Nga dàn trận phản công ồ ạt tại Kursk, Ukraine lộ điểm yếu chiến lược
VOV.VN - Nga đang tăng cường gây sức ép lên lực lượng Ukraine ở Kursk, sau khi phát động cuộc phản công lớn vào tuần trước. Hiện có thông tin cho rằng, có tới 38.000 quân Nga đã tham gia chiến dịch này. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đang phải bảo vệ chiến dịch xâm nhập lãnh thổ Nga trước những lời chỉ trích ngày càng tăng.
Nga điều thêm binh sỹ cứu Kursk
Financial Times trích dẫn lời một quan chức tình báo quân sự cấp cao của Ukraine, cho biết, Nga đã huy động 38.000 binh sỹ tới Kursk, trong đó có nhiều lữ đoàn tấn công được đưa đến từ miền nam Ukraine. Theo quan chức này, cuộc phản công của Nga "vẫn chưa có quy mô lớn" và Moscow sẽ cần triển khai thêm nhiều lữ đoàn tấn công nếu muốn đạt được nhiều thành quả đáng kể hơn.
Trước đây, Tổng thống Zelensky từng ước tính, Nga có thể phải huy động 100.000 binh sỹ để đẩy lùi hoàn toàn chiến dịch xâm nhập của Ukraine. Hiện đang có những lo ngại về việc cuộc tấn công của Ukraine có thể mang lại lợi ích cho Điện Kremlin.
Theo giới phân tích, chiến lược quân sự hiện tại của Ukraine đang phản ánh bản chất kép của cuộc chiến, nơi xung đột diễn ra cả trên thực địa lẫn mặt trận chính trị, ngoại giao. Ukraine phải đối mặt với 2 thách thức lớn: chiến đấu với Nga trong khi tìm cách đảm bảo sự ủng hộ liên tục của phương Tây.
Cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk từ tháng 8/2024 dường như đã được tính toán kỹ lưỡng để định hình lại diễn biến xung đột và chứng minh năng lực của Ukraine trong việc thách thức Nga trên chính lãnh thổ của họ.
Kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022, Ukraine đã theo đuổi một chiến lược đa dạng và chiến dịch xâm nhập Kursk được coi là một canh bạc có chủ đích nhằm phơi bày những điểm yếu của Nga và làm mất ổn định tình hình chính trị, xã hội tại quốc gia này. Không chỉ mang ý nghĩa về mặt quân sự, cuộc tấn công Kursk còn là cuộc chiến thông tin để thu hút sự chú ý của phương Tây và củng cố quan điểm cho rằng, Ukraine vẫn có khả năng giáng đòn mạnh mẽ vào lực lượng Nga.
Hạn chế về mặt chiến lược đối với Ukraine
Mặc dù diễn ra một cách táo bạo, nhưng cuộc tấn công này vẫn có những hạn chế về mặt chiến lược, một số chuyên gia lưu ý. Trước hết, khả năng thành công trên chiến trường của Ukraine một phần được quyết định bởi các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Quân đội Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa để nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự và các mục tiêu có giá trị cao ở Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, lực lượng Ukraine vẫn bị hạn chế về các loại vũ khí phương Tây mà họ có thể sử dụng để chống lại các mục tiêu bên trong nước Nga. Mỹ và đồng minh chưa cho phép Ukraine sử dụng những loại tên lửa, chẳng hạn như Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 (ATACMS) và tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga. Đối với Ukraine, điều này đồng nghĩa với việc các mục tiêu của họ trong cuộc chiến không phải lúc nào cũng phù hợp với tính toán địa chính trị rộng lớn của các đối tác phương Tây, và đôi khi dẫn tới sự mâu thuẫn về chiến lược.
Trong khi Ukraine tìm kiếm những chiến thắng quyết định trên chiến trường để củng cố vị thế đàm phán của nước này, các đối tác phương Tây như Mỹ và Châu Âu lại hành động một cách thận trọng hơn để tránh xung đột leo thang.
