Mỹ tìm cách mới thách thức Iran vì không thể hủy bỏ thỏa thuận
VOV.VN - Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran lại bước vào những đợt sóng gió mới với các cảnh báo trừng phạt và trả đũa lẫn nhau.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc đạt được vào năm 2015 không chỉ giúp giải tỏa mối lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran mà còn đặt nền móng cho mối quan hệ tốt hơn giữa Iran với Mỹ. Tuy nhiên mối quan hệ này đang xấu dần đi kể từ Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Nhà đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi. (Ảnh: AP)
Nhà Trắng ngày 21/7 thông báo Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp đặt trừng phạt "những hậu quả mới và nghiêm trọng" lên Iran, nếu những công dân Mỹ đang bị bắt giam tại Iran không được trả tự do và về nước. Cảnh báo cứng rắn được đưa ra sau khi một công dân Mỹ 37 tuổi làm việc tại Đại học Princeton bị chính quyền Iran kết án 10 năm tù giam với tội danh "xâm nhập".
Mỹ trong tuần qua cũng đã công bố những biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, cũng như các hoạt động mà Mỹ coi là "hỗ trợ các nhóm khủng bố" ở Trung Đông.
Iran ngay lập tức bày tỏ sự bất bình về những biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ. Theo nhà đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi, hành động của Mỹ đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân và Iran đang cân nhắc các biện pháp đáp trả. Ông cũng tố cáo Mỹ đang tìm cách "phá hoại tình hình, đe dọa các công ty nước ngoài đầu tư ở Iran".
Những cáo buộc lẫn nhau giữa hai bên cho thấy bắt đầu một giai đoạn sóng gió mới trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Iran tuyên bố “cứng rắn” nếu Mỹ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Tuy nhiên dư luận đặt ra câu hỏi là tại sao chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump vừa mới thừa nhận Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân, nhưng mặt khác vẫn kiên quyết áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.
Theo giới quan sát, việc Mỹ thừa nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân một cách miễn cưỡng. Ông Donald Trump là người đã có những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào thỏa thuận hạt nhân này trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016. Tuy nhiên thỏa thuận này cũng bao gồm Anh, Trung Quốc, Nga và Đức-những nước luôn khẳng định các bên phải tuân thủ thỏa thuận hạt nhân này.
Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh: “Thỏa thuận hạt nhân toàn diện là một kết quả đa phương của các bên nhằm giải quyết những vấn đề quốc tế nóng thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao. Kể từ khi thỏa thuận đạt được cách đây 2 năm, Iran đã tuân thủ nghiêm túc và các nước liên quan cũng tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Iran. Tất cả các bên phải có trách nhiệm bảo vệ và thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran”.
Sự ủng hộ của tất cả các nước trong nhóm đàm phán hạt nhân và cả cộng đồng quốc tế khiến việc Mỹ nếu đơn phương rút khỏi thỏa thuận sẽ bị cô lập về vấn đề này.
Ngoài ra Thỏa thuận hạt nhân do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế của Liên hợp quốc giám sát. Cơ quan này đã nhiều lần tuyên bố Iran tuân thủ thỏa thuận.
Do đó, Tổng thống Trump không thể phủ nhận những đánh giá này. Chính vì vậy giới quan sát cho rằng, Tổng thống Trump đang tìm ra các cách mới để “ thách thức" Iran, trong đó có việc gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Đây cũng là cách ông " xoa dịu" những nghị sĩ Mỹ lên tiếng phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân này cũng như các quốc gia đồng minh của Mỹ đang đối đầu với Iran.
Với sức ép của Mỹ, nếu Iran đáp trả và không tuân thủ thỏa thuận, tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình, đây sẽ là “cái cớ” để Tổng thống Mỹ kêu gọi các nước khác hủy bỏ thỏa thuận này./. Căng thẳng Mỹ - Iran có diễn biến leo thang mới