Năng lực quân sự của Nga và Ukraine sau gần 1 năm nổ ra xung đột

VOV.VN - Sau gần 1 năm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cả Moscow và Kiev đều đã có những thay đổi về năng lực quân sự.

Gần đây, nhiều quốc gia phương Tây thông báo sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Đức, Anh và Mỹ tuyên bố gửi cho Ukraine xe tăng hiện đại, trong khi Pháp, Ba Lan và các nước NATO khác cam kết cung cấp các loại vũ khí hạng nhẹ. Sau đó, Ukraine đã đề nghị một số đối tác phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu.

Liệu Nga có thể sản xuất và mua đủ số lượng vũ khí để tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trong thời gian tới hoặc bảo vệ các vùng lãnh thổ đã giành quyền kiểm soát?

Ngoài ra, một câu câu hỏi nữa được đặt ra là quân đội Ukraine có đủ khả năng quân sự để giành lại các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát hay cản bước tiến của Moscow trên chiến trường hay không?

Ukraine phụ thuộc nhiều vào phương Tây

“Hiện tại, Nga có lợi thế về vũ khí, chủ yếu là pháo cũng như hệ thống phòng không. Ngành công nghiệp quân sự của Nga đang giúp nước này đạt được nhiều ưu thế trên chiến trường. Mức tiêu thụ đạn pháo của Nga hiện đã giảm đáng kể so với mùa xuân và mùa hè và điều này khiến tốc độ tiến công của Nga chậm lại”, nhà bình luận quân sự người Israel David Gendelman đánh giá.

“Các lực lượng Nga đang tiến lên, chậm nhưng chắc. Họ đã đạt được tiến bộ trên nhiều mặt trận”.

Ông Gendelman chỉ ra rằng quân đội Ukraine chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí hiện đại của phương Tây.

“Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung vũ khí từ phương Tây. Hiện tại, nhiệm vụ chính của các lực lượng Ukraine là phòng thủ. Ukraine chỉ có thể thực hiện các cuộc phản công quan trọng khi nhận được số lượng đáng kể vũ khí của phương Tây. Đến nay, nhiều nước phương Tây đã hứa hẹn gửi vũ khí cho Ukraine, song quá trình chuyển giao vẫn chưa diễn ra”, chuyên gia Gendelman nói.

Neil Melvin, Giám đốc Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng Ukraine đang dần giành quyền kiểm soát tình hình trên chiến trường, đặc biệt là với sự xuất hiện của các loại vũ khí hiện đại do đối tác phương Tây cung cấp.

“Cuộc xung đột đã thực sự diễn ra kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea. Khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, cả hai bên đều đã được trang bị tốt về mặt quân sự. Nga có năng lực quân sự toàn diện, trong khi Ukraine cũng có một số năng lực quan trọng nhưng thiếu vũ khí chủ lực tại một số khu vực nhất định”, ông Melvin cho hay.

“Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, khi Ukraine cố gắng ngăn chặn cuộc tấn công của Nga ở thủ đô Kiev, sau đó là ở Donetsk, một số lượng lớn thiết bị của Nga đã bị tịch thu và tái sử dụng. Ukraine đã sơn và trang bị lại rất nhiều thiết bị của Nga. Trước đây, Ukraine chủ yếu sở hữu hệ thống phòng không khá cũ của Liên Xô. Hiện tại, họ đã có một số hệ thống hiện đại của phương Tây, khá hiệu quả trong việc ngăn chặn máy bay không người lái và tên lửa của Nga”.

Năng lực quân sự của Nga và Ukraine

Theo tờ Euronews, phương Tây đã nỗ lực cung cấp cho Ukraine các phương tiện bọc thép cũng như các hệ thống pháo binh và tên lửa hiện đại.

Sau 4 tháng xung đột nổ ra, Mỹ tuyên bố cung cấp các hệ thống pháo phản lực HIMARS cho Ukraine để ứng phó với các cuộc tấn công của Nga. Hệ thống HIMARS được cho là vũ khí giúp quân đội Ukraine thay đổi cục diện trên chiến trường. Ngoài ra, Ukraine cũng nhận được các hệ thống pháo và lựu đạn hiện đại.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn thiếu tên lửa tầm xa hơn. Mỹ đã từ chối yêu cầu gửi tên lửa tầm xa của Ukraine do lo ngại Kiev có thể sử dụng loại vũ khí này để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga và vượt qua lằn ranh đỏ của Moscow. Ngoài ra, Washington cũng không dư thừa hệ thống tên lửa tầm xa trong kho vũ khí để gửi cho Kiev.

Ukraine cũng mong muốn có được máy bay chiến đấu theo tiêu chuẩn NATO hiện đại từ phương Tây. Hiện tại, họ vẫn sử dụng những chiếc máy bay từ thời Liên Xô.

“Thách thức hiện tại đối với Ukraine là sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí do phương Tây cung cấp để vượt qua các phòng tuyến của Nga”, Euronews cho hay.

Về phía Nga, năng lực quân sự của nước này cũng đã phát triển, theo nhà phân tích Melvin.

“Nga đang tham chiến với lực lượng vũ trang lớn. Họ cũng chịu thiệt hại về binh sĩ và thiết bị nhưng sử dụng khoảng thời gian vào mùa đông để tái bố trí lực lượng. Điện Kremlin đã huy động 300.000 binh sĩ hồi tháng 9/2022. Những binh sĩ này hiện đã có mặt tại chiến trường”, ông Melvin cho biết.

“Nga có rất nhiều thiết bị thời Liên Xô. Họ có rất nhiều đạn pháo, xe tăng và xe bọc thép, không nhất thiết phải là loại hiện đại nhất, nhưng với số lượng lớn”.

Theo ông Melvin, thứ mà Nga đang thiếu là các hệ thống tên lửa và xe bọc thép tiên tiến hơn thời hậu Xô Viết.

“Tôi nghĩ rằng Nga sẽ cố gắng sử dụng nguồn lực áp đảo của mình, đặc biệt là nhân lực, để chọc thủng phòng tuyến của Ukraine mà không nhất thiết phải liên kết các đơn vị khác nhau của lực lượng vũ trang”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Siêu tăng" Merkava - vũ khí của Israel có thể giúp ích Ukraine trên chiến trường
"Siêu tăng" Merkava - vũ khí của Israel có thể giúp ích Ukraine trên chiến trường

VOV.VN - Xe tăng Merkava của Israel, được mệnh danh là “vua chiến trường”, có khả năng đối phó với các vũ khí chống tăng và máy bay không người lái (UAV).

"Siêu tăng" Merkava - vũ khí của Israel có thể giúp ích Ukraine trên chiến trường

"Siêu tăng" Merkava - vũ khí của Israel có thể giúp ích Ukraine trên chiến trường

VOV.VN - Xe tăng Merkava của Israel, được mệnh danh là “vua chiến trường”, có khả năng đối phó với các vũ khí chống tăng và máy bay không người lái (UAV).

Mục đích của Mỹ khi lần đầu tiên triển khai tiêm kích F-35 tới Greenland
Mục đích của Mỹ khi lần đầu tiên triển khai tiêm kích F-35 tới Greenland

VOV.VN - Lần đầu tiên trong lịch sử, Không quân Mỹ triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tới Greenland - nơi đặt căn cứ quân sự có vị trí chiến lược gần Bắc Cực.

Mục đích của Mỹ khi lần đầu tiên triển khai tiêm kích F-35 tới Greenland

Mục đích của Mỹ khi lần đầu tiên triển khai tiêm kích F-35 tới Greenland

VOV.VN - Lần đầu tiên trong lịch sử, Không quân Mỹ triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tới Greenland - nơi đặt căn cứ quân sự có vị trí chiến lược gần Bắc Cực.

Uy lực tiêm kích Su-35S của Nga khi phá hủy các mục tiêu của Ukraine
Uy lực tiêm kích Su-35S của Nga khi phá hủy các mục tiêu của Ukraine

VOV.VN - Ngày 30/1, Bộ Quốc phòng Nga công bố một video cho thấy phi đội tiêm kích Su-35S thuộc Quân khu miền Tây phá hủy các mục tiêu quân sự của đối phương bằng cách triển khai các tên lửa đầy uy lực.

Uy lực tiêm kích Su-35S của Nga khi phá hủy các mục tiêu của Ukraine

Uy lực tiêm kích Su-35S của Nga khi phá hủy các mục tiêu của Ukraine

VOV.VN - Ngày 30/1, Bộ Quốc phòng Nga công bố một video cho thấy phi đội tiêm kích Su-35S thuộc Quân khu miền Tây phá hủy các mục tiêu quân sự của đối phương bằng cách triển khai các tên lửa đầy uy lực.