Mỹ- Trung: Cuộc hôn nhân của lý trí

Tuyên bố chung Mỹ- Trung cho thấy nhận thức của hai bên đầy đủ và toàn vẹn hơn rằng họ thực sự cần đến nhau. Song dĩ nhiên, lợi ích chung chỉ có thể dung hoà chứ không thể giải quyết triệt để.  

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc với một kết quả không có gì đột phá nhưng được đánh giá là không thể tốt hơn.

“Cuộc hôn nhân của lý trí” là cách nói đầy hình ảnh của báo chí về mối quan hệ Mỹ- Trung hiện nay. Chỉ cần nghe những tuyên bố hữu nghị được Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trao cho nhau lần này, có thể thấy mức độ thân mật đã tăng đáng kể và hai bên đang tiến tới trở thành bạn bè của nhau. Nhìn vào tần suất các chuyến thăm, các cuộc điện đàm giữa hai bên thời gian gần đây, phải nói rằng Washington và Bắc Kinh chưa bao giờ xích lại gần nhau đến thế.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Obama (Ảnh:xinhua)

Thực tế này hoàn toàn dễ hiểu, đơn giản bởi hai quốc gia này đang rất cần đến nhau. Chỉ riêng tầm vóc mối quan hệ thương mại song phương lên tới hơn 400 tỷ USD vào năm ngoái cũng đủ cho thấy sự phụ thuộc của hai nước này vào nhau. Sự lớn mạnh của Trung Quốc - hiện trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới của Mỹ nắm trong tay khoảng 1.400 tỷ USD nợ của Chính phủ Mỹ, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ sau Canada... đã làm thay đổi cán cân quan hệ Mỹ- Trung trở nên cân bằng hơn.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan ra từ nước Mỹ càng khiến Washington cần đến Trung Quốc- nơi có nền kinh tế tăng tốc vùn vụt, có thị trường tiêu thụ đông đảo nhất thế giới. Và dĩ nhiên, cùng với kinh tế- thương mại- lĩnh vực giúp kết nối và điều hoà quan hệ Mỹ- Trung bấy lâu nay, vai trò gia tăng của Trung Quốc trên sân khấu chính trị quốc tế cũng khiến Mỹ phải thay đổi cái nhìn đối với Bắc Kinh.

Nhà phân tích Jamie Metzl, Giám đốc Điều hành Asia Society khẳng định, Mỹ đang xem Trung Quốc như một đối tác chiến lược mới nổi. Theo ông Metzl: “Mỹ và Trung Quốc đang kết nối với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết. Bất cứ điều gì mà Mỹ muốn thúc đẩy trên thế giới thì đều cần có sự hưởng ứng và ủng hộ của Trung Quốc và về phía Trung Quốc cũng vậy. Nước Mỹ cũng đang thay đổi cách suy nghĩ về chuyện tăng cường ảnh hưởng, quyền lực trên toàn cầu, rằng nước Mỹ hiện không thể duy trì một ưu thế tuyệt đối trên trường quốc tế”

Theo Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Hutsman, quan hệ giữa hai bên hịên có thể đúc kết là: “Học tập lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ”. Cụ thể, tuyên bố chung kết thúc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định 5 điểm nhất trí cao giữa hai nước. Đó là sẽ tiếp tục tăng cường các chuyến thăm cấp cao, thúc đẩy xây dựng sự tin cậy chiến lược song phương, hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ xanh, biến đổi khí hậu, kinh tế, năng lượng, giáo dục, cùng đối phó với các thách thức toàn cầu cũng như cùng tham gia giải quyết các mâu thuẫn khu vực và quốc tế nổi bật như vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran.

Ông Obama một lần nữa chính thức khẳng định ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc” (Ảnh:xinhua)

Đáng chú ý, lần này, ông Obama một lần nữa chính thức khẳng định ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc”, thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền đất nước của Trung Quốc. Rõ ràng, hai nước đang cố gắng dựa trên những lợi ích chung ngày càng gia tăng để thúc đẩy quan hệ, nói như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: “Cùng trên một con thuyền, hai bên phải cùng chèo lái”.

Tuy nhiên, những tuyên bố giữa hai bên dù hữu nghị nhưng không thể che mờ một loạt các bất đồng còn tồn tại trong mối quan hệ luôn bao gồm hai mặt “hợp tác và cạnh tranh” này. Nhà phân tích Valery Nike – Giám đốc Trung tâm Châu Á thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Pháp cho rằng, ngay trong tuyên bố của Tổng thống Obama tại Trung Quốc lần này cũng thể hiện hai mặt, kiểu “cây gậy và củ cà rốt”. Củ cà rốt mà Mỹ đưa ra là sẵn sàng chấp nhận vai trò quan trọng của Trung Quốc trong quan hệ song phương cũng như trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Nhưng mặt khác, Mỹ cũng đòi hỏi Trung Quốc phải có trách nhiệm và cam kết lớn hơn để giảm bớt căng thẳng thương mại, vấn đề đồng nhân dân tệ hay chống biến đổi khí hậu...

Mỹ cũng muốn Trung Quốc tham gia nhiều hơn và xích lại gần hơn quan điểm của Mỹ trong các vấn đề như hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hay Iran. Song những đòi hỏi này của Mỹ không dễ gì được đáp ứng, nhất là khi Trung Quốc hiện giờ cảm thấy họ hoàn toàn có thế và lực để hành động độc lập.

Giới phân tích cho rằng, với một loạt các bất đồng còn tồn tại từ tranh chấp thương mại, vấn đề đồng nhân dân tệ, nhân quyền, hay cam kết chung về chống biến đổi khí hậu..., “lòng tin” và sự “nghi kỵ” sẽ luôn đồng hành trong mối quan hệ Mỹ- Trung. Song mức độ phụ thuộc chặt chẽ giữa hai bên hiện nay sẽ đóng vai trò như chiếc dây lèo, lái con thuyền quan hệ Mỹ- Trung đi đúng hướng, kiềm chế không để bất đồng đi quá xa, ảnh hưởng đến các lợi ích “đại cục”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên