Nga đáp trả đòn tập kích của Ukraine, đội ngũ Trump thừa nhận hòa bình xa vời
VOV.VN - Ngay sau khi Ukraine tập kích quy mô lớn vào Nga, Moscow đã đáp trả mãnh liệt bằng vũ lực quân sự. Trong khi đó, đội ngũ cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump thừa nhận việc khôi phục hòa bình tại Ukraine là xa vời do xung đột Nga - Ukraine đặc biệt phức tạp.
Nga trả đũa đòn tập kích của Ukraine với lời cảnh báo sắc lạnh
Cả giới chức Nga và Ukraine đều xác nhận Kiev tiến hành cuộc tập kích lớn nhất của họ nhằm vào sâu bên trong lãnh thổ Nga vào đêm 13/1/2025, sử dụng nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa, bao gồm cả tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine.
Đến đêm 14/1 rạng sáng 15/1, Nga lập tức có những hành động đáp trả mạnh mẽ, oanh tạc dữ dội cơ sở hạ tầng ngành năng lượng của Ukraine (chủ yếu cơ sở khí đốt) vào giữa mùa đông.
Tổng thống Ukraine Zelensky xác nhận, phía Nga đã sử dụng hơn 40 tên lửa và trên 70 UAV quân sự cho cuộc tấn công này.
Cuộc tấn công đã buộc Ukrenergo - công ty năng lượng nhà nước Ukraine, tạm thời ngừng cung cấp điện - đây là giải pháp ngăn ngừa hệ thống năng lượng của nước này khỏi bị sập. Phải đến 9h sáng 15/1 (giờ Kiev), điện mới được khôi phục tại đây.
Trong số tên lửa do Nga phóng lần này có cả tên lửa Kh-55SM vốn được thiết kế để gắn đầu đạn hạt nhân. Nga đã gắn đầu đạn giả không nổ lên tên lửa này để làm mồi nhử đánh lừa hệ thống phòng không Ukraine, khiến Ukraine khó phân biệt được đòn đánh thật và giả từ phía đối phương.
Tên lửa Kh-55SM cùng biến thể Kh-555 đều được phóng từ máy bay ném bom Tu-95MS đóng tại tỉnh Volgograd của Nga.
Trong cuộc tập kích mới nhất của mình, quân đội Nga còn sử dụng cả tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay Tu-22M3, tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu hải quân và tên lửa hành trình Kh-101 phóng từ máy bay. Nga cũng phóng tên lửa hành trình Kh-22 hoặc Kh-32 có tốc độ cực nhanh.
Đòn oanh tạc mới của Nga diễn ra trong bối cảnh ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cận kề.
Cố vấn của Tổng thống Nga Putin, ông Nikolai Patrushev, đã bác bỏ ý tưởng Nga sẵn lòng từ bỏ những vùng đất mà họ đã chiếm được của Ukraine. Ông Patrushev đưa ra thông tin đó khi trả lời phỏng vấn của tờ báo Nga Komsomolyskaya Pravda. Bài phỏng vấn được đăng tải vào hôm 14/1.
Cố vấn Patrushev cảnh báo rằng không thể loại trừ khả năng Ukraine ngừng tồn tại với tư cách là một quốc gia có chủ quyền vào năm 2025.
Đội ngũ ông Trump thừa nhận xung đột Nga - Ukraine quá phức tạp
Các cố vấn cho Tổng thống đắc cử Mỹ Trump hiện nay thừa nhận xung đột Nga - Ukraine sẽ phải mất nhiều tháng hoặc lâu hơn nữa mới giải quyết được, trái ngược với lời hứa trước đây của ông Trump rằng ông sẽ chấm dứt xung đột này trong vòng một ngày khi ông trở lại Nhà Trắng.
Hai vị cố vấn của ông Trump, người từng thảo luận xung đột Ukraine với vị tổng thống đắc cử Mỹ, nói với Reuters rằng họ đang xem xét khung thời gian trong nhiều tháng để giải quyết xung đột này. Họ cho biết, giải pháp “một ngày” của ông Trump chưa tính đến tình chất phức tạp của xung đột Nga - Ukraine và thời gian cần thiết để lập ra một chính phủ Mỹ hậu bầu cử.
Những đánh giá trên khớp chính xác với bình luận của đặc phái viên tương lai cho ông Trump về tình hình Nga - Ukaine, cựu tướng Keith Kellogg. Khi trả lời phỏng vấn của Fox News tuần trước, tướng Kellogg nói rằng ông muốn có giải pháp chấm dứt chiến tranh trong vòng 100 ngày, vượt xa khung thời gian ban đầu của Tổng thống đắc cử Trump.
Tuy nhiên, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, John Herbst, cho rằng khung thời gian mở rộng của tướng Kellogg vẫn là “quá lạc quan”.
Phía Nga cũng đưa ra nhiều tín hiệu khác nhau về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình. Họ hoan nghênh đàm phán trực tiếp với ông Trump, trong khi bác bỏ một số ý tưởng do các cố vấn của ông Trump nêu ra, coi đó là bất khả thi.
Điện Kremlin từ chối bình luận về khung thời gian mới cập nhật của đội ngũ Trump.
Trong khi đó, Nga đã giành được nhiều thắng lợi đáng kể trên thực địa tại chiến trường Ukraine trong những tháng gần đây, khiến giới quan sát cho rằng Tổng thống Nga Putin sẽ không vội tìm kiếm giải pháp đình chiến hoặc hòa bình vì ông còn muốn quân đội Nga giành thêm lãnh thổ Ukraine.
Cựu Đại sứ Herbst nhắc lại bình luận của Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vasily Nebenzya, vào đầu tháng 1/2025 rằng các kế hoạch hòa bình do các cố vấn của ông Trump đề xuất chưa có gì đáng quan tâm cả.
Trong lúc đợi chờ ông Trump xây dựng kế hoạch hòa bình chi tiết, đội ngũ cố vấn của ông nhìn chung ủng hộ đưa vấn đề Ukraine gia nhập NATO ra khỏi bàn đàm phán, ít nhất là trong tương lai gần, đồng thời hậu thuẫn cho việc đóng băng chiến tuyến hiện tại giữa Nga và Ukraine.
Hầu hết cố vấn cấp cao của Tổng thống đắc cử Trump cũng ủng hộ trao cho Ukraine một đảm bảo cụ thể về an ninh, như tạo ra một vùng phi quân sự do binh sĩ châu Âu tuần tra.
Xem thêm:
>> Nga nhận thấy ông Trump chuyển hướng trong nhận thức thực tế ở Ukraine
>> Nhiều người dân Nga ủng hộ chính phủ trong xung đột vũ trang với Ukraine
>> Ukraine bất ngờ về sức mạnh, trình độ và tính kỷ luật của lính Triều Tiên