Mỹ-Nga sẽ xích lại gần nhau sau thảm họa Boston
(VOV) - Giới quan sát cho rằng sau vụ hợp tác điều tra nghi phạm đánh bom Boston, quan hệ Nga-Mỹ sẽ được cải thiện.
Hơn một thập kỷ sau khi Nga chủ động muốn sát cánh bên Mỹ sau vụ tấn công khủng bố 11/9, mối quan hệ song phương giữa 2 cường quốc về quân sự đang có cơ hội được cải thiện hơn khi hai bên tiếp tục hợp tác điều tra các nghi phạm vụ đánh bom Giải Marathon Boston - 2 anh em ruột nhà Tsarnaev có mối liên hệ với khu vực đầy bất ổn Bắc Caucasus, Nga.
Nhiều tín hiệu cho thấy quan hệ Nga-Mỹ sẽ bớt "lạnh nhạt" sau khi hợp tác điều tra nghi phạm đánh bom Boston |
Angela Stent, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Nga, châu Âu và Đông Âu thuộc trường Đại học Georgetown, Mỹ trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn RIA Novosti cho rằng những kinh nghiệm từ các vụ điều tra phần tử Hồi giáo cực đoan ở Bắc Caucasus chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội khôi phục hợp tác chống khủng bố giữa Nga-Mỹ.
Sau khi Mỹ xác định được hai nghi can gây ra vụ đánh bom, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị hợp tác điều tra nghi phạm và nhận được sự hợp tác nhiệt tình từ phía Nga. Trước đó, Tổng thống Putin, Thủ tướng Medvedev đã gửi điện thăm hỏi tới Mỹ ngay sau khi xảy ra vụ đánh bom, đồng thời khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ trong công tác điều tra.
Theo thông tin từ phía Nga, trước khi chuyển đến Mỹ 10 năm trước, 2 anh em Tamerlan và Dzhokhar Tsarnaev cùng gia đình từng sống ở Dagestan - nước cộng hòa nằm ở Bắc Caucasus của Nga. Bản thân Dzhokhar bị nghi có một số mối liên hệ với các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Chechnya. Những thông tin quan trọng do Chính phủ liên bang Nga và chính quyền Chechnya cung cấp có giá trị rất lớn đối với đặc vụ Mỹ trong quá trình đi tìm động cơ gây án của các nghi can.
Giới quan sát cho rằng, việc tìm hiểu tại sao hai nghi can này lại có những hành động cực đoan như vậy không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Washington mà với cả Moscow. Qua vụ đánh bom này, Mỹ sẽ phải tìm cách ngăn chặn những vụ tấn công tương tự trong tương lai. Còn Nga, vốn từ lâu đã phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố ở những vùng lãnh thổ phía Nam, cũng phải dè chừng, bởi những phần tử bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan giống như 2 nghi can này rất có thể sẽ quay trở lại Nga để tiến hành những vụ tấn công tương tự.
Một nhà nghiên cứu Nga tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Andrew Kuchins cho rằng “sau vụ việc lần này, Nga-Mỹ sẽ buộc phải xem xét lại công tác chia sẻ thông tin tình báo”.
Tuy nhiên, theo Simon Saradzhyan, một chuyên gia về an ninh và chính trị của Nga tại Trung tâm các vấn đề khoa học và quốc tế Belfer, Đại học Harvard, chính quyền Nga đã từng cảnh báo Mỹ về khả năng Tamerlan Tsarnaev có liên quan tới nhóm Hồi giáo cực đoan ở Chechnya. Nhưng “sự thiếu tin cậy giữa hai nước đã dẫn tới hậu quả chết người” Simon Saradzhyan nói.
“Mặc dù trên thực tế, báo cáo của Nga không hề cho thấy một sự thiếu tin tưởng. Nhưng khi đã không có niềm tin, người ta khó có thể xây dựng một mối quan hệ lâu dài mà không phải nghi ngờ lẫn nhau”, Saradzhyan phân tích thêm.
Fiona Hill, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings, Mỹ cho rằng, sự nghi ngờ khiến Mỹ “khó có thể tin tưởng vào các phương pháp đối phó với quân nổi dậy ở Bắc Caucasus của Moscow".
Còn nhớ, sau vụ đánh bom khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, Tổng thống Nga Putin là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi tới Nhà Trắng để chia sẻ những mất mát với người dân Mỹ. Bản thân ông Putin cũng đã có nhiều việc làm thúc đẩy hỗ trợ hoạt động chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan. Những hành động của ông Putin - đại diện cho lãnh đạo Nga đã cho thấy những nỗ lực muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ.
Sau sự kiện 11/9, dư luận thế giới từng kỳ vọng quan hệ Nga-Mỹ sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, trong suốt 2 nhiệm kỳ của Tổng thống G.Bush (2001-2009), quan hệ Nga-Mỹ vẫn không thoát khỏi tình trạng “lạnh nhạt”. Nga - Mỹ đã có sự bất đồng sau một loạt sự kiện, trong đó Mỹ đóng vai trò chủ đạo: đó là khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh ở Iraq và lên kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu; hay Mỹ cùng với phương Tây ủng hộ chính sách hướng Đông của NATO, kết nạp thêm thành viên từ nhiều nước Đông Âu; ủng hộ các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine và Gruzia đòi độc lập.
Mối quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất vào năm 2008 sau một động thái có thể coi là làm mất mặt Mỹ, khi quân đội Nga đè bẹp quân đội Gruzia, một đồng minh của Mỹ trong một cuộc chiến ngắn ngày nhằm bảo vệ khu vực ly khai Nam Ossetia đã được Nga và một số quốc gia khác công nhận.
Cái gọi là "thiết lập lại" chính sách của Tổng thống Obama với Moscow tuy được đảm bảo bằng các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí và chống khủng bố, nhưng mối quan hệ Nga-Mỹ vẫn còn nhiều vùng tối sau các cáo buộc lẫn nhau về vi phạm nhân quyền và can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của nhau.
Tuy nhiên, theo Angela Stent, nếu Nga-Mỹ có thể tiếp cận cách thức hợp tác chống khủng bố mới với những đánh giá thực tế hơn có thể giúp cải thiện quan hệ song phương.
Chuyến thăm mới đây của cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, Tom Donilon đến Moscow để thảo luận về các vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa, kiểm soát vũ khí, kể cả thảm kịch ở Boston có thể hiểu là một tín hiệu cho thấy Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga. Đặc biệt, cuộc họp cấp cao giữa 2 nhà lãnh đạo cao cấp Nga-Mỹ dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay cũng sẽ là một tín hiệu lạc quan nữa về triển vọng cải thiện quan hệ Moscow-Washington./.