Mỹ và Ukraine hiểu lầm hay thực sự rạn nứt trong thời điểm then chốt của xung đột?
VOV.VN - Những thông điệp không nhất quán trong các cuộc gặp công khai và riêng tư liên quan đến việc Mỹ bắt đầu trao đổi nghiêm túc với Ukraine về thỏa thuận hòa bình với Nga đang khiến quan hệ giữa Washington và Kiev trở nên căng thẳng, các quan chức Mỹ cho hay.
Các quan chức Mỹ “9 người 10 ý” về xung đột ở Ukraine
Chính quyền Tổng thống Biden đang vội vàng "chữa cháy" sau khi một vị tướng cấp cao của Mỹ nói rằng cánh cửa đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể mở ra vào mùa đông này. Phía Mỹ cố gắng giải thích với Ukraine rằng Washington không có ý định hạ thấp mục tiêu của Kiev trong việc đẩy lùi quân đội Nga khỏi lãnh thổ.
Các quan chức Mỹ cũng trao đổi với những người đồng cấp Ukraine rằng khoảng thời gian tạm dừng giao tranh vào mùa đông không có nghĩa là đàm phán sẽ diễn ra ngay lập tức, và rằng Washington sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev về mặt quân sự khi nước này bước sang giai đoạn tiến công tiếp theo.
Những lập luận trên được đưa ra sau các nhận định của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley vào tuần trước. Trong một sự kiện ở New York, ông Milley cho rằng Ukraine có lẽ không thể giành được chiến thắng về quân sự và mùa đông sẽ mang đến cơ hội để nước này bắt đầu đàm phán với Nga.
Tướng Miley thường xuyên trao đổi với người đồng cấp Ukraine - Tướng Valeriy Zaluzhnyy, trong đó có cuộc trao đổi ngày 14/11. Trong suốt cuộc thảo luận này, ông Zaluzhnyy không bày tỏ bất kỳ lo ngại nào và cũng không lần nào đề cập đến những nhận định trước đó của ông Miley, một quan chức Mỹ cho hay.
Dù vậy, hàng loạt cuộc điện đàm và các cuộc trao đổi với Ukraine đã cho thấy mức độ quan tâm của chính quyền Tổng thống Biden trong việc thể hiện một lập trường thống nhất về cuộc xung đột ở Ukraine cũng như các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Bất kỳ sự bất đồng công khai kéo dài nào giữa các quan chức cấp cao Mỹ đều có thể đe dọa đến mối quan hệ vốn đã nhạy cảm giữa Washington và Kiev trong thời điểm then chốt của cuộc xung đột.
Theo một số nhà quan sát, để chấm dứt sự căng thẳng này, chính quyền Tổng thống Biden cần cân bằng giữa sự hỗ trợ cho Ukraine và mối lo ngại kho vũ khí của phương Tây đang ở mức thấp, cũng như khả năng Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ siết chặt các khoản hỗ trợ cho Kiev. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang "đứng ngồi không yên" về cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực, đồng thời đặt câu hỏi với các quan chức Mỹ trong những ngày gần đây về khả năng các cuộc trao đổi xoa dịu mối lo ngại về giá cả tăng cao.
Chính quyền Tổng thống Biden vẫn rất thận trọng khi đưa ra nhận định rằng, các cuộc đàm phán hòa bình hiện chưa thể tổ chức. Không lâu sau khi truyền thông Nga đưa tin Giám đốc CIA William Burns gặp người đồng cấp Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/11, một người phát ngôn Nhà Trắng cho biết cuộc gặp này không có mục đích ngoại giao.
"Ông ấy không đàm phán bất kỳ điều gì và cũng không thảo luận về việc dàn xếp tình hình ở Ukraine. Ông ấy chỉ đang gửi đi thông điệp về hậu quả nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và những rủi ro leo thang sẽ đe dọa sự ổn định chiến lược", tuyên bố của Nhà Trắng cho hay.
Theo một người phát ngôn Nhà Trắng, các quan chức Ukraine đã được thông báo trước về cuộc gặp trên.
Hiểu lầm hay thực sự rạn nứt?
Những thông điệp không nhất quán trong các cuộc gặp công khai và riêng tư liên quan đến việc Mỹ bắt đầu trao đổi nghiêm túc với Ukraine về thỏa thuận hòa bình với Nga đang khiến quan hệ giữa Washington và Kiev trở nên căng thẳng, các quan chức Mỹ cho hay. Trong khi một số quan chức an ninh cấp cao khẳng định hiện tại không phải là thời điểm để tiến hành đàm phán thì những quan chức khác cho rằng mùa đông có thể là cơ hội để các cuộc đàm phán ngoại giao diễn ra.
Dù vậy, một số chuyên gia quân sự không tán thành với nhận định với ông Miley. Theo họ, thời tiết mùa đông sẽ làm chậm chứ không khiến giao tranh dừng hẳn và các lực lượng Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu với quân đội Nga, Trung Tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Âu đánh giá. Theo ông Ben Hodges, vào tháng 1, quân đội Ukraine sẽ ở vị trí thuận lợi để tiến công vào Crimea, đồng thời dự báo Kiev sẽ đẩy lùi quân đội Nga khỏi lãnh thổ vào mùa hè.
Cuộc tranh luận trên nổ ra trong chính quyền Tổng thống Biden hồi tuần trước sau khi ông Milley đánh giá, cả Nga và Ukraine đều không thể giành chiến thắng về mặt quân sự.
Cả hai bên cần hiểu được rằng chiến thắng "có lẽ không thể đạt được bằng các phương tiện quân sự và vì vậy, họ cần chuyển sang các phương tiện khác", ông Miley cho hay, đồng thời đánh giá, tình hình giao tranh tạm dừng sẽ "mang đến cơ hội ở đây, mở ra cánh cửa đàm phán".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14/11 đã tuyên bố tại Kherson rằng Ukraine sẵn sàng cho đàm phán hòa bình nhưng chỉ với điều kiện nước này khôi phục "tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng".
Chỉ huy lực lượng vũ trang Ukraine - Tướng Valerii Zaluzhnyi cũng nêu rõ: "Quân đội Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán, thỏa thuận hay quyết định nhượng bộ nào. Điều kiện duy nhất cho các cuộc đàm phán là Nga phải rời khỏi tất cả vùng lãnh thổ chiếm đóng".
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc quyết định các điều kiện đàm phán để chấm dứt chiến tranh là phụ thuộc vào Ukraine.
Một quan chức Mỹ nhận định, những bình luận của ông Miley không có nghĩa là ông cho rằng Ukraine nên đầu hàng hoặc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Tuy nhiên, những nhận định này đã phản ánh quan điểm phổ biến của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đó là mùa đông sẽ mang đến cơ hội đàm phán về một giải pháp chính trị để chấm dứt chiến tranh. Các quan chức quân sự cấp cao Mỹ đánh giá, Ukraine sẽ gặp thách thức trong việc đẩy lùi quân đội Nga khỏi các vùng lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát, đặc biệt là đối với Bán đảo Crimea.
Ukraine tin rằng hiện họ đang có đà tiến công sau khi tuyên bố giành được Kherson - một cảng quan trọng ở Biển Đen và là cửa ngõ vào Crimea tuần trước. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đồng ý với đề xuất của Tư lệnh các nhóm quân phối hợp, Tướng Sergei Surovikin về việc tổ chức phòng thủ tại khu vực Kherson trên tả ngạn Dnieper.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, khu vực Kherson là một minh chứng cho thấy những cuộc giao tranh dữ dội vẫn ở phía trước.
Mỹ có tiếp tục hỗ trợ Ukraine về dài hạn?
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đang chuẩn bị tiền đề cho các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng giữa Nga và Ukraine, một quan chức Mỹ cho hay. Chính quyền Tổng thống Biden nhấn mạnh, Washington sẽ chỉ tham gia vào các cuộc trao đổi này trong sự tham vấn đầy đủ với phía Ukraine.
Dù vậy, một số nhà quan sát cho rằng những thông điệp không nhất quán từ Washington được đưa ra trong một thời điểm không phù hợp giữa bối cảnh mùa đông khắc nghiệt trước mắt.
Trong khi đó, Nga tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, trong đó có các nhà máy điện. Mặc dù quân đội Ukraine tuyên bố giành lại Kherson nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đáp ứng các dịch vụ cơ bản sau khi Nga rút quân khỏi đây.
Các quan chức quân sự phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm những cách thức mới để đáp ứng nhu cầu vũ khí của Ukraine, đặc biệt là đạn dược và hệ thống phòng không. Tuần trước, Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine 4 hệ thống phòng không Avenger, được cho là có khả năng ứng phó với UAV và trực thăng của Nga. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ mua đạn dược từ Hàn Quốc để vận chuyển cho Ukraine.
Hiện Kiev lo ngại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ siết chặt các gói hỗ trợ cho Ukraine để tái thiết các khu vực, chẳng hạn như Kherson.
Tổng thống Biden đã khẳng định hồi tuần trước rằng, các gói hỗ trợ cho Ukraine sẽ tiếp tục được cung cấp thậm chí cả khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều quan chức Mỹ kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán hòa bình có thể khiến Kiev cho rằng Washington sẽ không duy trì nỗ lực này về dài hạn./.