, việc Mỹ đưa máy bay trinh sát biển đến Philippines và Thái Lan cho dù không tuyên bố là đe doạ ai, nhưng là tín hiệu cảnh báo và kiềm chế các nước lớn trong khu vực là tương đối rõ.

 Việc Mỹ muốn xây dựng cảng Darwin thành trung tâm “Nhất thể hoá tác chiến hải - không quân” chính là nhằm vào khu vực, đồng thời trực tiếp tạo những tiền đề dưới danh nghĩa bảo đảm an ninh trên tuyến vận chuyển hàng hóa đi qua khu vực...

Như vậy, những động thái điều chỉnh lực lượng quân sự tại Okinawa theo thỏa thuận Mỹ - Nhật ngày 26/4 và thỏa thuận Mỹ - Australia trước đó (4/4) là nằm trong kế hoạch triển khai chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương, trước hết là khẳng định sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các vùng biển mà họ cho là có lợi ích.

Biển Đông được coi là đường hàng hải quan trọng trong chiến lược biển của Mỹ, việc điều chuyển quân đội thực chất nhằm duy trì quyền năng “kiểm soát các vùng biển khu vực”. Vì thế, Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích này, người Mỹ khó có thể từ bỏ tham vọng “lãnh đạo thế giới”.

Những động thái của Mỹ còn cho thấy Mỹ đã xác định được trọng điểm trong thế trận hải - không quân và triển khai quan điểm tác chiến mới “Nhất thể hoá hải - không quân” được coi là biện pháp mới nhất nhằm vào sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng của các nước lớn trong khu vực.

Mặt khác, để bù đắp cho những thiếu hụt do hạn chế ngân sách quốc phòng, Mỹ còn di chuyển các hạm đội từ Đại Tây Dương về Thái Bình Dương. Khoảng 60% lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân đã được di chuyển về hạm đội Thái Bình Dương, đảm nhiệm việc tác chiến trên hai đại dương chiến lược mà Mỹ đã lựa chọn, và đó mới chỉ là sự bổ sung bước đầu cho lực lượng Hải quân tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Như vậy, với các đơn vị Thủy quân lục chiến, Hải quân, không quân Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại sẽ đóng quân dọc theo quần đảo Okinawa, Ryukyu (Nhật Bản) với Guam, Hawaii và bờ biển phía Tây nước Mỹ, tạo nên thế trận liên hoàn bảo đảm cho Mỹ thực hiện có hiệu quả chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, việc điều chuyển lực lượng quân sự của Mỹ ra khỏi Okinawa là nằm trong tiến độ triển khai chiến lược quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Trong tương lại gần, Mỹ sẽ còn có những động thái điều chuyển tương tự như vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên