Nga và Ukraine chạy đua tuyển mộ binh sỹ để giành lợi thế trên chiến trường
VOV.VN - Nga và Ukraine được cho là đã đẩy mạnh các đợt tuyển quân để củng cố lực lượng trên chiến trường, một dấu hiệu cho thấy hai bên đang chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài.
Sau hơn một năm giao tranh ác liệt, cả Nga và Ukraine đang tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm bổ sung lực lượng vốn đã chịu tổn thất nghiêm trọng thời gian qua.
Tổng thống Nga Putin ngày 30/3 đã ký ban hành sắc lệnh huy động lính nghĩa vụ trong đợt tuyển quân mùa xuân. Nội dung sắc lệnh quy định từ ngày 1/4 đến ngày 15/7/2023, các công dân Nga từ 18-27 tuổi không thuộc lực lượng dự bị và là đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, sẽ được gọi nhập ngũ, với số lượng 147.000 người, nhiều hơn khoảng 10% so với mục tiêu của đợt tuyển quân vào mùa xuân năm 2022. Mặc dù nhà chức trách Nga cho biết các tân binh sẽ không được điều động ra chiến trường, nhưng sắc lệnh được cho là sẽ tạo ra một lực lượng dự bị lớn hơn, để bổ sung cho quân đội Nga vốn đã chịu nhiều thương vong trong hơn 1 năm qua.
Trong khi đó, Ukraine cũng đang cố gắng tuyển mộ binh sỹ để củng cố lực lượng. Kiev cho biết đã nhận được hơn 35.000 đơn đăng ký tham gia vào một lực lượng mới mà họ đang thành lập mang tên Lực lượng Bảo vệ Tấn công. Trong những tuần qua, nhà chức trách nước này đã công bố kế hoạch thành lập một mạng lưới các lữ đoàn chiến đấu hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ và các lực lượng vũ trang chính quy.
Các động thái của Nga và Ukraine nhằm bổ sung binh lực, khôi phục lại lực lượng quân đội cùng nhiều tín hiệu khác cho thấy cả hai bên và những nước ủng hộ họ đang chuẩn bị cho cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.
Bất chấp việc Tổng thống Belarus ngày 31/3 kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng, hiện chưa phải thời điểm thích hợp. “Không có gì thay đổi trong tình hình Ukraine. Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục. Hiện tại, đây là cách thức duy nhất chúng tôi có thể sử dụng để hoàn thành các mục tiêu”, ông Dmitry Peskov nói với báo giới.
Ukraine cũng từ chối lời kêu gọi ngừng bắn của nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko. "Việc ngừng bắn nghĩa là Nga có thể ở lại các vùng lãnh thổ đã bị Moscow kiểm soát. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được", ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky, viết trên Twitter.
Trong khi đó, phương Tây đang tăng cường cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, cũng như đưa ra nhiều gói viện trợ quân sự mới. Các quan chức Ukraine cho biết, họ sẽ sớm tiến hành cuộc phản công lớn để giành lại những vùng lãnh thổ đã mất ở phía Đông và phía Nam. Thời gian gần đây Nga đã gặp khó khăn trong việc đạt được những bước tiến mới ở miền Đông Ukraine và các nhà phân tích phương Tây đang tranh luận liệu Moscow có sẵn sàng phát động một cuộc tấn công quy mô lớn tiếp theo hay không.
Thách thức đối với Nga và Ukraine khi tìm cách bổ sung binh sỹ
Cả Nga và Ukraine đều không tiết lộ con số thương vong, nhưng theo đánh giá của phương Tây, hai bên đã và đang chịu tổn thất nặng nề về nhân sự. Các quan chức Mỹ ước tính có khoảng 200.000 binh sỹ Nga thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi xung đột nổ ra, còn thương vong đối với Ukraine vào khoảng 100.000 người. Hiện, Moscow và Kiev vẫn chưa xác nhận thông tin này.
Những cuộc giao tranh ác liệt ở miền Đông Ukraine thời gian gần đây, đặc biệt là ở các thành phố và thị trấn như Bakhmut và Avdiivka, đã khiến Ukraine bị mất một số lượng lớn binh sỹ, trong đó có những binh sỹ giàu kinh nghiệm nhất và thiện chiến nhất. Tháng 3 vừa qua, các quan chức Mỹ cho biết, có thời điểm hàng trăm binh sĩ Ukraine bị thương hoặc thiệt mạng mỗi ngày. Kể từ khi xung đột bùng phát, Ukraine đã khuyến khích người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội gia nhập quân đội để lấp đầy hàng ngũ, còn Nga được cho là kết hợp từ nhiều nguồn lực khác nhau, từ lực lượng dự bị, binh sỹ hợp đồng đến các đơn vị quân sự tư nhân.
Cuộc chiến giành Bakhmut đã diễn ra trong nhiều tháng, cả Nga và Ukraine đang chịu áp lực lớn khi kho dự trữ đạn pháo của họ dần cạn kiệt. Khi Nga bao vây thành phố từ 3 phía còn Ukraine nỗ lực giữ vững tuyến phòng thủ, quân đội 2 bên phụ thuộc rất nhiều vào các đợt pháo kích để đáp trả lẫn nhau. Những tổn thất trên chiến trường đồng nghĩa với việc các đơn vị ở tiền tuyến cần được bổ sung quân tiếp viện.
Nhưng có rất nhiều thách thức mà Nga và Ukraine phải đối mặt khi tuyển dụng tân binh. Ukraine đang nỗ lực kêu gọi người dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, thuyết phục những nam giới khỏe mạnh đủ độ tuổi chiến đấu nộp đơn đăng ký trong khuôn khổ lệnh tổng động viên được ban bố kể từ tháng 2/2022. Ngoài ra, nước này cũng kêu gọi các tình nguyện viên tham gia chiến đấu, nhưng số lượng tình nguyện viên sẵn sàng dường như đang giảm dần sau thời gian dài giao tranh. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, thời gian có thể không đứng về phía Ukraine khi nước này tiếp tục có nhiều binh sĩ tử trận và điều kiện chiến đấu ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn.
Nga cũng đã mất khá nhiều binh sỹ và đã có những suy đoán về việc Moscow có thể thực hiện thêm một đợt huy động qua mô lớn khác nhưng Chuẩn Đô đốc Vladimir Tsimlyansky, người đứng đầu bộ phận tổ chức và huy động chính của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga đã bác bỏ suy đoán này khi khẳng định sẽ “không có đợt huy động thứ hai trong kế hoạch của Bộ tổng tham nưu”. Nga tiếp tục dựa vào lực lượng dự bị, lực lượng quân sự tư nhân và những binh sỹ dày dặn kinh nghiệm trong lực lượng chính quy để chiến đấu. Ngoài ra, nhà chức trách nước này được cho là kêu gọi một số lính nghĩa vụ ở lại quân đội sau một năm thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc./.