Nga – Serbia gắn kết vì lợi ích chung
(VOV) - Chuyến thăm Nga của Tổng thống Serbia sẽ khiến hai nước gắn kết hơn vì những lợi ích chung.
Tổng thống Serbia Tomislav Nikolich đang ở thăm Nga, và có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin.
Đây là chuyến thăm Nga lần thứ hai của Tổng thống Nikolich kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 vừa qua. Trong bối cảnh Serbia đang vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu do ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước phương Tây, dường như chuyến thăm này của Tổng thống Serbia không những nhằm tăng cường mối quan hệ với nước đối tác truyền thống mà còn là cơ hội để kiếm tìm một nhà đầu tư, một đối tác kinh tế tin cậy. Chuyến thăm này cũng khiến hai nước gắn kết hơn vì những lợi ích chung.
Tổng thống Serbia Tomislav Nikolich (ảnh: AP) |
Có thể nói, chính sách đối ngoại của Serbia lâu nay ưu tiên vào bốn "trụ cột" gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trong quan hệ song phương với bốn "trụ cột" này, Serbia luôn ưu tiên hàng đầu quan hệ với Nga vì hai nước có nhiều điểm tương đồng về truyền thống, tôn giáo, văn hoá và lợi ích kinh tế. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, mối quan hệ này ngày càng “gắn kết” hơn khi Tổng thống Serbia Tomislav Nikolich - người có tư tưởng thân Nga lên nhậm chức hồi tháng 5 vừa qua.
Trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng của mình, ông Tomislav Nikolich khẳng định sẽ cân bằng lại chính sách đối ngoại của đất nước bằng cách tập trung hơn vào các mối quan hệ với các đối tác truyền thống, đặc biệt là Nga. Vì thế, việc chọn xứ sở Bạch Dương là điểm đến trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống của Serbia là nhằm hiện thực hóa những cam kết của mình.
Không giống như chuyến viếng thăm lần trước với những nghi thức ngoại giao, chuyến thăm lần này của Tổng thống Serbia đặt vấn đề hợp tác kinh tế - thương mại là trọng tâm trong các cuộc hội đàm cấp cao. Điều này cũng là dễ hiểu vì Serbia là một trong những nước châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009 và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Vì thế để có thể vực dậy nền kinh tế, Serbia chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Và, Nga chính là một thị trường tiềm năng cho hàng hóa của Serbia và cũng là nhà đầu tư lớn cho những dự án của nước này.
Có thể nói rằng, Nga và Serbia vốn duy trì mối quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ từ nhiều năm và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại song phương năm 2011 đã tăng 42% và đạt hơn 2 tỉ USD.
Hiện Nga đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế Serbia như năng lượng, kim loại màu, chế tạo máy, du lịch và ngân hàng. Trong chuyến thăm Nga lần này, Tổng thống Serbia cũng hy vọng sẽ có thêm các nhà đầu tư lớn khác của Nga và các khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp để nước này vực dậy nền kinh tế đang suy yếu. Chắc chắn Nga sẽ không thể “thờ ơ” trước những khó khăn của “người anh em” này bởi đầu tư cho Serbia, bản thân Nga cũng sẽ có lợi.
Từ lâu, Nga đã chọn Serbia là "cầu nối" để thâm nhập vùng Balkan bởi hai nước có rất nhiều điểm tương đồng như đều xuất phát từ hệ thống xã hội chủ nghĩa, trải qua cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế để xây dựng chế độ “Dân chủ”…
Rõ ràng, khi thúc đẩy quan hệ với Beograde, Moscow sẽ bớt phải “dè chừng” đối tác truyền thống của mình ở khu vực này ngả theo phương Tây. Chính vì thế, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ kinh tế, nhân văn và văn hoá với Serbia và hướng tới việc nâng tầm quan hệ song phương lên cấp đối tác chiến lược.
Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định triển vọng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng không chỉ giới hạn ở việc Nga cung cấp năng lượng cho Serbia mà còn ở việc thực hiện các dự án chiến lược mang tầm cỡ toàn châu Âu, trong đó có tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam”.
Đây là một trong hai “con bài” chính của Nga để giành độc quyền cung ứng khí đốt sang EU. Đường ống này sẽ đưa khí đốt của Nga tới châu Âu và một phần của nó đi qua lãnh thổ Serbia.
Có thể nói, với cái bắt tay chặt hơn giữa Nga và Serbia, dư luận có lý để cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Serbia sẽ còn tiến xa hơn trong thời gian tới. Điều này không chỉ có ý nghĩa ở phương diện song phương mà còn có giá trị đối với cả khu vực./.