Mỹ vạch chiến lược răn đe Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
VOV.VN - Sáng kiến “Răn đe Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương” sẽ giúp Mỹ đảm bảo cam kết với đồng minh và kiềm chế hành động của Trung Quốc trong khu vực.
Một nhóm các nhà lập pháp, do Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mac Thornberry thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ dẫn đầu đã đề xuất “Sáng kiến Răn đe Ấn Độ - Thái Bình Dương”, yêu cầu chi 6 tỷ USD để tăng cường phòng thủ trên không, đẩy mạnh các hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát, thực hiện thêm nhiều cuộc tuần tra bằng máy bay ném bom và gia tăng chi phí cho hoạt động tác chiến dưới biển, tờ National Interest cho biết.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (trái), tàu đổ bộ USS Boxer cùng các tàu chiến của Mỹ trong một lần hoạt động tại Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Về cơ bản, sáng kiến này sẽ tài trợ cho việc triển khai lâu dài một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa cùng các vũ khí phụ trợ trên đảo Guam, điều mà Trung Quốc kịch liệt phản đối.
Sáng kiến không ủng hộ việc thực thi bất cứ hành động quân sự hoặc hành vi khiêu khích nào, nhưng kêu gọi tăng cường các cuộc tập trận giữa Mỹ và đồng minh, viện dẫn sự cần thiết phải ngăn chặn “hành vi thù địch” của Trung Quốc.
Phía Mỹ cũng cho rằng, mục đích rõ ràng của đề xuất mới này là “tăng cường hòa bình, ổn định tại Ấn Độ-Thái Bình Dương” nhờ vào việc gia tăng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
“Không phải tất cả các chương trình đều mới nhưng bằng cách tập hợp chúng lại với nhau trong khuôn khổ 1 chính sách chung, chúng tôi sẽ có thể đánh giá tốt hơn các cam kết, thể hiện quyết tâm của chúng tôi đối với các đồng minh, đối tác và ngăn chặn Trung Quốc”, ông Thornberry nói.
Đề xuất, được sự ủng hộ của hơn 15 thành viên trong Quốc hội từ cả 2 đảng, cũng kêu gọi bố trí thêm radar phòng thủ tên lửa ở Hawaii và thiết lập hệ thống Hỏa lực chính xác tầm xa trong khu vực.
Theo National Interest, đề xuất nói trên sẽ giúp củng cố những hành động chiến lược mà Mỹ đang được thực hiện tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ đã điều máy bay ném bom B-2, B-52 và B-1B từ đảo Guam tuần tra khu vực và thường xuyên tập trận chung với đồng minh ở Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ cũng thực hiện hoạt động diễn tập tấn công tàu sân bay và sử dụng máy bay tuần tra chống ngầm Poseidon giám sát ở Biển Đông.
Chiến lược cứng rắn “kiềm chân” Trung Quốc
Một số ý kiến cho rằng, “Sáng kiến Răn đe Ấn Độ - Thái Bình Dương” sẽ giúp ngăn chặn các “hành vi gây hấn” của Trung Quốc bằng cách củng cố sức mạnh quân sự của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã triển khai nhiều khí tài quân sự trên khắp khu vực chẳng hạn như điều các tàu sân bay tới Biển Đông, sử dụng máy bay tuần tra gần Đài Loan. Chiến dịch hiện đại hóa quân sự quy mô lớn và đầy hoài bão của Trung Quốc, trong đó có việc theo đuổi kế hoạch sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, đóng tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ nội địa, đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp cùng các tướng lĩnh quân đội Mỹ.
Trong bối cảnh đó, sáng kiến sẽ giúp tập trung các nguồn lực để chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng nước này không thể chiến thắng quân đội Mỹ một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Việc phân bổ lực lượng tốt hơn sẽ khiến Trung Quốc khó nhắm mục tiêu vào các lực lượng và cơ sở hạ tầng của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân hơn tại các căn cứ của Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh gặp nhiều thách thức và phải trả giá nhiều hơn trong việc tấn công. Số lượng lớn hơn lực lượng chiến đấu đáng tin cậy của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ khiến Trung Quốc khó nắm bắt và duy trì lợi thế trong một cuộc xung đột.
Trung Quốc đã lên tiếng về “Sáng kiến Răn đe Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 23/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ “khoanh tay đứng nhìn” nếu kế hoạch đó được thực hiện.
“Nếu phía Mỹ đẩy mạnh việc triển khai thì đó là một sự khiêu khích rõ ràng ở “ngưỡng cửa” Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại động thái này”, ông Ngô Khiêm nói.
“Sáng kiến Răn đe Ấn Độ - Thái Bình Dương” phản ánh quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng. Trước đó, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã tranh cãi về một loạt vấn đề như Biển Đông, thương mại, tội phạm mạng và ảnh hưởng địa chính trị.
Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Trump đã coi việc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn là một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu. Chính quyền của ông luôn coi Nga và Trung Quốc là hai đối thủ lớn. Để kiềm chế Trung Quốc, Mỹ đã tích cực thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương”, theo dõi sát sao các hoạt động hàng hải mà Bắc Kinh thực hiện, kêu gọi một số nước thiết lập cơ chế hợp tác an ninh song phương hoặc đa phương để ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc.
Theo các nhà lập pháp Mỹ, nội dung của sáng kiến về cơ bản được xem là việc thực hiện “chiến lược Ấn độ -Thái Bình Dương”. Sáng kiến này sẽ tăng cường sự minh mạch về ngân sách, tập trung các nguồn lực lấp đầy những lỗ hổng về năng lực quân sự quan trọng, trấn an đồng minh và đối tác của Mỹ, tăng cường tính răn đe của Mỹ trong khu vực./.