Nga và NATO tiến gần “điểm không thể quay đầu” và nguy cơ chiến tranh hạt nhân
VOV.VN - Những diễn biến trong cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy thế giới đang trên bờ vực của một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Những quy tắc của chiến tranh theo quy ước sẽ chấm dứt nếu các bên vượt qua điểm không thể quay đầu.
Nga – NATO tiến gần điểm không thể quay đổi
Tình hình thế giới hiện nay dường như thiếu một cơ chế quốc tế có thể ngăn cản những quyết định chính trị và quân sự bất cẩn, khiến cho những mối đe dọa như chiến tranh hạt nhân trở nên ngày càng hiện hữu.
Những diễn biến trong cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy thế giới đang trên bờ vực của một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Những quy tắc của chiến tranh theo quy ước sẽ chấm dứt nếu các bên vượt qua điểm không thể quay đầu.
Các gói hỗ trợ quân sự được thông qua vào tuần này của Mỹ, Đức, Anh, Canada, Italy, Pháp và các nước NATO khác cùng với đóng góp từ các nước không thuộc NATO sẽ vượt ra ngoài việc hỗ trợ xe tăng chiến đấu chủ lực, mặc dù chỉ riêng việc này đã đánh dấu sự dịch chuyển đáng kể trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Thời gian cũng là một yếu tố đáng chú ý trong cuộc xung đột này, không chỉ liên quan đến các đợt vận chuyển tên lửa, xe tăng và đạn dược cho Ukraine mà còn liên quan đến việc chuẩn bị của Nga và Ukraine cho các cuộc tấn công quyết định sắp tới.
Tháng 3 sẽ là tháng trọng điểm cho chiến lược tấn công của Nga, Ukraine và NATO. Liệu bên nào sẽ thành công trong chiến dịch có thể diễn ra vào tháng 3 tới? Đây chính là tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa các bên trong bối không có sáng kiến quốc tế nào được khởi động nhằm hướng tới một giải pháp chính trị và sự sụp đổ của các cơ chế quốc tế được cho là có thể ngăn xung đột leo thang. Liên Hợp Quốc và các cơ quan của mình trên thực tế đã không thể thực hiện điều đó.
Các chuyên gia quân sự nghiên cứu về chiến lược của Nga và phương Tây ở Ukraine dự báo, giao tranh sẽ leo thang liên tục bắt đầu từ tháng 2. Khi thời gian phương Tây hỗ trợ xe tăng và thiết bị quân sự cho Ukraine ngày càng đến gần, nguy cơ xung đột Nga - Ukraine trở thành cuộc đối đầu trực tiếp Nga - NATO ngày càng gia tăng.
Nguy cơ bùng nổ xung đột Nga - NATO
Có nhiều tác nhân có thể dẫn đến kịch bản đáng lo ngại này, trong đó có Ba Lan. Ba Lan đóng vai trò quan trọng như một cửa ngõ không thể thay thế cho các chuyến vận chuyển vũ khí tiên tiến từ NATO sang Ukraine. Nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công vào lãnh thổ Ba Lan, điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới. Theo Điều 5 Hiến chương NATO, liên minh này có nghĩa vụ pháp lý phản ứng trước bất kỳ cuộc tấn công vào vào một thành viên NATO.
Mới đây, ông Rob Bauer - Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO gần đây cho biết liên minh này "sẵn sàng" cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga giữa bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Ông chỉ ra rằng nếu có bất kỳ lằn ranh đỏ nào liên quan đến mối quan hệ giữa Nga và NATO thì đó là khi "Nga vượt qua ranh giới lãnh thổ NATO".
Ông Bauer cho biết, trong những thập kỷ qua, nhiều nước NATO cho rằng họ là bên quyết định khi nào và nơi nào nên triển khai lực lượng nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã thay đổi tình hình. Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự "vào thời điểm mà họ lựa chọn, vì thế chúng tôi phải sẵn sàng hơn", quan chức này cho hay.
Bên cạnh đó, gần đây Estonia đã thông báo sẽ cân nhắc thiết lập một cơ chế khu vực liền kề ở Vinh Phần Lan, giúp cho nước này có thể đóng cửa vùng biển này với Nga và cô lập St. Petersburg. Estonia là một thành viên NATO và Phần Lan đang trong quá trình gia nhập liên minh này. Với sự hỗ trợ của các nước NATO khác, hai nước này có khả năng phong tỏa cảng St. Petersburg - cảng lớn nhất ở Nga và Biển Baltic. Nga đã trục xuất Đại sứ Estonia vào tuần trước để phản đối các hành động của chính phủ nước này. Estonia gần đây cũng thông báo gói hỗ trợ quân sự trị giá 113 triệu euro cho Ukraine - gói hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử nước này, tương đương với 1% GDP của Estonia - một Đại sứ của Estonia cho hay.
Có một yếu tố quan trọng liên quan đến việc giảm xung đột và xây dựng lòng tin giữa Nga và Mỹ được biết tới là Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược. Tuy nhiên, vào cuối tháng 11 năm ngoái, Moscow đã trì hoãn vô thời hạn cuộc gặp với Washington để thảo luận về việc nối lại các hoạt động thanh tra theo Hiệp ước New START được ký kết vào năm 2010. Tuần trước, 3 tháng sau khi cuộc gặp trên bị trì hoãn, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhận định tình hình hiện tại trong quan hệ giữa Nga và Mỹ không cho phép hai bên tiếp tục các cuộc đối thoại, đồng thời cáo buộc Mỹ "khiêu khích Nga". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trước đó cũng khẳng định các cuộc trao đổi kiểm soát vũ trang không thể tách rời "các thực tế địa chính trị".
Hiệp ước START được thiết lập nhằm kiềm chế xung đột trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự sụp đổ của hiệp ước này hiện nay có nguy cơ kích hoạt cuộc chiến hạt nhân giữa Washington và Moscow trong một cuộc chiến tranh nóng đang cận kề, tương tự như những gì từng xảy ra trong suốt cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí cung cấp cho Ukraine 31 xe tăng Abrams để khuyến khích Đức hỗ trợ xe tăng Leopard 2 cho Kiev. Anh đang huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng xe tăng hạng nặng Challenger trong khi Na Uy và một số quốc gia khác cũng đưa ra can kết tương tự nhằm thành lập lực lượng mà Ukraine gọi là "liên minh xe tăng". Gói hỗ trợ các vũ khí tấn công bên cạnh xe tăng còn có khoảng 1.100 tên lửa, UAV và các phương tiện quân sự khác.
Liên Hợp Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc các xe tăng hạng nặng được đưa vào cuộc xung đột ở Ukraine trong khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối gay gắt động thái trên, cảnh báo điều đó có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ và châu Âu không lo ngại về khả năng này?
Nhà quan sát Raghida Dergham nhận định trên The Nation rằng, phương Tây không cảm thấy bị thuyết phục trước những cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vũ khí hạt nhân bởi Nga sẽ bị phá hủy trước phương Tây. Theo một chuyên gia hạt nhân, các tên lửa chiến thuật của Nga mất 40 phút để vươn tới Mỹ trong khi các tên lửa của Mỹ chỉ mất 15 phút để vươn tới lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, quân đội Nga cũng như Tổng thống Putin tin rằng Moscow có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân với NATO cũng như giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Leo thang quân sự dường như sẽ trở nên không kiểm soát và không bị giới hạn trong khi hiện không có cơ chế quốc tế nào kiềm chế nó./.