Ngành Hàng không vũ trụ Nga liệu có bị tụt hậu?

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, ngành công nghiệp Hàng không vũ trụ Nga đã trải qua quá trình thương mại hoá và dẫn đến những hệ luỵ không tránh khỏi

Thương mại hoá

Năm 1986, Trạm vũ trụ Hoà bình (Mir) được phóng lên không gian nhằm chào mừng Đại hội lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô. Sự thành công của trạm không gian Hoà bình đã mang lại sự lạc quan cho ngành công nghiệp vũ trụ Liên Xô. Ngay sau đó, Đảng Cộng sản Liên Xô đã thông qua một loạt các chương trình vũ trụ như tàu con thoi Buran, tàu vũ trụ thám hiểm sao Hoả, xây dựng cơ sở nghiên cứu - dịch vụ không gian trên mặt trăng… Tuy nhiên, tất cả các chương trình sau đều hoặc không thành công (tàu con thoi Buran và tàu thám hiểm sao Hoả) hoặc dừng lại (trạm nghiên cứu - dịch vụ Mặt Trăng).

Cho đến nay, trạm không gian Hoà bình vẫn là đỉnh cao của khoa học vũ trụ Nga, được thừa hưởng từ các nghiên cứu và khoa học công nghệ sản xuất từ thời Xô Viết. Trạm vũ trụ Hoà bình đã hoạt động được 15 năm cho đến ngày 23/3/2001 với thời gian hoạt động gấp 3 lần thời gian thiết kế.

Trạm vũ trụ Hoà bình (Mir) được phóng lên thời Liên Xô (Ảnh chụp năm 1996)

Theo truyền thống dưới thời Xô Viết, không gian bao quanh lãnh thổ Liên Xô thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng và là “thánh địa” của quân đội Xô Viết. Tuy nhiên, năm 1992, sau khi Yeltsin lên nắm quyền đã quyết định giải giáp bộ đội vũ trụ, điều chuyển toàn bộ hoạt động của ngành công nghiệp quan trọng nhất nước Nga thời đó sang cho ngành dân sự quản lý. Từ đó ngành công nghiệp vũ trụ Nga đã chuyển hướng hoạt động sang dịch vụ thương mại. Nga đã thắng được hợp đồng xây dựng trạm phóng hàng không vũ trụ ở Trung tâm vũ trụ Kuru tại Guiana thuộc Pháp. Tuy nhiên, quyền khai thác và bán dịch vụ phóng tàu không gian hoặc vệ tinh lại do công ty Arianespace SA (Pháp) quản lý và điều hành. Nga chỉ được bán tên lửa cho trạm này. Một dịch vụ thành công nữa của ngành vũ trụ Nga là đưa thành công 6 nhà du hành vũ trụ Mỹ lên thăm trạm không gian bằng tàu Soyuz với giá 753 triệu USD.

Tuy nhiên, do những thành công thương mại này mà Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga đã dừng chương trình nghiên cứu tàu vũ trụ có người lái, tên lửa đẩy Angara và các chương trình tên lửa tầm xa khác. Về mặt bản chất, kết quả của chương trình nghiên cứu trang thiết bị vũ trụ cũng như tên lửa là cơ sở cho việc sản xuất vũ khí quốc phòng cũng như thúc đẩy công nghiệp sản xuất vũ khí và xuất khẩu của công nghiệp quốc phòng Nga. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tác chiến của quân đội Nga trong chiến tranh tại Chechnya. Các cơ quan tác chiến của Nga phải sử dụng thiết bị cũ dưới thời Xô Viết do các trang thiết bị quốc phòng mới đều hỏng hóc hoặc thực sự là không sử dụng được.

Những hệ luỵ

Sau 12 năm kể từ ngày Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga dưới sự quản lý dân sự, cơ quan này không đưa ra được một mẫu vệ tinh, máy bay và tên lửa đẩy thế hệ mới nào. Nhận thấy sự tụt hậu và khả năng tan rã của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga, Tổng thống Putin tại thời điểm đó đã quyết định cải tổ Cơ quan Hàng không vũ trụ và đưa cơ quan này trở về dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng.

