Mỹ và cách đa hành xử ở Bắc Phi
Thái độ của Mỹ trong cách tiếp cận và xử lý vấn đề đối với mỗi quốc gia khu vực này là rất khác biệt
Đã có thêm những diễn biến chính trị mới hết sức phức tạp ở Bắc Phi, khi các cuộc biểu tình ngày một lan rộng ở Yemen, Bahrain và cuộc chiến giữa lực lượng ủng hộ ông Gaddafi với liên quân do Mỹ, Anh, Pháp cầm đầu ngày càng căng thẳng. Cho đến nay, khi các cuộc xung đột chính trị tại đây được đẩy lên những nấc thang mới nguy hiểm hơn, đã có khá nhiều mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ NATO cũng như sự chia rẽ trong dư luận xung quanh cuộc chiến này. Tuy nhiên, một điều có thể thấy rõ là thái độ khác biệt của Mỹ trong cách tiếp cận và xử lý vấn đề đối với mỗi quốc gia Bắc Phi. Tại sao Mỹ lại có thái độ này và nó ảnh hưởng như thế nào đối với cục diện chính trị Bắc Phi-Trung Đông cũng như uy tín của chính nước Mỹ?
Có khá nhiều động thái cho thấy sự khác biệt của Mỹ trong cách ứng xử với mỗi quốc gia Bắc Phi. Trường hợp của Ai Cập, Libya, Yemen và Bahrain là những ví dụ cho thấy rõ điều đó.
Đối với Ai Cập là một sự thay đổi thái độ hoàn toàn từ phía Mỹ khi Washington hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Đối với Libya, Mỹ lựa chọn cách ứng xử cứng rắn bằng vũ lực khi đi đầu trong cuộc tấn công quân sự nhằm vào Tripoli. Đối với Yemen, Mỹ chọn cách tiếp cận mềm mỏng, khéo léo hơn khi phớt lờ lời kêu gọi của lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Ali Abdallah Saleh. Nhưng đối với Bahrain, Mỹ lại tỏ ra hết sức thận trọng, thậm chí bóng gió phản đối việc lật đổ các nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni ở quốc gia này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại có những cách tiếp cận khác nhau đối với các quốc gia Bắc Phi, khi mà những diễn biến chính trị ở các quốc gia này có kịch bản tương tự nhau và động cơ khởi phát làn sóng biểu tình không nhiều khác biệt? Nếu chú ý theo dõi các động thái gần đây của Mỹ, người ta sẽ không khó để có câu trả lời.
Thứ nhất là trường hợp Ai Cập. Tuy Mỹ và Ai Cập vốn từng là đồng minh gắn bó trong suốt 40 năm nay, nhưng theo giới phân tích, khi các bất đồng ngày càng lộ rõ giữa Cairo và Washington, và quan trọng hơn khi Mỹ cần một thể chế chính trị hiệu quả hơn, thân Mỹ hơn, lẽ dĩ nhiên Tổng thống Hosni Mubarak sẽ không còn là sự lựa chọn thức thời của Mỹ.
Còn với trường hợp của Libya, Yemen và Bahrain? Tại sao Mỹ lại tấn công quân sự Libya chứ không phải là Yemen hay Bahrain? Câu trả lời thật đơn giản. Đó là vì Yemen và Bahrain là hai đồng minh thân cận của Mỹ, còn Libya thì không. Thái độ và quan điểm chống đối của Tổng thống Libya Gaddafi từ lâu đã trở thành cái gai nhức nhối đối với Mỹ và phương Tây. Và cơ hội này là dịp để Mỹ loại đi cái gai ấy. Song đối với Yemen hay Bahrain, câu chuyện lại hoàn toàn khác biệt khi ở cả hai nước này đều là những lợi ích sống còn của Mỹ. Yemen là mắt xích đặc biệt quan trọng đối với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là trong cuộc chiến chống Al Qaea. Một khi chính quyền Yemen sụp đổ, công sức và tiền của của Mỹ sẽ “trôi theo dòng nước” khi trong những năm qua Mỹ đã rót hàng trăm triệu USD cho cuộc chiến chống khủng bố, cũng như viện trợ trang thiết bị khí tài hiện đại cho Yemen.
Cách tiếp cận của Mỹ đối với Bahrain càng trở nên thận trọng hơn khi Bahrain là nơi đóng quân của Hạm đội 5 của Mỹ, là “tai mắt” của Mỹ kiểm soát kênh đào Suez và rộng hơn là an ninh vùng Vịnh cũng như khu vực Trung Đông. Dễ hiểu vì sao, Mỹ không chỉ thận trọng mà còn phản đối chuyện thiết lập một chế độ chính trị mới ở Bahrain. Một sự thay đổi mới trong bối cảnh Mỹ chưa chuẩn bị thấu đáo, chắc chắn sẽ gây tổn hại không ít tới các lợi ích của Mỹ. Chuyện Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên tiếng phản đối chuyện Liên đoàn Arab đưa quân vào Bahrain, can thiệp quân sự vào Bahrain cách đây ít ngày, chính là những ví dụ cho thấy điều đó.
Nói đi nói lại, chung quy vẫn chỉ là hai chữ “lợi ích”. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là “thái độ nhiều mặt” của Mỹ sẽ dẫn tới những phản ứng như thế nào trong khu vực? Theo giới phân tích, có nhiều “cái khó” đặt ra đối với Mỹ trong bối cảnh hiện nay. Trước hết là thái độ cảnh giác của các nước Arab đối với Mỹ khi Mỹ quyết định từ bỏ đồng minh lâu năm ở Ai Cập. Cách ứng xử của Mỹ đang khiến khối Arab có một cảm giác rằng Mỹ sẵn sàng áp dụng những “giá trị phổ quát” để từ bỏ họ một khi họ không còn giá trị. Đây là điểm mấu chốt của vấn đề có thể khiến Mỹ bị cô lập tại Bắc Phi-Trung Đông nói riêng và nhiều khu vực khác nói chung, cho dù kết quả cuộc tấn công quân sự Libya sẽ diễn ra như thế nào. Hãng tin BBC dẫn lời bà Marina Ottaway, Giám đốc chương trình Trung Đông (Quỹ Hoà bình Quốc tế) nhận định “Mỹ luôn đặt quyền lợi của mình ở trên hết, chứ không theo những giá trị mà họ luôn thuyết giảng”.
Rõ ràng, Mỹ đang tự làm khó mình bằng bài toán lợi ích Bắc Phi.