Kịch bản Nga tấn công hạt nhân nếu Mỹ và Đức “vượt lằn ranh đỏ”
VOV.VN - Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây chớ viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine. Nga xem động thái Mỹ và Đức cung cấp xe tăng tối tân cho Ukraine là ngưỡng mới nguy hiểm. Giới quan sát đánh giá về khả năng Nga đánh chặn bằng đòn hạt nhân…
Tổng thống Nga Putin từng cảnh báo như sau: “Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng các vũ khí như vậy nếu đối phương sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt để chống lại Nga, hoặc nếu nhà nước Nga đối mặt với nguy cơ sinh tồn từ các vũ khí thông thường. Chúng tôi chắc chắn sẽ dùng tất cả các hệ thống vũ khí có sẵn cho chúng tôi. Chúng tôi không nói giỡn”.
Cụm từ “mối đe dọa sinh tồn” trực tiếp ám chỉ rằng nếu “lằn ranh đỏ” do Nga vạch ra bị vượt qua, Nga bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các nước phương Tây vượt lằn ranh đỏ?
Mới đây, Đức và Mỹ đã đưa ra quyết định gửi các cỗ xe tăng hiện đại nhất của mình với số lượng không ít cho Ukraine. Đây có thể là “lằn ranh đỏ” mà các nước phương Tây chuẩn bị vượt qua.
Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine sẽ tròn đúng một năm vào ngày 24/2/2023 tới đây. Trong gần một năm qua, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã gửi một số lượng đáng kể vũ khí, đạn dược tới Ukraine.
Riêng Mỹ đã cung cấp cho Ukraine gần 48 tỷ USD để giúp nước này chiến đấu chống lại Nga. Số tiền viện trợ này bao gồm khoảng 23 tỷ USD cho vũ khí, trang thiết bị và các hỗ trợ an ninh. Khoản còn lại là viện trợ tài chính và nhân đạo.
Ngoài Mỹ, còn có gần 40 nước đã cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine.
Các vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine rất đa dạng, từ vũ khí bộ binh, hệ thống phòng không, hệ thống không đối đất, UAV tự sát và UAV trinh sát, máy bay có người lái, pháo, xe tăng, xe thiết giáp chở quân, xe hỗ trợ chiến đấu, hệ thống liên lạc vệ tinh, radar các loại, các thiết bị liên lac…
Các hệ thống mới nhất sắp được gửi cho Ukraine bao gồm xe tăng Leopard 2 của Đức và đồng minh của Đức, và các xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất.
Các xe tăng có nguồn gốc Đức có thể tới Ukraine trong một số ngày tới, xuất phát từ Đức và Ba Lan. Tuy nhiên, xe tăng Abrams của Mỹ sẽ mất nhiều thời gian hơn thì mới tới được Ukraine.
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu Nga có đợi chờ tới khi các lô xe tăng Leopard và Abrams tới được đất Ukraine.
Dù Tổng thống Mỹ Biden nói rằng đây không phải là “mối đe dọa tấn công” đối với Nga, Moscow vẫn coi việc cung cấp các xe tăng đó là sự “tham chiến trực tiếp”.
Mức độ phản ứng quyết đoán của Nga và khả năng huy động vũ khí hạt nhân
Trong bối cảnh nói trên, không thể loại trừ khả năng không quân Nga sẽ thực hiện oanh tạc để ngăn chặn việc đưa các vũ khí hạng nặng này từ Đức và Ba Lan vào Ukraine bằng đường bộ - điều này đồng nghĩa với việc không quân Nga tấn công bên trong lãnh thổ của 2 nước thành viên NATO. Ngoài ra, cũng có khả năng Nga sẽ tấn công các tàu thủy vận tải xe tăng Abrams của Mỹ sang Ukraine.
Ít khả năng Nga sẽ khoanh tay ngồi nhìn lục quân Ukraine củng cố sức mạnh bằng gần 60 xe tăng Leopard (do Đức sản xuất) và xe tăng Abrams (do Mỹ sản xuất).
Các lựa chọn của Nga khi ấy bao gồm ngăn chặn việc vận chuyển số vũ khí này tới Ukraine hoặc đẩy cao căng thẳng bằng cách trực tiếp đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các nước Mỹ, Đức và Ba Lan không chịu hủy quyết định gửi xe tăng cho Ukraine.
Tổng thống Putin là một nhà lãnh đạo quyết đoán. Khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, ông đã chỉ đạo quân đội Nga tiến công Ukraine từ cả 3 hướng là Bắc, Nam và Đông.
Giới quan sát đánh giá, với việc phương Tây viện trợ cho Ukraine các vũ khí hiện đại và lợi hại như pháo phản lực HIMARS, xe tăng Leopard và xe tăng Abrams, Nga đang bị dồn vào góc tường và ít có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa.
Giới quan sát đưa ra kịch bản, Nga khi ấy có thể đáp trả bằng cách huy động không quân thực hiện tấn công từ trên cao bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật với sức công phá ở mức nhỏ./.