Nga mang tên lửa S-400 sang Syria chỉ để đối phó Thổ Nhĩ Kỳ?
VOV.VN- Liệu Nga điều hệ thống tên lửa S-400 đến Syria chỉ để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Su-24 bị bắn hạ hay còn muốn “gửi thông điệp” đến một nước khác?
Theo Sputnik News, câu hỏi trên được nhà phân tích Tyler Durden trên trang web Zero Hedge đưa ra trước động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Nga ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ là đối tượng đầu tiên
Theo đó, sau khi cường kích Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ khi đang không kích IS ở biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã điều hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 Triumf cùng tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Moskva đến Syria để đảm bảo an toàn cho các máy bay của Nga.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Nga. Ảnh Sputnik |
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 (mà NATO gọi là SA-21 Growler) có khả năng đánh chặn mọi loại vũ khí hiện đại nhất hiện nay, bao gồm cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trong bán kính hơn 400km.
Theo ông Durden, việc Nga điều hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân này cho thấy “Nga muốn cảnh báo rằng, một vụ việc như chiếc Su-24 của Nga bị bắn hạ sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Thông điệp của nga qua việc điều S-400 là nếu máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ định tấn công một máy bay Nga, Nga sẽ ngay lập tức đáp trả bằng lực lượng dưới mặt đất”.
Nhà phân tích Durden nhấn mạnh, với tầm bắn của mình, S-400 hoàn toàn có thể tấn công mọi mục tiêu ở Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí còn vươn sang cả phía Bắc Israel. Như vậy, hành động của Nga cho thấy, Nga hoàn toàn có thể bảo vệ các lực lượng của mình ở Syria trong trường hợp leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên, ông Durden bày tỏ hoài nghi rằng, thông điệp này của Nga chỉ được gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ và nhà lãnh đạo được Nga coi là “khó lường” của họ.
Nhưng Mỹ mới là mục tiêu chính
Theo ông Durden, việc điều hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga ngay lập tức khiến giới chức ngoại giao Mỹ ở Moscow lo ngại bởi theo họ, hệ thống này không phải để sử dụng để tấn công IS vốn không hề sở hữu khả năng không kích do không có một chiếc máy bay nào.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích rất rõ về động thái của Nga. Ông Putin nhấn mạnh: “S-400 là hệ thống phòng thủ và chúng tôi không định mang hệ thống này sang Syria bởi chúng tôi tin rằng, máy bay của chúng tôi hoạt động ở độ cao mà những kẻ khủng bố không thể chạm tới được. Chúng không có loại vũ khí phù hợp để bắn hạ máy bay của chúng tôi đang bay ở độ cao tối thiểu từ 3-4km”.
Ông Putin nhấn mạnh, việc chiếc Su-24 của Nga bị bắn hạ là “hành động dâm sau lưng” của Thổ nhĩ Kỳ và Nga buộc phải tiến hành những biện pháp để đảm bảo an toàn cho lực lượng của mình trong khu vực.
Tổng thống Nga Putin gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga là hành động "đâm sau lưng của những kẻ ủng hộ khủng bố". Trên ảnh là một chiếc Su-24. Ảnh Sputnik |
Ngay sau đó, theo ông Durden, Tổng thống Nga Putin “đột ngột chuyển hướng” và nhắm vào một đối tượng khác.
“Mỹ- nước đứng đầu liên quân không kích IS ở Iraq và Syria bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ- biết rõ máy bay Nga hoạt động lúc nào và ở đâu và hiểu rõ vụ tấn công xảy ra như thế nào”, ông Putin cáo buộc.
Theo ông Durden, cáo buộc trên của ông Putin gián tiếp ngụ ý Mỹ “đã hé lộ thông tin về hoạt động của máy bay Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ” và “Thổ Nhĩ Kỳ chẳng qua chỉ hành động theo chỉ đạo từ Lầu Năm Góc”.
“Có thể Mỹ không kiểm soát được thông tin mà họ nắm giữ hoặc cũng có thể họ cung cấp thông tin mà không hề nhận ra hậu quả khủng khiếp của việc này”, ông Putin nói và nhấn mạnh, Nga sẽ tham vấn chặt chẽ với Mỹ về vụ này.
Theo ông Durden, việc máy bay Nga bị bắn hạ rất có thể được Mỹ biết từ trước. Dù có thể không phải là mục tiêu của Lầu Năm góc nhưng chiếc máy bay này vẫn là mục tiêu của NATO và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà phân tích này tin rằng, “thông điệp thực sự” mà ông Putin muốn truyền tải trong cuộc họp báo tại Điện Kremlin sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ chính là ông muốn đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ Barack Obama về những gì diễn ra ngày 24/11 trên khu vực biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tổng thống Nga hoàn toàn hiểu rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là “người thực thi chỉ đạo từ phía Mỹ” vì ông ta muốn bảo vệ nguồn lợi từ việc bắt tay kinh doanh dầu lậu của bản thân và con trai ông ta với IS”, ông Durden nói./.