Nga đã chuẩn bị phương án bị loại khỏi SWIFT

VOV.VN - Không chỉ đã sẵn sàng và thử nghiệm thành công cắt internet toàn cầu, nước Nga đã có phương án dự phòng trong trường hợp bị loại khỏi SWIFT.

“Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu” (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication -  SWIFT) được thành lập tại Brussels (Bỉ) ngày 3/5/1973 và được hỗ trợ bởi 239 ngân hàng tại 15 quốc gia. Thiết lập các tiêu chuẩn chung cho các giao dịch tài chính và một hệ thống xử lý dữ liệu dùng chung và mạng lưới truyền thông trên toàn thế giới do Logica thiết kế và được phát triển bởi Burroughs Corporation, SWIFT cho phép các tổ chức tài chính và ngân hàng trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy.

Tính đến năm 2015, SWIFT đã liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, những người đang trao đổi trung bình hơn 32 triệu tin nhắn mỗi ngày (so với mức trung bình 2,4 triệu tin nhắn hàng ngày vào năm 1995). Sử dụng cáp thông tin liên lạc dưới biển để truyền dữ liệu, mạng nhắn tin an toàn SWIFT được vận hành từ ba trung tâm dữ liệu, một ở Mỹ, một ở Hà Lan và một ở Thụy Sĩ, chia sẻ thông tin theo thời gian thực. Tính đến năm 2018, khoảng một nửa trong số tất cả các khoản thanh toán xuyên biên giới có giá trị cao trên toàn thế giới đã sử dụng mạng SWIFT.

SWIFT có trụ sở tại Bỉ, nhưng hội đồng quản trị của nó bao gồm các giám đốc điều hành từ các ngân hàng Mỹ với luật liên bang cho phép chính quyền hành động chống lại các ngân hàng và cơ quan quản lý trên toàn cầu. SWIFT là một doanh nghiệp tư nhân, nhưng vì được thanh toán bằng đồng USD nên phụ thuộc rất nhiều vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Dưới góc độ kĩ thuật, SWIFT là thiết chế đa phương, thuộc sở hữu của các tổ chức tài chính thành viên có văn phòng trên khắp thế giới, nhưng trên thực tế, Mỹ thể hiện sức mạnh tài phán ngày một lớn đối với SWIFT và sử dụng cơ chế này như là một công cụ để thực thi chính sách cấm vận. SWIFT đã nhiều lần gây tranh cãi vì cho phép chính phủ Mỹ giám sát và trong một số trường hợp can thiệp vào các giao dịch nội bộ châu Âu.

Ngày 23/6/2006, một loạt các bài báo trên The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times đã tiết lộ một chương trình có tên là Chương trình Theo dõi Tài chính Khủng bố, mà Bộ Tài chính, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ đã khởi xướng sau vụ tấn công ngày 11/9 để giành quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu giao dịch SWIFT; chính phủ Bỉ tuyên bố rằng các giao dịch SWIFT này với các cơ quan chính phủ Mỹ là vi phạm luật riêng tư của Bỉ và châu Âu.

Theo Der Spiegel, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) giám sát rộng rãi các giao dịch ngân hàng qua SWIFT, cũng như các giao dịch thẻ tín dụng. NSA đã chặn và lưu giữ dữ liệu từ mạng SWIFT được hàng nghìn ngân hàng sử dụng để gửi thông tin giao dịch. Theo các tài liệu bị rò rỉ bởi Edward Snowden, SWIFT được đặt tên là "mục tiêu", tiết lộ rằng NSA theo dõi SWIFT bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm cả việc đọc "lưu lượng máy in SWIFT từ nhiều ngân hàng".

Nga đã phát triển giải pháp thay thế SWIFT

Tháng 8/2014, Vương quốc Anh đã lên kế hoạch thúc ép EU ngăn chặn việc Nga sử dụng SWIFT như một biện pháp trừng phạt do sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine, tuy nhiên, SWIFT đã từ chối làm như vậy. Washington đã đe dọa ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT trong nhiều năm. Giữa tháng 12/2020, các chuyên gia Nga cũng đã dự đoán, các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” sẽ nhằm vào Nga sau khi Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Theo đó, các chuyên gia nhận định, các hạn chế trong tương lai có thể ảnh hưởng đến những điểm kinh tế nhức nhối nhất. Đặc biệt, biện pháp trừng phạt có thể tạo ra các vấn đề đối với việc tiếp cận thị trường thế giới của các ngân hàng Nga, ngắt kết nối quốc gia này khỏi SWIFT, đưa ra lệnh cấm giao dịch với chứng khoán nợ của Nga và cấm các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào các dự án năng lượng của Moscow. Trên thế giới đã có một số tiền lệ - Triều Tiên và Iran đã bị loại khỏi SWIFT, gây ra tác động lớn trong quá trình xử lý các giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế với hai nước này.