Việc thiếu các nguồn lực dự trữ cũng là một mối lo ngại lớn của Ukraine. Kể từ khi xung đột nổ ra, Kiev đã phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí, thông tin tình báo và viện trợ tài chính do phương Tây cung cấp. Tuy nhiên, các nguồn lực này là hữu hạn. Các kho dự trữ đạn dược của phương Tây, đặc biệt là đạn pháo, đang cạn kiệt, trong khi các gói viện trợ mới của Mỹ đang dấy lên nhiều tranh cãi về mặt chính trị. Rủi ro đối với Ukraine là việc tiếp tục các hoạt động như cuộc tấn công Kursk có thể nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn nhân lực và trang thiết bị của nước này đặc biệt khi sự hỗ trợ của phương Tây bắt đầu suy yếu.
Kết quả trái chiều trên mặt trận ngoại giao
Trên mặt trận ngoại giao, cuộc tấn công Kursk đã mang lại những kết quả trái chiều. Một mặt, việc đưa cuộc xung đột sang lãnh thổ Nga đã khiến Điện Kremlin bối rối, có khả năng gây sức ép buộc Tổng thống Putin phải xem xét lại chiến lược của mình. Ukraine hy vọng điều này sẽ khiến Nga có vị thế đàm phán kém hơn. Song, tình hình thực tế khá phức tạp. Bất chấp thành công mang tính biểu tượng của Ukraine ở Kursk, Nga vẫn cố thủ ở miền đông Ukraine và tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này vẫn tăng cường hoạt động. Do đó, cuộc tấn công Kursk có thể khiến Moscow lo ngại, nhưng về cơ bản nó không làm thay đổi cục diện xung đột.
Chiến dịch đột kích Kursk cũng có nguy cơ khiến một số nước phương Tây ủng hộ Ukraine dần quay lưng với Kiev. Các quốc gia châu Âu như Đức và Pháp vốn ủng hộ biện pháp ngoại giao và lệnh ngừng bắn, lo ngại xung đột sẽ vượt ra ngoài lãnh thổ của Nga và Ukraine. Những nước này đã bày tỏ rõ quan điểm rằng sự ủng hộ của họ đối với Ukraine phụ thuộc vào các hoạt động phòng thủ chứ không phải là các cuộc tấn công vào Nga. Nếu xung đột lan rộng hơn, kiev có thể mất đi sự ủng hộ quan trọng về mặt ngoại giao và bị hạn chế về các lựa chọn trên chiến trường.
Mặc dù cuộc tấn công Kursk đã giúp khích lệ tinh thần của các binh sỹ Ukraine, song không dẫn đến sự thay đổi quyết định về cán cân của cuộc chiến. Thách thức đối với Ukraine hiện nay là duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ mà họ đã chiếm được trong khi tránh bị tổn thất quá lớn. Về mặt lý thuyết, việc giữ Kursk như một vùng đệm có thể cung cấp cho Ukraine đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tương lai, nhưng với điều kiện Kiev phải có đủ sức mạnh quân sự để duy trì quyền kiểm soát khu vực này vô thời hạn. Đây là điều rất khó xảy ra.
Chiến dịch xâm nhập Kursk cũng đặt ra những câu hỏi hóc búa về tính bền vững của chiến lược quân sự mà Ukraine theo đuổi. Với nguồn lực hạn chế và môi trường quốc tế đang thay đổi, Ukraine phải điều chỉnh các hoạt động quân sự của nước này theo những mục tiêu ngoại giao thực tế. Điều này có nghĩa họ cần cân nhắc cẩn thận những rủi ro và lợi ích của các cuộc tấn công trong tương lai để duy trì sự ủng hộ của phương Tây và bảo tồn các nguồn lực quân sự. Cuộc tấn công Kursk, mặc dù gây ấn tượng trong thời điểm này, có thể trở thành thất bại đau đớn nếu Ukraine tiếp tục sử dụng nguồn lực quá mức trong một cuộc chiến tiêu hao chưa thấy hồi kết.
Chiến dịch của Ukraine nhằm xâm nhập lãnh thổ Nga đã chứng minh khả năng tấn công của nước này, nhưng cũng phơi bày những hạn chế trong chiến lược quân sự và ngoại giao. Theo giới phân tích, những tháng tới sẽ là thời điểm then chốt đối với cả Ukraine và các đồng minh phương Tây. Thành bại của Ukraine sẽ không chỉ được đo lường bằng những lợi ích về lãnh thổ mà còn bằng khả năng duy trì sự ủng hộ của phương Tây, quản lý hiệu quả các nguồn lực và cuối cùng là đảm bảo một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột.