Người Hồi giáo sẵn sàng cải đạo để được tỵ nạn ở Đức
VOV.VN- Rất nhiều người tỵ nạn Hồi giáo đã cải sang đạo Thiên Chúa với hy vọng sẽ giúp họ tăng khả năng được tiếp nhận vào Đức.
Theo Daily Mail, chỉ riêng tại một khu vực nhỏ ở thủ đô Berlin đã có hàng trăm người tỵ nạn Iran và Afghanistan được cải đạo.
Tương lai mới sau khi cải đạo
Trong số này, có ông Zonoobi, một thợ mộc từng sinh sống ở thành phố Shiraz tại Iran đã trốn sang Đức cùng vợ và hai đứa con khoảng 5 tháng trước.
Lễ cải đạo cho người Hồi giáo tại một nhà thờ ở Berlin. Ảnh AP |
Tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo dòng Baptism, Linh mục Gottfried Martens đã hỏi ông Zonoobi: “Con có muốn rời xa quỷ Satan và những hành vi tội lỗi của hắn. Con có muốn rời bỏ đạo Hồi hay không?”.
Ông Zonoobi đáp lời: “Có”.
Linh mục Martens sau đó đã cải tên cho ông Zonoobi “nhân danh Cha, Con và các Thánh thần”.
Ông Zonoobi cho biết, khi còn ở Iran, ông đã bí mật tham dự các buổi lễ của người Thiên chúa khi bạn bè ông giới thiệu về Kinh Thánh cho ông ở tuổi 18.
Ông đã quyết định trốn sang Đức sau khi nhiều người bạn theo đạo Thiên Chúa của ông bị bắt giữ vì thực hành các nghi lễ của đạo này.
Đối với ông Zonoobi và vợ của mình Afsaneh việc cải đạo đánh dấu một sự khởi đầu mới. “Giờ thì chúng tôi được tự do là chính mình”, bà Afsaneh nói.
“Điều quan trọng nhất là các con tôi sẽ có một tương lai tốt đẹp và được hưởng nền giáo dục tốt của Đức”, bà Afsaneh nói thêm.
Chính Linh mục Martens cũng thừa nhận, nhiều người đã cải đạo chỉ để gia tăng cơ hội ở lại Đức, nhưng ông cho rằng, điều đó không quá quan trọng.
Cũng theo Linh mục Martens, nhiều người muốn cải đạo vì họ nhận thấy đạo Thiên Chúa đã thay đổi cuộc sống của họ và chỉ 10% những người đã cải đạo là không đi lễ nhà thờ sau khi đã được đặt tên thánh.
Không dám công khai mục đích thật sự
Bản thân việc cải sang đạo Thiên Chúa không giúp gì nhiều cho việc được chấp nhận để vào Đức. Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố người Hồi giáo cũng “là một phần của nước Đức”.
Tuy nhiên, tại một số quốc gia như Afghanistan và Iran, một người Hồi giáo cải sang đạo Thiên chúa có thể khiến người này bị tử hình hoặc bị giam giữ. Điều này khiến Đức sẽ phải rất cân nhắc nếu muốn trả những người này lại quê hương.
Chính vì thế, rất ít người muốn công khai thừa nhận mình cải đạo chỉ để tăng khả năng được các quốc gia châu Âu đón nhận. Nếu làm như vậy, họ rất có khả năng bị từ chối tiếp nhận và bị trả về nước trong khi đã cải đạo rồi.
Thậm chí, nhiều người còn không dám nêu tên thật vì sợ người thân của họ tại quê nhà có thể bị ảnh hưởng.
Dù nhiều người nói rằng, quyết định cải đạo của họ là vì niềm tin tôn giáo, một cô gái trẻ người Iran khẳng định, hầu hết mọi người đến nhà thờ chỉ mong dễ được tiếp nhận hơn.
Nhiều người bị trả về đầy oan ức
Ông Vesam Heydari đã nộp đơn xin tỵ nạn tại Na Uy và sau đó cải đạo tại đây vào năm 2009.
Một người Hồi giáo cải đạo hát thánh ca. Ảnh AP |
Tuy nhiên, ông đã bị từ chối bởi giới chức Na Uy không tin rằng ông sẽ bị bắt hoặc xử tử khi bị đưa trở về Iran sau khi đã cải đạo. Chính vì thế, ông đã trốn sang Đức và chờ đợi quyết định từ giới chức nước này.
Ông Heydari đã lên tiếng chỉ trích nhiều người Iran đã cải sang đạo Thiên chúa và khẳng định, điều này khiến “những người theo đạo Thiên chúa chân chính” như ông khó có cơ hội được chấp thuận đơn xin tỵ nạn.
Trong khi đó, nhiều nhà thờ trên khắp nước Đức cũng đang phải đối mặt với con số người xin cải đạo quá nhiều. Linh mục Martens cho biết, số con chiên trong giáo phận của ông đã tăng gấp 4 lần từ con số 150 ban đầu lên 600 chỉ trong vòng 2 năm. Con số này có thể sẽ tăng lên nhanh hơn khi dòng người di cư vẫn đang lũ lượt tràn sang Đức.
Rất nhiều người muốn đến giáo phận của Linh mục Martens để cải đạo vì họ “nghe đồn rằng” ông sẽ cải đạo cho họ sau khi họ tham gia vào một khóa học “khai tâm” trong vòng 3 tháng và thậm chí còn hỗ trợ họ xin tỵ nạn.
Trong khi những người tị nạn Syria chắc chắn được chấp nhận tại Đức thì những người tị nạn Iran hay Afghanistan lại khó được tiếp nhận hơn vì 2 nước này được coi là “ổn định hơn so với Syria”.
Trong những năm gần đây, chỉ 40-50% số người tỵ nạn đến từ Iran và Afghanistan được tiếp nhận tại Đức và hầu hết trong số này chỉ được cư trú tạm thời./.