Mỹ không bỏ qua Biển Đông dù cần Trung Quốc để xử lý vấn đề Triều Tiên
VOV.VN - Mặc dù Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa ở Biển Đông.
Reuters ngày 3/6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, Mỹ đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc thời gian qua trong việc kiềm chế Triều Tiên nhưng không vì thế mà Washington chấp nhận việc Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2017. (Ảnh: Reuters)
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tại Đối thoại Shangri-La 2017 phản ánh rõ nét cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đó là hợp tác với Trung Quốc để ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trong khi vẫn tìm cách đối phó với các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vấn đề Triều Tiên vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua tích cực kêu gọi sự hợp tác của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để kiềm chế Triều Tiên, điều này dù muốn hay không cũng đã làm gia tăng mối quan ngại của các đồng minh Mỹ ở châu Á rằng Washington có thể cho phép Bắc Kinh được tự do hơn ở những nơi khác trong khu vực.
Phát biểu tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, mối đe dọa từ Triều Tiên là “rõ ràng và hiện hữu” và rằng Bình Nhưỡng hiện đang “tăng tốc” chương trình hạt nhân đầy tham vọng của họ.
Chính quyền Mỹ cho đến nay vẫn “đau đầu” tìm cách làm chậm lại chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên – vấn đề vốn đã trở thành ưu tiên hàng đầu về an ninh kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố tiếp tục phát triển một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm bắn vươn được tới lãnh thổ Mỹ.
Nhắc lại những tuyên bố trước đó của Tổng thống Trump về nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiềm chế nước láng giềng Triều Tiên, ông Mattis nói: “Chính quyền Mỹ hoan nghênh việc Trung Quốc tiếp tục cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Cuối cùng, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ nhận ra rằng Triều Tiên là một gánh nặng chiến lược chứ không phải là một tài sản quý”.
Ông Mattis cũng nói thêm, Mỹ sẽ cùng hợp tác với các nước khác trong khu vực để gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế nhằm vào Triều Tiên. Liên Hợp Quốc mở rộng danh sách trừng phạt Triều Tiên
Trước đó, hôm qua (2/6), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu công khai về nghị quyết do Mỹ soạn thảo, theo đó mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để phản ứng trước các vụ thử tên lửa liên tiếp của nước này.
Kết quả là toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt để bổ sung 18 cá nhân và thực thể của Triều Tiên vào "danh sách đen" của Liên Hợp Quốc.
Trong số 14 cá nhân bị bổ sung vào danh sách đen có ông Cho Il-U, người được cho là phụ trách các hoạt động tình báo của Bình Nhưỡng ở nước ngoài. 13 cá nhân còn lại gồm các quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên và những người đứng đầu những công ty mậu dịch có nhiệm vụ đảm bảo việc thu mua nguyên liệu cho các chương trình quân sự của Bình Nhưỡng. Bốn thực thể bao gồm ngân hàng Koryo, Lực lượng tên lửa chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên và 2 công ty mậu dịch.
Ở một hướng gia tăng áp lực khác, hai tàu sân bay của Mỹ đã cùng với lực lượng Hải quân và Không quân Nhật Bản bắt đầu một cuộc tập trận kéo dài 3 ngày ở khu vực biển gần Bán đảo Triều Tiên từ hôm 1/6.
Mỹ sẽ không “buông” Biển Đông
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hôm 20/1 với khẩu hiệu nổi tiếng “Nước Mỹ trên hết”, điều này khiến đồng minh của Washington trên khắp thế giới không khỏi lo lắng về cam kết của Mỹ khi ông Trump tập trung vào chương trình nghị sự trong nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã tìm cách trấn an những lo lắng này của các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La khi nói khu vực này vẫn là ưu tiên của Mỹ. Tuy nhiên, ông Mattis không quên nói thêm rằng các nước phải có những “đóng góp đầy đủ cho an ninh của chính họ”. Mỹ khẳng định “cam kết không rời” với châu Á – Thái Bình Dương
Theo ông Mattis, Mỹ hoan nghênh sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và đã lường trước được những “va chạm” có thể phát sinh giữa hai nước.
“Khi có sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mâu thuẫn là không thể tranh khỏi”, ông Mattis nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói thêm, mặc dù Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng không chấp nhận việc Trung Quốc đưa vũ khí và những trang thiết bị quân sự khác lên các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi lấp trái phép ở Biển Đông.
“Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa những hòn đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải quá mức. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những nỗ lực đơn phương, cưỡng ép, thay đổi hiện trạng trong khu vực”, ông Mattis nhấn mạnh.
Ông Mattis khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục làm việc để duy trì hòa bình, thịnh vượng và tự do tại châu Á với sự tôn trọng dành cho mọi quốc gia tuân thủ luật pháp.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: “Chúng tôi có cam kết sâu sắc và vĩnh cửu về việc củng cố trật quốc tế dựa trên luật pháp. Tôn trọng luật quốc tế và tự do hàng hải, hàng không xuyên biên giới - những điều này làm nên sự ổn định, xây dựng lòng tin, an ninh và thịnh vượng”.
“Không nước nào là một hòn đảo tách biệt với những nước khác, chúng ta sẽ cùng nhau đẩy lùi các thách thức an ninh”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh./.