Tiếp đó, Tổng thống Nga đã thông qua một loạt các chương trình quốc gia nhằm phục hồi ngành công nghiệp Hàng không vũ trụ như: Hệ thống thông tin và truyền hình bằng vệ tinh địa tĩnh bao gồm 13 vệ tinh vũ trụ; Hệ thống vệ tinh giám sát quân sự; Hệ thống thông tin liên lạc quốc tế, tìm kiếm và cứu hộ qua vệ tinh KOPAS-SARSAT; Hệ thống vệ tinh đo đạc và dự báo thời tiết Meteor-M-2; Hệ thống giám sát các hiện tượng đặc biệt Kanopus-V-2; Dự án kính viễn vọng quan sát truyền thông đường kính 10m RadioAstron (Spectr-R).

Mặc dù có sự ủng hộ đặc biệt của Tổng thống Putin thời đó (nay là Thủ tướng), sự cố gắng của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga đã tỏ ra thiếu hiệu quả. 3 vệ tinh của chương trình thông tin và truyền hình Nga đã bị rơi (Horison–40, Express-A-3 và Ekran-M-18). Chương trình phóng trạm quan trắc quốc tế Spectr-rentgen-Gamma bị dừng lại cho đến năm 2012 mặc dù chương trình này đã được các nhà khoa học Xô Viết thiết kế. Chương trình xây dựng trạm không gian trung gian cho công tác thám hiểm Sao Hỏa Fobos-Grunt cũng bị dừng lại vô thời hạn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình khác đều dẫn đến những thất bại đáng kể từ 2006 - 2010 như: Năm 2006 tên lửa đẩy Proton-M bị rơi khi thực hiện chương trình phóng vệ tinh thương mại cho các quốc gia Ả rập. Ngay sau đó vệ tinh Express-AM-11 bị hỏng kéo theo sự gián đoạn liên lạc vệ tinh và truyền hình của toàn bộ khu vực Viễn Đông. Tên lửa đẩy Dnepr bị rơi mang theo 18 vệ tinh thương mại của các quốc gia đặt hàng phóng vệ tinh. Tên lửa Proton lại bị rơi khi mang theo vệ tinh JSAT-11 của Nhật Bản.

Sự cải tổ tích cực trong Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga cũng không mang lại được kết quả cụ thể. Các thất bại lớn nhất gần đây chứng tỏ sự yếu kém trong công nghiệp Hàng không vũ trụ Nga: Vệ tinh Koronas-Foton bị hỏng khi thời gian hoạt động chưa đến một năm sau ngày phóng; Tháng 12/2010, 3 vệ tinh của Nga bị rơi xuống Thái Bình Dương do sự cố tên lửa đẩy Proton; Vệ tinh đa chức năng Geo-IK-2 đã bị mất khi đang hoạt động. Sự thất bại của các tên lửa và vệ tinh của Nga đã kéo theo sự thất bại của chương trình vệ tinh định vị toàn cầu của Nga (GLONASS).

Nguyên nhân của những thất bại

Về mặt kỹ thuật, sự thất bại liên tục của ngành Hàng không vũ trụ Nga buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Kết quả điều tra cho thấy:

Vệ tinh Koronas-Foton dùng cho việc nghiên cứu bức xạ mặt trời bị rơi do lỗi thiết kế: hệ thống dây dẫn bị cháy dẫn đến hư hỏng toàn bộ thiết bị vệ tinh bên trong.