Một số ý kiến cho rằng, nguy cơ Nga rút khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là rất nghiêm trọng. Lý do là vì Nga là một trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về khối lượng hoạt động ngân hàng vận hành SWIFT, hệ thống này được khoảng 400 tổ chức tài chính trong nước sử dụng. Theo một chuyên gia, việc Nga đột ngột ngắt kết nối với SWIFT có thể gây ra tình trạng dao động tỷ giá dữ dội trên thị trường tiền tệ. Chính quyền Moscow đã từng cảnh báo rằng họ coi việc tách Nga ra khỏi SWIFT là “một lời tuyên chiến”.

Moscow đã phản ứng bằng cách tạo ra một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán có tên là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) như một biện pháp dự phòng. Nga bắt đầu phát triển SPFS năm 2014 trong bối cảnh Washington đe dọa ngắt kết nối quốc gia này khỏi SWIFT liên quan đến sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Giao dịch đầu tiên bằng SPFS liên quan đến một doanh nghiệp phi ngân hàng được thực hiện vào tháng 12/2017. Hệ thống thanh toán của Nga đã được thúc đẩy bởi các thành viên của khối BRICS là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Hệ thống nhắn tin tài chính SPFS của Nga sẽ được liên kết với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS của Trung Quốc.

Mặc dù Ấn Độ chưa có hệ thống nhắn tin tài chính trong nước, nhưng nước này có kế hoạch kết hợp nền tảng của Ngân hàng Trung ương Nga với một dịch vụ nội địa đang được phát triển. Năm 2019, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, Nga và Trung Quốc đã đồng ý hợp nhất hệ thống cho các khoản thanh toán quốc tế. Theo đó, SFPS cung cấp các giao dịch bằng đồng Rúp, CIPS thì bằng NDT. Việc này đem lại niềm tin rằng người dùng không phụ thuộc vào Mỹ và SWIFT, đồng thời thoát khỏi nhu cầu thanh toán bằng USD, làm suy yếu vị thế của USD như là một đồng tiền dự trữ.

Hệ thống thanh toán của Nga cũng sẽ hoạt động với SEPAM của Iran, vì các ngân hàng quốc gia Hồi giáo đã không có quyền truy cập vào SWIFT kể từ năm 2018 sau khi Mỹ khôi phục các lệnh trừng phạt. Theo dữ liệu mới nhất, 23 thành viên nước ngoài từ Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Đức, Thụy Sĩ… đã được kết nối với nó.

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT trong trường hợp nước này ''xâm lược'' Ukraine. Dự thảo nghị quyết nêu rõ, trong hoàn cảnh như vậy, việc nhập khẩu dầu và khí đốt Nga vào EU phải dừng ngay lập tức, Moscow phải bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán SWIFT, tất cả tài sản trong EU của các nhà tài phiệt thân cận với Điện Kremlin và gia đình họ phải bị đóng băng, thị thực phải bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, không thể đơn giản cắt Nga khỏi hệ thống SWIFT được, bởi 2 nguyên nhân - Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về các vấn đề quốc tế có tính chất chính trị và khuyến nghị, không mang tính ràng buộc pháp lý, do đó, các nghị sĩ chỉ có thể trông chờ các thể chế khác của EU lắng nghe và thực hiện; theo đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, SWIFT là một tổ chức tư nhân quốc tế, theo nghĩa này, kể cả các nước EU có đồng thuận với nghị quyết thì EU cũng không có thẩm quyền để ngắt kết nối Liên bang Nga với tổ chức này.

Giới phân tích cho rằng, EU không thể ngắt kết nối SWIFT của Nga nhưng Mỹ thì có thể khiến SWIFT không cho Nga kết nối. Mỹ có thể ban hành lệnh cấm các nước giao dịch trên SWIFT bằng đồng USD, nếu SWIFT tiếp tục cho Nga tiến hành các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền qua hệ thống này. Khi đó, SWIFT sẽ tự động phải chặn kết nối của Nga, nếu không khối lượng giao dịch của hệ thống này sẽ sụt giảm thê thảm. Do phần lớn các giao dịch quốc tế gắn chặt với đồng USD, SWIFT sẽ không thể thoát khỏi lệ thuộc vào Mỹ.

Theo các chuyên gia, để chấm dứt thế bá chủ của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, điều cốt yếu nhất là phải định ra được các cơ chế mới về thanh toán quốc tế. Một trong những cơ chế đó có thể là đồng tiền điện tử (tiền kĩ thuật số), một công cụ cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới tức thời, không cần đến một hạ tầng tài chính phức tạp cùng với hệ thống ngân hàng tương ứng. Việc Nga-Trung thúc đẩy giảm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào đồng USD, là một quyết định đúng đắn và phù hợp với sự phát triển, chống lại chủ nghĩa bá quyền của Mỹ thời điểm này và trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên