Năm 2012: Vũ khí hải quân phát triển mạnh

(VOV) - Lực lượng hải quân sẽ không chỉ là lực lượng răn đe mà còn là lực lượng tác chiến mạnh trên biển trong tương lai gần.

Tác chiến hải quân ngày càng đòi hỏi những công nghệ tân tiến. Các chuyên gia Micheal Button, Stephen Parkson và Peter Downing thuộc nhóm nghiên cứu Hải quân Anh “tiết lộ” những công nghệ và vũ khí được phát triển mạnh trong năm 2012 có súng điện từ siêu thanh, vũ khí laser điện tử tự do, vũ khí năng lượng định hướng và các vệ tinh cực nhỏ…

Súng siêu thanh: Súng siêu thanh do Hải quân Mỹ nghiên cứu, chế tạo đã tạo ra những hiệu ứng đáng chú ý nhất. Đây là loại vũ khí điện từ có thể bắn ra loại đạn rắn với tốc độ Mach 7 (gấp 7 lần tốc độ âm thanh) hoặc hơn thế với tốc độ cao gấp 3 lần vận tốc 800m/s của loại súng hải quân truyền thống với cỡ nòng là 5 inches.

Tàu ngầm tấn công nhanh USS North Carolina (SSN-777) của Hải quân Mỹ (Ảnh: Philippine Politics Buzz)

Loại súng nêu trên sẽ được trang bị cho lực lượng hải quân hiện đại trong tương lai gần. Bên cạnh tính năng siêu thanh, loại súng này được thiết kế để tạo ra sức mạnh phòng không chống lại các loại tên lửa và máy bay chiến đấu truyền thống, với tốc độ bắn 12 viên/phút, tầm bắn xa 200 dặm, thời gian bay trên không là 6 phút, mỗi quả đạn nặng khoảng 15kg.

Loại súng này có thiết kế như một loại súng cao su công nghệ cao với “viên đạn” được giữ ở khe dẫn nối giữa hai thanh ray song song. Một xung điện lớn sẽ được tạo ra cho một trong hai thanh ray trượt dọc theo súng, qua khe dẫn và trượt ngược lại thanh ray còn lại tạo ra một mạch điện và một từ trường rất lớn làm tăng tốc độ của khe dẫn dọc theo các thanh ray, phóng đạn ra với tốc độ 2.500 m/s.

Qua thử nghiệm cho thấy, súng siêu thanh do Hải quân Mỹ nghiên cứu chế tạo đã có 1.000 loạt bắn thành công. Tuy nhiên, vấn đề khủng hoảng ngân sách đã gây khó khăn đối với công trình nghiên cứu này của Hải quân Mỹ và đang có nhiều câu hỏi được đưa ra xung quanh vấn đề có tiếp tục theo đuổi hay không. 

Vũ khí năng lượng định hướng: Sau khi nhận được hợp đồng chế tạo một loại vũ khí laser năng lượng cao thể rắn, có sức công phá lớn gắn trên tàu, “Phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ/ORN” và đối tác là Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Northorp Grumman đã thử nghiệm trên biển thành công loại vũ khí này với mục tiêu là vô hiệu hóa một tàu chiến.

Mặc dù vậy, điểm yếu của những loại vũ khí laser là luôn thiếu sức mạnh và việc lắp đặt trên một tàu chiến trong môi trường biển là một yếu tố bất lợi, buộc phải hạn chế tiềm năng sử dụng của loại vũ khí này chỉ ở chức năng phòng thủ.

Một giải pháp đang được nghiên cứu là laser electron tự do (FEL) - một thiết bị có tiềm năng thực sự cho vũ khí, cùng với mức tiêu thụ năng lượng rất ít. Sử dụng một dòng electron bay trong chân không với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng để tạo ra tia laser, FEL có tần số rộng nhất của các loại tia laser và có thể được điều chỉnh nhanh chóng bằng cách hiệu chỉnh năng lượng của dòng electron hoặc cường độ của từ trường điều hướng các electron.

Quá trình thử nghiệm các chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể. FEL được ORN thử nghiệm có thể bắn ra một tia có cường độ 500kV có khả năng xuyên thủng lớp thép dày với tốc độ 20 feet/giây. Sau khi Hội đồng Quân sự Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua việc cắt giảm tài trợ, chương trình nghiên cứu này đã bị tác động do thiếu kinh phí.