Các sự cố của tên lửa đẩy đều liên quan đến thiết bị bên trong hệ thống mới được thiết kế. Các thiết bị này được đưa vào sử dụng mà không qua sự kiểm định và thử nghiệm theo các tiêu chuẩn của ngành hàng không vũ trụ. Theo các chuyên gia giấu tên của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga, khi thiết kế hệ thống điều khiển tên lửa, để tiết kiệm chi phí, các chuyên gia Nga đã đưa vào sử dụng bộ vi xử lý sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) trong khi các bộ vi xử lý này hoàn toàn không được thiết kế để hoạt động trong môi trường vũ trụ.

Một yếu tố khác liên quan nhiều đến ngân sách cho công tác nghiên cứu và phát triển tên lửa, đó là chi phí bảo hiểm cho tên lửa. Công tác bảo hiểm được giao cho nhà cung cấp bảo hiểm Trung tâm bảo hiểm tên lửa Sputnik, mà trung tâm này được điều hành bởi những người thân (con trai) của 2 Phó Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga. Kết quả điều tra độc lập cho thấy, lãnh đạo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga đã chi tới 40% ngân sách của chương trình vệ tinh GLONASS vào các công ty con của mình.

Tìm lại định hướng

Kết quả điều tra cho thấy, Chính phủ Nga phải cải tổ sâu sắc ngành Hàng không vũ trụ. Yếu tố con người và đạo đức mang tính quyết định trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao và nhiều trách nhiệm này. Cải tổ ngành Hàng không vũ trụ sẽ đem lại cho nước Nga tiềm năng khoa học mới, nâng cao tính cạnh tranh trong khoa học và sản xuất thiết bị công nghệ cao, chuyển giao những thành tựu nghiên cứu cho công nghiệp quốc phòng như đã từng làm trong thời Xô Viết.

Một vấn đề nữa trong định hướng của ngành Hàng không vũ trụ Nga là khi ngành quân sự được điều hành bởi các quan điểm dân sự thương mại sẽ dẫn đến nhiều vấn đề tương tự. Một khi yếu tố kinh tế, tài chính chi phối sẽ dẫn đến những tiết kiệm nhỏ trong qua trình nghiên cứu thiết kế và xây dựng. Điều này có thể đưa đến những sai sót lớn như: Sử dụng vật tư rẻ tiền không qua kiểm nghiệm; Giảm chi phí cho nghiên cứu khoa học, thử nghiệm thiết kế và ứng dụng; Thiếu kiểm tra đôn đốc giám sát các quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo; Tham nhũng và chi tiêu sai nguyên tắc ngân sách dành cho quốc phòng. Những sai sót này sẽ dẫn đến những thiệt hại to lớn về vật chất cũng như vị thế của nước Nga trên toàn thế giới.

Hiện tượng này không chỉ xảy ra trong ngành Hàng không vũ trụ mà còn xảy ra trong sản xuất công nghiệp quốc phòng của nước Nga. Việc rơi 6 máy bay SU-31 tại Algeria vào năm 2010 dẫn đến việc phải bồi thường thiệt hại và ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí của Nga trong tương lai. Tuy nước Nga chỉ xuất khẩu vũ khí chiến tranh quy ước nhưng những thông tin trên sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần vũ khí của Nga tại các thị trường truyền thống (các nước Ả rập và Đông Nam Á), đánh mất một phần thị trường vào các quốc gia xuất khẩu vũ khí mới nổi như Trung Quốc, quốc gia vừa là khách hàng vừa là đối thủ cạnh tranh trong tương lai của Nga trong việc xuất khẩu vũ khí truyền thống.

Quá trình thương mại hoá và sự thiếu quan tâm đầu tư đúng mức đã đưa đến những khiếm khuyết, yếu kém trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của Nga, đặc biệt là Hàng không vũ trụ.

Các ngành công nghiệp nặng của Nga đang có những bất cập trong việc phát triển và định hướng cho tương lai. Quá trình thương mại hoá ngành Hàng không vũ trụ và các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng Nga đang dẫn đến những hệ luỵ to lớn. Nếu không sớm được khắc phục thì nguy cơ tụt hậu là khó tránh khỏi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên