Nga – Ukaraine hợp tác quân sự vì lợi ích chung
Nga và Ukraine sẽ ký một Hiệp định mới về tái trang bị cho Hạm đội Hắc Hải của Nga và gia hạn sự có mặt của hạm đội này tại Crimea thêm 25 năm (đến năm 2042)
Ngay sau chuyến thăm chính thức Ukraine của Tổng thư ký NATO hôm 24/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine lên đường sang thăm Nga hôm 27/2. Kết quả chuyến thăm là rất đáng ghi nhận khi nó giúp xoa dịu sự phẫn nộ của Nga khi NATO muốn tìm cơ hội hợp tác với Ukraine trong việc triển khai Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD). Thế nhưng, đáng kể hơn nữa là hai bên thống nhất sẽ ký một hiệp định mới về tái trang bị cho Hạm đội Hắc Hải của Nga.
Nếu chuyến thăm Ukraine của TTK NATO Anders Rasmussen là nhằm thảo luận khả năng nước này tham gia Hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu gây lo ngại làm gia tăng căng thẳng với Nga… thì chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Mikhail Ezhel lại có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng nó là động thái xoa dịu và sẽ giúp củng cố tốt quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này.
Cũng để bàn về sự hợp tác quân sự, nhưng ý nghĩa của nó được hai nước đang hết sức coi trọng. Kết thúc chuyến thăm, hôm 27/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdiukov và người đồng cấp Ukraine, ông Mikhail Ezhel tuyên bố tại cuộc họp báo chung ở Vladivostok là “hai nước chủ trương tăng cường hợp tác quân sự song phương” và đều xác nhận Nga và Ukraine sẽ ký một Hiệp định mới về tái trang bị cho Hạm đội Hắc Hải của Nga trên cơ sở hiệp định ký năm 1996 và thỏa thuận đạt được ngày 21/4/2010 giữa Tổng thống hai nước nhằm gia hạn sự có mặt của hạm đội này tại Crimea thêm 25 năm (đến năm 2042).
Có thể nói, đây là cơ sở quan trọng nhất để trước hết là tháo gỡ căng thẳng giữa hai quốc gia này vốn cứ âm ỉ suốt thời gian qua khi làn sóng phản đối việc Ukraine cho Nga thuê căn cứ quân sự ở Bán đảo Crưm nổi lên và xa hơn là xây dựng lại mối quan hệ láng giềng thân thiết trên mọi lĩnh vực có lơi cho cả đôi bên.
Đối với Nga, Hạm đội Biển Đen, một nhân tố “lịch sử để lại” từ thời Liên Xô đang rất cần được hiện đại hóa trong chính sách chung là tăng cường đầu tư để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga. Hạm đội Biển Đen hiện có khoảng 40 tàu chiến đang hoạt động, bao gồm cả một tàu ngầm điện diesel… tuy nhiên, hầu hết số tàu chiến này đều đã gần như quá cũ và đã đến lúc phải loại bỏ.
Theo thỏa thuận, Nga chỉ có thể tái vũ trang cho hạm đội Biển Đen của họ tại bán đảo Crimea khi có sự đồng ý của Ukraine, nay thì hai bên đã đạt được sự thống nhất ấy và Nga đã có cơ sở để thực hiện kế hoạch hiện đại hóa của mình. Đổi lại, trong các cuộc làm việc giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nga Serdiukov đã đưa ra những “hướng mở” đầy triển vọng cho việc thúc đẩy hợp tác quân sự, đó là Nga có thể huy động các chuyên gia của Ukraine tham gia thiết kế và chế tạo các tên lửa đạn đạo hạng nặng sử dụng nhiên liệu lỏng thế hệ thứ năm. Đồng thời, hai nước sẵn sàng tập trận chung dưới mọi hình thức, kể cả có các nước khác tham gia, trên bộ, trên không lẫn trên biển, với mọi mục đích như cứu hộ, thử vũ khí hay phòng thủ.
Có thể nói, kết quả đạt được trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thêm một yếu tố khẳng định quyết tâm của Chính quyền mới ở Ukraine cải thiện quan hệ song phương với LB Nga.
Nhìn lại tròn 1 năm ngày Tổng thống Ucraina Victor Yanukovich lên nắm quyền (25/2), bình thường hóa quan hệ với Nga là thành tích đối ngoại quan trọng nhất. Trong khi hai nước ký được một hiệp định kéo dài thời hạn cho Nga thuê căn cứ đặt Hạm đội Biển Đen tại Crưm thì đổi lại Nga giảm 1/3 giá khí đốt bán cho Ukraine. Hai bên còn đạt được một loạt dự án song phương trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và dầu khí, chế tạo máy bay và vũ trụ, đóng tàu và nhiều dự án nhân văn khác…
Và như vậy, “một mũi tên trúng hai đích”, chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã góp phần làm yên lòng người láng giềng sau chuyến thăm Ukraine của Tổng thư ký NATO, nhưng quan trọng hơn là nó đã thúc đẩy thêm những bước đi cụ thể để quan hệ hợp tác song phương ngày càng nồng ấm vì những lợi ích hết sức thiết thân của hai nước./.