Mỹ - Trung: Mối quan hệ nhiều lợi ích

Chuyến thăm Trung Quốc của Phó Tổng thống Joe Biden được cho là không ngoài mục đích đảm bảo mối quan hệ giữa “con nợ Mỹ và chủ nợ Trung Quốc”.

“Vấn đề kinh tế sẽ là trọng tâm chính trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 17/8 tới của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden” là nhận định của không ít tờ báo về chuyến đi này. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ khó khăn và quan hệ về kinh tế cũng như quân sự Trung - Mỹ còn không ít mâu thuẫn, dư luận cho rằng, chuyến thăm sẽ phần nào thu hẹp những bất đồng giữa hai bên.

Mặc dù chuyến thăm được tuyên bố là “để thảo luận một loạt các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương” nhưng không khó nhận thấy mục đích chính của chuyến thăm Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden là tập trung vào vấn đề kinh tế.

Cũng có không ít ý kiến cho rằng, bên cạnh mục tiêu thu hẹp bất đồng giữa hai bên, chuyến đi này không ngoài mục đích đảm bảo mối quan hệ giữa “con nợ Mỹ và chủ nợ Trung Quốc”.

Nếu như vào thời điểm hiện tại, việc Washington bị Cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm nợ, dù chính quyền Bắc Kinh vẫn im lặng nhưng các tờ báo chính thống của Trung Quốc đã lên tiếng khuyến cáo Mỹ nên có can đảm chính trị vượt qua khủng hoảng nợ. Truyền thông Trung Quốc cho rằng sự phát triển kinh tế nước này - vốn là chủ nợ của Mỹ - sẽ bị ảnh hưởng. Điều này phần nào cho thấy được những phản ứng bước đầu cùa Trung Quốc với việc chính phủ Mỹ bị đánh tụt chỉ số tín nhiệm.

Không chỉ vậy, đứng trước nguy cơ tài sản khổng lồ của mình sắp bị mất giá, người dân Trung Quốc cũng tỏ ra bất mãn và đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy nhanh chóng bán hết trái phiếu Mỹ đang nắm giữ với giá rẻ nhằm cứu vãn Trung Quốc khi Mỹ vỡ nợ.

Cách đây không lâu, vào giữa tháng 5, khi Mỹ có nguy cơ vỡ nợ, Trung Quốc đã mua thêm 7.300 tỷ USD công nợ Mỹ, nâng tổng mức nắm giữ trái phiếu Mỹ lên tới 11.598 tỷ USD. Và với số nợ này, đương nhiên Trung Quốc tiếp tục là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những lý do này, Mỹ đang trở nên yếu thế hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc, và vì vậy, rất có thể, đây sẽ là lúc Trung Quốc sử dụng “đòn bẩy” nợ nần như một thứ vũ khí đòi Mỹ phải có những nhượng bộ khác không liên quan đến tài chính, chẳng hạn như vấn đề Tây Tạng hoặc vấn đề Mỹ bán vũ khi cho Đài Loan (Trung Quốc).

Và nghiêm trọng hơn “những khoản nợ nần giữa Trung Quốc và Mỹ” rất có thể còn làm phức tạp thêm mối quan hệ nhiều mặt của hai nước này, vuợt ra khỏi vấn đề kinh tế, tài chính thuần túy lan sang lĩnh vực ngoại giao và chính trị. Chính vì vậy, chuyến đi của ông Joe Biden cũng được dư luận đánh giá là sẽ phần nào làm giảm bớt những lo lắng này.

Còn nhớ cách đây gần 3 tháng, sau vòng Đối thoại Chiến lược kinh tế lần thứ 3 giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại Washington, những kết quả đạt được nằm ngoài sức tưởng tượng của cả hai bên khi Bắc Kinh đã cam kết tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty Mỹ giành được các hợp đồng của chính phủ Trung Quốc. Đây cũng được xem là sự nhượng bộ của phía Trung Quốc. Do đó, chuyến thăm của ông Biden lần này không có lý do gì lại không được kỳ vọng một kết quả tương tự.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, dù chuyến thăm của ông Biden vào thời điểm được cho là “Mỹ đang yếu thế hơn so với Trung Quốc” thì các nhà phân tích cho rằng cả hai bên đều phải tận dụng các cuộc gặp gỡ và trao đổi cấp cao như thế này để duy trì liên lạc chặt chẽ và tìm các cách thức để thu hẹp những bất đồng, bởi hơn ai hết, hai bên đều thừa hiểu về những ràng buộc của mình.

Mặc dù là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và trong những ngày gần đây, báo chí Trung Quốc không ngớt lời dọa nạt Mỹ rằng, Trung Quốc sẽ bán tháo những khoản công trái của Mỹ mà họ đang nắm giữ, và rằng việc bán tháo này sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế Mỹ, thì hơn ai hết, Trung Quốc phải là người đầu tiên hiểu rằng, nếu bán tháo trái phiếu của nước này, đối tượng gánh chịu hậu quả cũng chính là nền kinh tế Trung Quốc. Vì hiện nay, kinh tế của Trung Quốc lệ thuộc vào đồng USD và xuất khẩu vào thị trường Mỹ quá nhiều.

Có thể thấy rằng, mục đích chuyến thăm của Phó Tổng thống Joe Biden dù mang đủ ý nghĩa cho một thông điệp lạc quan trong quan hệ Mỹ- Trung thời gian tới nhưng chưa ai dám chắc được liệu những bất đồng giữa hai bên có sớm được gỡ bỏ hay không. Nhưng dư luận cho rằng, “cuộc chia sẻ chung nhiều lợi ích” giữa hai cường quốc nên được đặt lên hàng đầu nếu hai nước muốn thúc đẩy “mối quan hệ đầy phức tạp” của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên