Mỹ siết đòn trừng phạt, kiềm tỏa “tứ bề” với Tổng thống Syria
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua (17/6) thông báo Tổng thống Assad và vợ ông sẽ nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang đối mặt với một loạt thách thức to lớn, trong đó có nguy cơ sụp đổ nền kinh tế, làn sóng trừng phạt mới khắc nghiệt hơn của Mỹ và những mâu thuẫn gia tăng trong nội bộ, đe dọa làm suy yếu quyền lực của ông.
Người Syria phải di tản do chiến tranh. Ảnh: Anadolu. |
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Syria đã có hiệu lực vào hôm qua (17/6), nhằm vào bất cứ ai tài trợ cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad hoặc hỗ trợ cho các ngành công nghiệp quan trọng tại những vùng lãnh thổ do chính phủ kiểm soát. Các biện pháp này nằm trong Đạo luật Bảo vệ công dân Syria Caesar, được Tổng thống Donald Trump ký tháng 12/2019, đã được Quốc hội Mỹ thông qua.
Ai là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt mới?
Đạo luật Bảo vệ công dân Syria Caesar áp đặt các biện pháp trừng phạt với bất cứ ai cung cấp sự hỗ trợ đáng kể hoặc tham gia giao dịch với chính phủ Syria hoặc các tổ chức hay cá nhân nào nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria.
Đạo luật này tập trung vào 3 lĩnh vực chính: quân sự, ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Syria cũng như việc tái thiết các khu vực do chính phủ kiểm soát. Chẳng hạn trong lĩnh vực quân sự, Đạo luật Caesar trừng phạt bất cứ ai bán hoặc cung cấp máy bay cho quân đội Syria, hoặc giúp vận hành vũ khí. Biện pháp trừng phạt được áp dụng cho cả công dân Syria và người nước ngoài. Trong bối cảnh xung đột tại Syria tiếp diễn, điều đó đồng nghĩa với việc người Nga và người Iran liên minh với chính quyền Tổng thống Assad có thể là mục tiêu.
Đạo luật Caesar cũng kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ xem xét liệu Ngân hàng Trung ương Syria có phải là “tổ chức tài chính chuyên về hoạt động rửa tiền” hay không, đồng thời yêu cầu áp đặt biện pháp trừng phạt mới đối với một danh sách dài các cá nhân bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua (17/6) thông báo Tổng thống Assad và Đệ nhất phu nhân Asma al-Assad sẽ chịu lệnh trừng phạt. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa bà Asma al-Assad vào danh sách này.
Ông Maher al-Assad, em trai Tổng thống –chỉ huy Sư đoàn tinh nhuệ số 4 và lực lượng vệ binh Cộng hòa của Syria cùng chị gái ông là Bushra al-Assad hiện đang cư trú ở nước ngoài và các thành viên khác trong gia đình ông cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
“Bất cứ ai giao dịch làm ăn với chính quyền ông Assad, bất kể họ ở nơi nào trên thế giới, đều có khả năng bị hạn chế đi lại và trừng phạt về tài chính”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Mục đích của biện pháp trừng phạt
Phía Mỹ cho biết, Đạo luật Caesar nhằm mục đích gây sức ép về kinh tế và chính trị đối với chính phủ Syria “buộc chính quyền Tổng thống Assad phải chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp để thành lập một chính phủ mới tại Syria tôn trọng luật pháp, nhân quyền và chung sống hòa bình với các nước láng giềng”.
Mặc dù Tổng thống Assad, dưới sự hỗ trợ của đồng minh Nga và Iran đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ do phe đối lập chiếm giữ, nhưng ông đang đối mặt với thách thức lớn về kinh tế khi nhiều khu vực tại Syria đã bị phá hủy trong cuộc nội chiến kéo dài 9 năm. Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ không đóng góp cho việc tái thiết Syria nếu ông Assad không từ bỏ quyền lực.
“Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ mở rộng sang nhiều lĩnh vực của Syria, nhưng cũng nhắm vào các quốc gia và những doanh nghiệp khác đang tìm cách làm ăn với chính phủ Syria. Những biện pháp này nhằm thắt chặt vòng kiềm tỏa về kinh tế đối với Syria”, Julien Barnes-Dacey, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), nói với Al Jazeera.
Ông Zaki Mehchy, người đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu chính sách Syria cho biết, biện pháp trừng phạt mới của Mỹ cũng gửi đi thông điệp ngầm:
“Đạo luật nói trên là thông điệp trực tiếp nhắm vào các đồng minh của chính phủ Syria và là thông điệp gián tiếp với các nước vùng Vịnh cùng một số quốc gia châu Âu đang cố gắng bình thường hóa quan hệ với Tổng thống Assad”.
Mâu thuẫn gia tộc làm lung lay “trụ cột” ủng hộ Tổng thống Syria Assad
“Con dao 2 lưỡi”
Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Syria kể từ năm 1979 khi Washington liệt Damascus vào danh sách tổ chức tài trợ cho khủng bố, áp đặt hạn chế đối với việc Syria mua bán những sản phẩm có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.
Kể từ đó đến nay, Mỹ đã nhiều lần gia tăng trừng phạt chính phủ Syria. Tuy nhiên, Barnes-Dacey, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) cho biết, các biện pháp trừng phạt trước đó có ảnh hưởng "hẹp hơn" so với biện pháp mới này.
Giới phân tích cho rằng, biện pháp trừng phạt mới có thể là “con dao hai lưỡi”, không chỉ ảnh hưởng đến chính phủ Syria và những người ủng hộ họ cả trong lẫn ngoài nước, mà còn gây tổn hại đến các nỗ lực nhân đạo, khiến người dân Syria thêm điêu đứng.
Nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này đã rơi vào tình trạng rơi tự do trong vài tháng qua. Đồng bảng Syria đã giảm 70% giá trị, khiến nhiều người dân không thể mua được ngay cả những mặt hàng thiết yếu. Sự trượt dốc của nền kinh tế đã khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại những khu vực do chính phủ kiểm soát chẳng hạn như Latakia và Suweida, mà trước đây rất hiếm thấy.
Đối với người dân Syria, lệnh trừng phạt đối với việc tái thiết và lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt được cho là gây tổn thương nghiêm trọng nhất.
Phần lớn đất nước Syria đã bị chiến tranh tàn phá, khoảng 1/4 nhà cửa bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Một nửa dân số Syria đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Aleppo – thành phố lớn nhất Syria trước năm 2011, cần khoảng 6 năm để dọn dẹp đống hoang tàn, đổ nát, còn thành phố Homs, gần như bị san phẳng sau các cuộc chiến tranh cần 2 năm rưỡi, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Trước những khó khăn về kinh tế, người dân Syria chỉ còn biết hy vọng vào nguồn dầu mỏ và khí đốt, vốn sẵn có tại quốc gia này. Chính phủ Syria trước đó đã giới thiệu một hệ thống thẻ thông minh để phân phối các mặt hàng chủ lực, trong đó có cả nhiên liệu. Nhưng khả năng cung cấp nhiên liệu vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.Trước đó hôm qua (17/6), Ngân hàng Trung ương Syria tuyên bố chính thức phá giá đồng nội tệ để tạo điều kiện cho việc nhập khẩu và chuyển giao hàng hóa từ nước ngoài./.