Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL
VOV.VN - Các địa phương trong khu vực ĐBSCL tiếp tục chủ động thông tin các tiềm năng, lợi thế cho các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn.
Chiều 3/1, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã dự buổi làm việc của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại buổi làm việc, ông Đồng Văn Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm vừa qua. Nổi bật là Hậu Giang đã thực hiện đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt hơn 4,5%, đứng thứ 2 cả nước và đứng thứ nhất khu vực ĐBSCL.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được Hậu Giang quan tâm. Trong đó, việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tỉnh đã chi gần 160 tỷ đồng hỗ trợ 120.000 người bị ảnh hưởng. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tỉnh quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỉnh đang thực hiện một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử.
Dù có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng đến nay, công tác thu hút đầu tư của Hậu Giang chưa tương xứng với tiềm năng. Thời gian qua tỉnh chỉ thu hút được 351 dự án đầu tư trong nước và trực tiếp từ nước ngoài. Riêng năm 2020, Hậu Giang thu hút được 31 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký 6.295 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 5 triệu USD.
Theo ông Lê Tiến Châu- Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ĐBSCL là khu vực có nhiều tiềm năng và đã phát huy khá tốt lợi thế của mình trong thời gian qua. Nhất là trong năm 2020, dù tình hình có nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực rất lớn của cả 13 tỉnh, thành khu vực đã góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước.
Tuy nhiên, bối cảnh trước mắt còn nhiều thách thức nhất là tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, hạ tầng giao thông để liên kết vùng chưa đồng bộ… Vì vậy sau buổi gặp gỡ này, Hậu Giang và các địa phương trong khu vực sẽ tiếp tục chủ động thông tin các tiềm năng, lợi thế cho các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng đã thảo luận và thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư trong năm 2020 và thời gian tới tại địa phương mình.
Ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các địa phương trong vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo các tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc Ủy ban khởi động các dự án, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực.
Dịp này, Đoàn công tác đã trao hỗ trợ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL xây nhà Đại đoàn kết và an sinh xã hội./.