Những vệ tinh nhỏ, linh hoạt: Trong khi việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng có thể làm cho một số chương trình nghiên cứu vũ khí của Mỹ bị trì hoãn, thì ngược lại, sự tiết kiệm đó đã khuyến khích các chương trình như TacSat - dự án vệ tinh chiến thuật thực nghiệm mini của Lầu Năm Góc. Chi phí chế tạo và phóng thấp, đặc biệt là tận dụng được các thiết bị hiện đang có trên thị trường, những vệ tinh mini này hứa hẹn sẽ tạo ra một chuẩn mới về khả năng ứng phó và tính linh hoạt, có thể được giao các nhiệm vụ lớn hơn mà những phương tiện không gian truyền thống chuyên dụng không thể dễ dàng thực hiện được.

Được phóng lên vào tháng 9/2011, TacSat - 4 của Hải quân Mỹ là chiếc vệ tinh cuối cùng trong chuỗi các vệ tinh, cung cấp 10 kênh liên lạc dải tần UHF có thể được sử dụng cho bất cứ nhiệm vụ thông tin liên lạc, lọc thông tin hay giám sát Lực lượng mũ nồi xanh (Blue Force).

Vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp hình elip, nặng 450 kg, antenna có đường kính 3,5m, có thể tạo ra tỉ số công suất và độ lợi cao, do vậy không cần đến việc định hướng antenna mặt đất. Trong khi đó, quỹ đạo đặc trưng của TacSat - 4 giúp tăng cường các thông tin liên lạc địa tĩnh với một chu kỳ 4 tiếng và có thể dừng lại ở những khu vực cần thiết khá lâu.

Vệ tinh giám sát dưới mặt nước: Trong khi vệ tinh mini cơ động giám sát, theo dõi các tàu nổi từ không gian, các lực lượng gải quân tương lai sẽ không thể không chú trọng tới việc tăng cường khả năng phản ứng ở khu vực dưới mặt nước. Các hệ thống cảm biến âm học và phi âm học đang được khai thác cho các nhiệm vụ cảnh giới chiến thuật, chiến lược toàn diện ở phạm vị chiến đấu của các tàu ngầm với việc tập trung vào nghiên cứu các công nghệ để tạo ra một hệ thống giám sát dưới đáy biển có đủ khả năng, tăng cường khả năng phát hiện thủy lôi và khả năng tác chiến dưới mặt nước.

Các nghiên cứu đang ở giai đoạn riêng lẻ, các cuộc biểu diễn công nghệ ở cấp độ hệ thống đang ngày càng nhiều và trong thời gian dài, các hệ thống thế hệ mới có thể được tích hợp trên các tàu hải quân và được khai thác như một thiết bị độc lập để bảo vệ các hạm đội hay hải cảng theo yêu cầu.

Robot hải quân: Quan điểm phát triển các loại robot hoàn toàn phù hợp với xu hướng của lực lượng hải quân nhiều nước trong việc sử dụng ngày càng nhiều các trang thiết bị, máy móc, phương tiện tự động dưới nước (AUV). Nhiều nhà phân tích quân sự dự đoán tất cả các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) sẽ trở thành một mục tiêu chung của các lực lượng hải quân trong tương lai.

Cuộc chạy đua này sẽ tiếp tục tạo ra những công nghệ cho phép các UUV đa dạng và đa năng hoạt động hiệu quả với vai trò là một nhân tố quan trọng trong môi trường tác chiến hải quân. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu về việc tăng cường cảnh giới và tính tự động dưới nước sẽ cho phép tạo ra các nền tảng kết hợp AUV/UUV để mở rộng phạm vi hoạt động, hạn chế được nguy cơ bị phát hiện, tăng cường khả năng mới cho hải quân trong tương lai.

Qua các trọng tâm nghiên cứu và ứng dụng nêu trên cho thấy, hải quân một số quốc gia lớn đã tiếp tục triển khai các chương trình phát triển các thế hệ vũ khí và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Việc tăng cường tiềm lực tác chiến cho hải quân là cần thiết bởi lực lượng này không chỉ là lực lượng răn đe mà còn là lực lượng tác chiến mạnh trên biển./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên