Mỹ và Ukraine vượt lằn ranh đỏ, Nga dọa tấn công hạt nhân, chuyên gia nói gì?
VOV.VN - Xung đột Nga-Ukraine leo thang sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất tấn công lãnh thổ Nga và việc Moscow sử dụng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Điều này đã làm gia tăng lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi, hạ thấp ngưỡng sử dụng kho vũ khí hạt nhân của nước này. Học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các nước và liên minh quân sự chịu răn đe hạt nhân cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà biện pháp răn đe này được thiết kế để chống lại. Ngoài ra, văn kiện nêu rõ, Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng có sự hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố nước này sẽ có phản ứng "mạnh mẽ hơn" đối với các cuộc tấn công tiếp theo vào lãnh thổ Nga. Trong thông báo trên Telegram, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo Mỹ về nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân.
Ông Medvedev viết: "Các chính trị gia và nhà báo Mỹ cần phải nghiêm túc thảo luận về hậu quả của việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine vì điều này sẽ được coi là sự chuẩn bị cho cuộc xung đột hạt nhân với Nga". Trước tuyên bố này, Nhà Trắng cho biết: “Chúng tôi không có kế hoạch trang bị vũ khí hạt nhân cho Ukraine".
Hiện giới chuyên gia và các nhà phân tích đang tranh luận về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine.
Kịch bản tái diễn trong hơn 2 năm qua
Ông John Erath, Giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân cho rằng, Tổng thống Putin đã sử dụng vũ khí hạt nhân như "công cụ ngoại giao nhưng được ẩn dưới những lời lẽ đe dọa và cảnh báo để hạn chế viện trợ quân sự mà NATO dành cho Ukraine. Đây là một chính sách khá thành công vì đã khiến một số nước, đặc biệt là Mỹ, tự giới hạn những loại vũ khí và trang thiết bị mà họ cung cấp cho Ukraine trong hai năm trở lại đây".
Đánh giá khả năng Nga phóng vũ khí hạt nhân vào Ukraine, ông cho biết: "Tôi không nghĩ rằng họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Ukraine. Có rất nhiều lý do. Đầu tiên, họ sẽ rất khó để đạt được mục tiêu thông qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Vũ khí hạt nhân có thể tàn phá lãnh thổ Ukraine trên diện rộng và gây thương vong lớn cho người dân. Không có lợi ích gì khi sử dụng một loại vũ khí để lại nhiều bức xạ còn sót lại trên lãnh thổ mà Nga muốn chiếm giữ và gần với quân đội của họ. Vì vậy, về mặt quân sự, có rất ít lý do Moscow để sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, thì đây sẽ là minh chứng cho thấy Moscow sẵn sàng gây leo thang căng thẳng. Trên thực tế Nga dường như muốn mọi người biết rằng họ chỉ sử dụng loại vũ khí này trong tình huống không thể chấp nhận được”.
Về các bước tiếp theo của Nga, ông Erath cho rằng: "Nga đã sử dụng một chiến thuật trong hơn hai năm qua. Họ tiếp tục gia tăng các mối đe dọa để thăm dò thái độ của phương Tây cũng như của Ukraine. Nếu vũ khí siêu thanh có khả năng phát huy hiệu quả răn đe, thì họ có khả năng tiếp tục sử dụng vũ khí này thay vì dùng vũ khí hạt nhân”.
Theo nhà phân tích Erath, "không có gì thực sự mới về những loại vũ khí mà Nga đã sử dụng trong cuộc xung đột. Họ có tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tấn công với độ chính xác cao trong nhiều năm qua. Tên lửa Oreshnisk mà Moscow dùng để tấn công thành phố Dnipro, có thể được nâng cấp hoặc cũng có thể không. Chúng tôi không rõ. Nga tuyên bố đây là một cuộc thử nghiệm nhưng họ dường như muốn gửi thông điệp rằng họ sẵn sàng sử dụng vũ khí mới và sẽ không để Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Đe dọa Ukraine và các đối tác phương Tây
Cùng chung quan điểm trên, ông John Lough, một chuyên gia về Nga tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Chatham House cho rằng: “Tôi không tin Tổng thống Putin thực sự có ý định dùng vũ khí hạt nhân tại Ukraine. Những tuyên bố mà ông đưa ra trong thời gian gần đây chủ yếu mang tính chất cảnh báo vì ông biết rõ Ukraine và các nhà lãnh đạo phương Tây rất nhạy cảm với mối đe dọa hạt nhân. Trên thực tế, Nga đã chuyển các căn cứ quân sự và tài sản quan trọng ra khỏi tầm bắn của tên lửa phương Tây mà Ukraine có thể sử dụng vì họ có thể đã dự đoán được quyết định của chính quyền Biden”.
Nhà phân tích Joseph Rodgers, chuyên nghiên cứu Dự án về các vấn đề hạt nhân trong Chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) lưu ý, việc Tổng thống Putin ký duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi "rõ ràng đã hạ thấp ngưỡng sử dụng hạt nhân của Nga và đặt nền tảng cho việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga trong trường hợp Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) hết hiệu lực vào năm 2026”.
Sự thay đổi lớn về chính sách
Ông Rodgers nhận định: “Dù có sự thay đổi lớn nhưng học thuyết hạt nhân của Nga vẫn nêu rõ rằng Moscow coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cực đoan, chỉ sử dụng để chống lại các mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Mặc dù học thuyết sửa đổi hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng khả năng thực tế Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là thấp".
Nhà phân tích này nhấn mạnh, Nga đã nhiều lần cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi xung đột bắt đầu, nhưng việc sửa đổi lần này cho thấy sự thay đổi lớn về chính sách. Tuy vậy, học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga khó có thể khiến Mỹ thay đổi lập trường đối với cuộc xung đột.